Không thể dùng luật để "nhốt" rủi ro

Những quy định tưởng như nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu và tăng thu nhập cho người nông dân thì thực tế lại chỉ tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân.

Đó là quan điểm của TS. Đặng quang Vinh,Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về các quy định đối với xuất khẩu gạo tại một hội nghị mới đây.

Theo ông Vinh, sản xuất trồng lúa chịu rủi ro nhiều nhất nhưng lao động trực tiếp lại được hưởng ít nhất. Thương lái trong nước độc quyền, có khả năng ép giá nông dân. Người nông dân bị phụ thuộc vào công ty xuất khẩu nắm trong tay việc xay xát và thị trường xuất khẩu.

Không thể dùng luật để "nhốt" rủi ro - 1

Ảnh minh họa

Theo phân tích kinh tế chuỗi giá trị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2010) của ĐH Cần Thơ, người nông dân phải bỏ ra chi phí 4.672 đồng/kg gạo, với giá bán 5.212 đồng/kg họ thu về lợi nhuận 540 đồng/kg.

Trong cả hai chuỗi giá trị gạo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì lợi nhuận trên mỗi hộ trồng lúa là thấp nhất (khoảng 300USD/năm). Công ty xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất, khoảng 2,5 triệu USD/năm.

“Sự công bằng, phân phối trong chuỗi giá trị như vậy có hiệu quả hay không khi doanh nghiệp xuất khẩu ít rủi ro, có quyền lực trong tay. Họ làm thương mại ở giữa và được hưởng lợi nhiều như vậy”, ông Vinh đặt vấn đề.

Theo ông Vinh, nguyên nhân chính xuất phát từ tư duy quản lý xuất khẩu gạo lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không có tác dụng nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu, tăng thu nhập nông dân.

“Theo tôi cảm nhận, vấn đề an ninh lương thực nhiều khi được sử dụng như con hổ giấy để tạo ra chính sách không hiệu quả. Chúng ta lo lắng an ninh lương thực cho mình và cho cả nước khác nữa, trong khi đó phải hi sinh nhiều lợi ích trong đó. Chúng ta bán gạo rẻ cho thế giới, mong muốn làm sao bán được số lượng lớn để làm nghĩa vụ an ninh lương thực cho các nước khác. Điều đó là không cần thiết”, ông Vinh chia sẻ.

TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) cũng cho biết, trong khi nông dân các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ có lợi nhuận khoảng 0,2 - 0,3 USD/kg lúa thì nông dân Việt Nam có lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 0,1 USD/kg lúa. 

Theo ông, nguyên nhân lúa gạo Việt có giá trị gia tăng thấp, cạnh tranh kém vì: quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, manh mún, chi phí thuốc bảo vệ thực vật phân bón cao. Hiện có khoảng 85% hộ trồng lúa ở Việt Nam trồng diện tích dưới 0,5ha/hộ. Ngay tại vùng chuyên canh lúa lớn nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có xấp xỉ 40% hộ trồng lúa diện tích dưới 0,5ha.

Ngoài ra, thiếu liên kết trong chuỗi, nhiều trung gian. Khâu hạ tầng cũng kém- cùng xuất khẩu đi Philippines nhưng chi phí từ Việt Nam cao gần gấp 2,5 lần so với Thái Lan (Việt Nam tốn 27 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ tốn 12 USD); Bên cạnh đó, thương mại kém, công tác nghiên cứu áp dụng giống chưa phát triển…

TS. Đặng Quang Vinh cho rằng chính Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đang tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo sức ép cho nông dân.

Trong đó có nhiều quy định như buộc doanh nghiệp phải có nhà  kho 5.000 tấn gạo, nhà máy xay xát 10 tấn gạo/giờ.

Quy định ra buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhà máy, tốn thêm khoảng 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp có khả năng đáp ứng phải bỏ ra khoản tiền lớn còn doanh nghiệp không đáp ứng được buộc phải đóng cửa, rời bỏ thị trường xuất khẩu gạo. Sau khi có Nghị định, từ 230 doanh nghiệp xuất khẩu nay chỉ còn 80 doanh nghiệp.

Hay có những điều kiện khó hiểu như phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với Hiệp hội lương thực VN:  “Như thế khác nào doanh nghiệp xuất khẩu lại phải khai báo cho một doanh nghiệp khác mà chính là đối thủ của mình. Một doanh nghiệp nắm trong tay quyền từ chối hay cho phép một doanh nghiệp trong xuất khẩu. Điều này tạo ra sự không bình đẳng, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Không những thế, với hợp đồng xuất khẩu tập trung, các bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ định thương nhân ký kết hợp đồng và phân bổ thực hiện ủy thác xuất khẩu (80% hợp đồng được chỉ định). Quy định không được bán dưới giá sàn, những điều này, theo ông Vinh đang tạo cơ chế thiếu cạnh tranh.

“Những quy định này không giúp đạt đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu và tăng thu nhập cho người nông dân mà chỉ tăng quyền lực cho doanh nghiệp xuất khẩu lớn, tạo thêm sức ép cho nông dân”, ông Vinh nói.

Chính vì thế ông cho rằng phải thay đổi tư duy, không chú trọng nhiều đến số lượng mà quan trọng là thu nhập của người nông dân, khuyến khích trồng lúa có chất lượng cao; không cần giữ 3,8 triệu ha đất lúa; Sửa đổi, loại bỏ rào cản để tạo cạnh tranh trong ngành nông nghiệp. Đối với hợp đồng tập trung, Nhà nước không nên đi buôn, ký thay cho doanh nghiệp mà hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin và dự báo, ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó cần cổ phần hóa và bán hết vốn công ty lương thực nhà nước: “Vinafood có lợi ích, lợi thế nhưng vẫn kêu khó khăn. Khu vực tư nhân hoàn toàn có thể sản xuất, phân phối được. Nhà nước dự trữ, can thiệp khi cần thiết. Nhà nước phải cổ phần hóa, để tạo động lực cho họ phấn đấu đem lại hiệu quả, lợi ích tối đa chứ không phải ngồi dựa vào pháp luật để ăn đoạn giữa trong chuỗi giá trị”.

Ngoài ra ông Vinh còn thẳng thắn kiến nghị: “Hiệp hội lương thực phải đưa về đúng vị trí hiệp hội doanh nghiệp, bỏ quyền lực nhà nước của họ trong việc phê duyệt hợp đồng xuất khẩu, phân bổ hợp đồng xuất khẩu gạo nhà nước”.

Ông cho rằng, thị trường nông nghiệp rủi ro, phải tạo công cụ để doanh nghiệp, nông dân quản lý rủi ro chứ không phải dùng pháp luật "nhốt" rủi ro lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN