Khuyến mãi, xin đừng lợi dụng trẻ thơ

Nhiều hãng thực phẩm đang tập trung “khai thác” thú vui sưu tập hình, chơi game của trẻ để tăng doanh thu. Sản phẩm bán chạy, doanh nghiệp thu lợi, nhưng quà tặng không mang lại hiệu quả tích cực nào cho trẻ, thậm chí gây tác dụng ngược.

Hao tốn vô bổ

Kem, bánh kẹo, snack… là những sản phẩm mà đối tượng tiêu thụ chính là trẻ em. Để thu hút nhóm khách hàng này, các hãng luôn chạy đua tung quà tặng, giải thưởng. Chủ đề “hot” hiện nay của nhiều trẻ là khoe nhau bộ sưu tập siêu xe, cầu thủ bóng đá, hình 3D nhân vật huyền thoại… thu được từ những hộp bánh, snack. Muốn giành giải thưởng “nặng đô” hơn thì ăn kem, ăn snack trúng Iphone, laptop, Ipad… “Tụi nhỏ mê quà đến mức ngày nào cũng đòi mua kem, bánh, nhưng ăn thì ít mà chủ yếu là để có đủ bộ sưu tập xếp hình, thẻ 3D. Có hôm con tôi ăn kem đến lở cả miệng, ăn snack bỏ cả cơm mà vẫn chưa có được thứ quà mình cần. Thậm chí cu cậu còn xin mẹ 100.000đ để mua thẻ của bạn cho nhanh”, chị K.C. (Q.Gò Vấp) ngao ngán khi nhắc đến sự mê mẩn quà khuyến mãi của cậu con trai sáu tuổi.

Hãng Orion Vina tung chương trình tặng một miếng xếp hình xe trong mỗi gói snack, nhưng để có được đủ đội đua 12 siêu xe khác nhau, không biết trẻ phải ăn hết bao nhiêu gói snack Tonies. Chưa kể, miếng ghép quá nhỏ, để xếp được chiếc xe hoàn chỉnh không dễ chút nào. Hầu hết trẻ mua về rồi nhờ ba mẹ ráp, vì thế mục tiêu rèn luyện kỹ năng cho trẻ hoàn toàn “phá sản”. Chưa kể, nếu người lớn không để ý, trẻ nhỏ tuổi hơn tháo rời miếng lắp ghép nhỏ cho vào miệng rất nguy hiểm.

Khuyến mãi, xin đừng lợi dụng trẻ thơ - 1

Trẻ sưu tập hình, chơi game từ những hộp bánh

Cũng rất thu hút khách hàng “nhí” là những tấm thẻ 3D in hình những sinh vật ma thuật có trong mỗi hộp bánh Marine Boy. Đáng nói, kèm theo mỗi nhân vật là những câu chuyện ma quái. Mặc dù những nhân vật này được giới thiệu là huyền thoại của các nước nhưng chỉ với vài dòng trên chiếc thẻ bé xíu, trẻ không thể hình dung ra được nhân vật có ý nghĩa như thế nào ngoài việc thấy đó là những quái vật ác độc có hình thù gớm ghiếc. Chỉ có 24 nhân vật nhưng có đến gần 200 chiếc thẻ với các cấp độ quyền lực khác nhau. Để có đủ bộ sưu tập, số lượng hộp bánh phải mua không dưới con số 200 vì sẽ có những hộp bánh có hình ảnh trùng nhau. Hấp dẫn trẻ hơn là những trò chơi khám phá đại dương, giải cứu siêu tốc khi trẻ nhập mã số trên thẻ, truy cập vào web chơi game online…

Không thua kém, Pepsico VN kèm vào mỗi gói snack Poca một tấm thẻ có mã số để chơi game trúng điện thoại, Ipad. Để rinh được giải thưởng, dĩ nhiên không dễ dàng chút nào, người sở hữu thẻ phải truy cập website, nhập mã số thẻ, chơi game và tích lũy điểm. Vinamilk tặng kèm theo mỗi lốc sữa miếng ghép hình nhưng lốc nào cũng là miếng ghép hình ảnh… con bò. Với quà tặng như vậy, trẻ sẽ không thể phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo. Nhiều công ty thực phẩm còn sử dụng trò chơi điện tử đa phương tiện, câu đố trực tuyến và ứng dụng di động để thiết lập mối quan hệ với trẻ. Có công ty thiết kế hẳn một trang web để trẻ có thể truy cập chơi trò chơi, tạo hồ sơ cá nhân và danh sách bạn bè.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đâu?

Theo các chuyên viên tâm lý, việc tặng quà thu hút trẻ dùng sản phẩm sẽ khiến trẻ cứ đòi mua thật nhiều, vô tình không kiểm soát được bản thân, ảnh hưởng đến sự kiềm chế của trẻ khi trẻ quá muốn sưu tập hình, chơi game, trúng thưởng… ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng: “Không nên tận dụng phương thức quảng cáo để kích thích động cơ hành vi đối với trẻ - là những người chưa tự kiểm soát được hành vi của mình. Một doanh nghiệp (DN) có lương tâm thậm chí còn phải khuyến cáo trẻ không nên ăn quá nhiều sản phẩm (kem, bánh…) vì không tốt cho sức khỏe”.

Khuyến mãi, xin đừng lợi dụng trẻ thơ - 2

Nhiều trẻ em mua bánh không phải vì nhu cầu ăn mà chỉ để tìm kiếm những món đồ chơi như thế này - Ảnh: Phùng Huy

Được biết, tại nhiều nước, chính phủ đã đưa ra quy định phân loại màu sắc thực phẩm để người tiêu dùng dễ chọn lựa. Ví dụ, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng sẽ được dán nhãn màu xanh, các sản phẩm không gây hại cho sức khỏe và chấp nhận được - nhãn màu vàng, còn các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh sẽ có nhãn màu đỏ. Ở ta, việc cảnh báo mang tính bắt buộc này chưa hề được quan tâm. Như vậy, người “gác cửa” quan trọng nhất vẫn là bố mẹ. Phụ huynh phải là “rào chắn” bảo vệ trẻ, không nên chiều chuộng, tiếp tay thỏa mãn đòi hỏi của trẻ mà phải tận dụng việc này để giáo dục trẻ, tập cho trẻ tính biết kiềm chế ham muốn vì “cách mua quà cho con cũng là cách phụ huynh dạy con cách tiêu tiền”, ThS Hiếu nói.

“Chiêu” tặng quà đánh vào tâm lý của trẻ thực chất là một phương thức quảng cáo, đẩy mạnh việc bán sản phẩm. Khi chương trình kích thích được người tiêu dùng mua sản phẩm thì có thể nói là DN đã khá thành công, xét về mặt kinh doanh. Tuy nhiên, DN vẫn có nhiều lựa chọn để vừa có thể đạt được hiệu quả doanh số vừa thể hiện được trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Riêng tại Thái Lan, nhiều công ty đồ uống và thực phẩm lớn đã phải đưa ra cam kết sẽ ngưng quảng cáo, khuyến mãi nhằm vào đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi. Theo TS Đoàn Đình Hoàng - chuyên viên tư vấn thương hiệu (giảng viên Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II), Luật Quảng cáo ở nước ngoài quy định rất rõ ràng, việc quảng cáo, bán hàng nhắm vào đối tượng khách hàng là trẻ em được Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cẩm (Phụ nữ TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN