Làm giàu từ ... 'đồ bỏ đi'

Ông Nguyễn Thanh Tùng (50 tuổi, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã khéo léo “nhào nặn” những gốc cây gỗ vô tri giữa núi rừng, thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Trước kia, gia đình ông Tùng làm ruộng, thu nhập chính trông chờ vào 5 sào lúa và 3 sào keo lai. Vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống không mấy khấm khá. Trong những lần đi làm nương rẫy, ông tình cờ phát hiện ra những gốc cây gỗ to đã chết lâu năm, nằm lộ thiên giữa rừng.

Thấy đẹp, ông vác về nhà, nhưng lại bất lực vì không tài nào biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật mà mình đã mường tượng ra trong đầu. Cứ như vậy ngày này qua tháng nọ, sân nhà ông chất đầy những bộ rễ cây xù xì...

Ông kể: “Mang gốc cây từ trên rừng về, thời gian rảnh tôi thường mang ra đục, đẽo để tạo hình nhưng không tài nào làm được, cứ làm lại hỏng. Nhiều lần vợ tôi chướng mắt vì thấy tôi mất thời gian với những thứ vô bổ, bà lấy gốc cây tôi mang về làm chất đốt. Buồn lắm, nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt thôi”.

Làm giàu từ ... 'đồ bỏ đi' - 1
Ông Tùng đang tạo hình cho một sản phẩm.

Nghe nhiều người mách bảo phải đi tìm chỗ học hỏi thì mới tạo ra sản phẩm được, ông cất công tìm đến nhiều cơ sở làm gỗ lũa ở Quảng Ngãi để nhờ họ chỉ bảo. Nhưng đi đến đâu người ta cũng không mấy mặn mà, hầu như ai cũng giữ cho mình những “tuyệt kỹ” riêng.

Không tìm được “thầy”, ông tự mày mò với phương châm “nghề dạy nghề”. Ông đầu tư hơn 5 triệu đồng mua sắm máy móc tỉa tót gỗ. Sau gần 2 năm tự học nghề, mãi đến năm 2004, những sản phẩm đầu tay của ông mới bắt đầu cho ra lò. Đầu tiên, ông làm những sản phẩm đơn giản, thông dụng trong gia đình như bàn, ghế. Sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa lạ nên làm đến đâu người ta đặt mua hết đến đó. Khi tay nghề đã bắt đầu vững, ông Tùng đầu tư tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao như tạc tượng Phật, tạo hình rồng, sư tử…

Hiện nay cơ sở của ông ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Cuộc sống của gia đình ông đã khá giả, với thu nhập mỗi tháng đến vài chục triệu đồng.

Tên tuổi của ông Tùng được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đến ông để học nghề. Từ năm 2005 đến nay đã có 16 học viên học nghề, giờ đã chuyển ra làm riêng và đều có thu nhập ổn định. Ông bộc bạch: “Những ai tìm đến học nghề, mình toàn tâm dốc sức chỉ bảo tận tình. Theo mình, gỗ lũa là thứ chơi tao nhã, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh. Người có cái tâm sáng thì sản phẩm làm ra mới có giá trị”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viên Nguyễn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN