Không thể cứu DN bằng mọi giá!

Nếu bản thân DN không có tương lai thì không thể đòi hỏi ngân hàng và Nhà nước hỗ trợ được.

“Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), việc đưa lãi suất cho vay về dưới 15%/năm nhằm tháo nút thắt cho DN và NH. Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn không phải bằng mọi giá, mọi đối tượng”. Đó là nhận định từ Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại buổi đối thoại giữa NHNN và DN trên địa bàn Hà Nội, ngày 20-7.

NH không sai

Nhận định về việc xem xét đối tượng cho vay của các NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng: Thời gian qua nhiều DN sử dụng vốn vay của NH không đúng mục đích dẫn đến khả năng trả nợ cho NH bị hạn chế. Đối với những DN khó khăn nhưng vẫn có cơ hội phục hồi, lộ trình phát triển rõ ràng thì các NH sẽ hỗ trợ. Đối với DN khó khăn nhưng không nhìn thấy tương lai và cơ hội phát triển thì NH nên kiên quyết loại trừ.

Tuy nhiên, ông thừa nhận qua năm ngày thực hiện chỉ đạo của NHNN, còn một số ít NH chưa có văn bản hướng dẫn giảm lãi suất như đề nghị của NHNN.

Trong khi đó, ông Trần Anh Vượng, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội, nêu thực tế hiện 650 DN trẻ HN chưa nhận được thông tin hạ lãi suất 15%. Đặc biệt khi chính sách điều hành NHNN đã chỉ đạo hạ xuống 15% mà ngân hàng thương mại (NHTM) không tuân thủ sẽ xử lý ra sao?

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng lãi suất cho vay dưới 15% là mong mỏi của DN, chủ trương đã có, biện pháp đã có và giờ đang thực hiện. Nếu chúng ta duy trì ổn định lạm phát 7%-8% thì lãi suất hoàn toàn ổn định được mức 15% cho vay ít nhất một năm và sẽ cố gắng thấp hơn nữa. Về tính pháp lý của chỉ đạo hạ lãi suất cho vay, do lãi suất cho vay mang tính thỏa thuận nên không thể ban hành văn bản pháp quy áp đặt các NH. Sắp tới dần dần sẽ bỏ các mức trần lãi suất theo thị trường. “Đưa lãi suất cho vay về 15% là đề nghị của NHNN, mong NHTM đồng thuận, chứ không ban hành văn bản pháp quy để xử lỗi này, lỗi kia” - ông nhấn mạnh.

Không thể cứu DN bằng mọi giá! - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Nếu bản thân DN không có tương lai thì không thể đòi hỏi NH và Nhà nước hỗ trợ được”

DN nhỏ vướng tài sản bảo đảm

Mặt khác, ông Trần Anh Vượng có thêm nhận xét năm nay việc tiếp cận vốn vay chắc chắn khó khăn hơn năm ngoái, đa phần hàng hóa giá giảm xuống thì tài sản đảm bảo DN mất giá trị.

Cùng quan điểm này, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Hà, chuyên kinh doanh các mặt hàng thép không gỉ, nói trước kia DN vay vốn với lãi suất trên 20% nhưng đã về mức 14,2% với kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, đối với DN nhỏ và vừa việc tiếp cận vốn không dễ do vướng điều kiện về tài sản bảo đảm tín chấp.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hạ lãi suất để nhiều DN tiếp cận kết hợp với tăng trưởng tín dụng cao là mặt tích cực. Thế nhưng tăng trưởng tín dụng, lượng tiền tăng lên, DN tiếp cận vốn dễ hơn thì có nguy cơ nợ tăng lên và lạm phát trở lại. Với đặc thù kinh tế Việt Nam, khối DN nhỏ và vừa có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển và các NH tập trung vốn vào khối này là hợp lý. Nhưng phải thừa nhận rằng khối này còn nhiều điểm yếu kém và rủi ro lớn. “Có một DN trẻ viết thư cho tôi than phiền không thể vay NH 3 tỉ đồng để sản xuất kinh doanh trong khi các phương án DN đưa ra đều tính toán theo cảm tính, không hề có chút kinh nghiệm nào” - ông Bình dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nêu ra nghịch lý lãi suất của NH năm ngoái rất cao (25%) nhưng DN tập trung vay bằng VND, không vay USD. Hiện tại lãi suất giảm thì lại vay USD, bởi các DN xuất khẩu cần USD. Năm ngoái công ty của ông đã mất 150 tỉ đồng tiền lãi suất nộp cho NH. Bên cạnh đó, các DN vừa và nhỏ về nông sản rất khó xoay vốn. “Chẳng hạn trường hợp Công ty Thủy sản Bình An là hệ quả việc xiết nợ của ngân hàng, hàng xuất khẩu không bán được, tiền về không kịp, không có tiền trả NH. NH xiết nợ, tạo thành nợ xấu, họ phải đi vay ngoài để bù vào, như thế người dân mất niềm tin, kéo đến đòi nợ” - ông nêu ví dụ.

Cảm thông với DN, Thống đốc cho rằng: “NH là trung gian tài chính, huy động tiền của dân cho DN vay. Năm 2011 áp dụng lãi suất tiền gửi 14%, lãi suất cho vay cũng phải 17%-18%, DN phải nộp 150 tỉ đồng lãi là đúng. Thực tế khoản nợ xấu chính là những khoản nợ không sinh lời, nợ vẫn là nợ, không nên gọi là xấu hay đẹp. Khái niệm nợ xấu gây tâm lý e ngại cho DN. Có nhiều biện pháp xử lý khoản nợ đó như trích lập dự phòng rủi ro, cơ chế mua bán nợ giữa các NH, chuyển nợ thành cổ phần, cổ phiếu của DN”.

Bên cạnh đó, ông cho rằng giải ngân vốn NH phải đúng mục đích thời gian qua là nguyên nhân sự đổ vỡ của vốn vay giữa NH và DN.

Tính đến ngày 19-7 đã có 20 tổ chức tín dụng hạ lãi suất, chiếm 90% hệ thống tín dụng. Ngoài giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, nhiều NHTM đã giải ngân các khoản vay mới với lãi suất chỉ còn 11%-13%/năm. Việc giảm lãi suất và chọn đối tượng cụ thể ra sao sẽ phụ thuộc vào điều kiện và khả năng thực tế NH. Do đó, chính sách giảm lãi suất và điệu kiện ở mỗi NH sẽ khác nhau.

Theo Vụ Chính sách Tiền tệ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN