Hơn 500 tỷ đồng thuế VAT “bốc hơi”
Lợi dụng kẽ hở, thời gian qua tại Đăk Lăk, hàng chục doanh nghiệp (DN) “ma” đã được thành lập bán hóa đơn bất hợp pháp và chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) rồi bỏ trốn.
Thủ đoạn tinh vi
Theo thông tin từ Cục Thuế Đăk Lăk, qua điều tra của cơ quan thuế và công an, đã phát hiện 30 trong số 38 DN sử dụng CMND ở các tỉnh ngoài để thành lập (DN), nhưng không hoạt động kinh doanh, không có trụ sở (chỉ mua bán cà phê, nông sản khống trên hóa đơn) nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Tiếp tục kiểm tra, xác minh, giám sát hồ sơ khai thuế, cơ quan chức năng mới tá hoả khi phát hiện đa số các DN này đã bỏ trốn khỏi địa bàn và tiếp tục sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, xuất hóa đơn cho các DN trong và ngoài tỉnh để chiếm đoạt tiền thuế VAT được hoàn.
Đặc biệt, trong số 15 DN kinh doanh cà phê ở thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk), có 12 trường hợp sử dụng CMND giả để thành lập DN mua bán cà phê. Sau khi thành lập, các đối tượng này đã sử dụng hóa đơn của các DN trước khi bỏ trốn để hợp thức hóa đầu vào thay vì phải thực hiện bảng kê khai 5% thuế VAT ở địa phương.
Sản xuất cà phê ở Đăk Lăk. Ảnh: Quang Huy.
Mới đây, Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk ra văn bản gửi Chi nhánh Cty TNHH OLAM tại Đăk Lăk yêu cầu tạm thời chưa kê khai khấu trừ, hoàn thuế VAT đối với các hoá đơn mà Cty TNHH thương mại Phước Bảo xuất cho đơn vị này.
Nguyên nhân do Cty TNHH thương mại Phước Bảo (mã số thuế 6001284806), kinh doanh bất hợp pháp, có dấu hiệu bỏ trốn và cơ quan thuế đang chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra.
Đại diện một DN kinh doanh trong lĩnh vực cà phê ở Đăk Lăk cho biết, hoạt động mua bán hóa đơn của các DN ma rất tinh vi. Cụ thể, khi khách hàng điện thoại bán hàng tới một DN phát giá 45.500 đồng/kg.
“Khi phát hiện có dấu hiệu hình sự, cơ quan thuế phải chuyển cơ quan điều tra. Hiện, mỗi ngành thuế không làm được. Đây là vấn đề cả xã hội”. Phó Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn |
Tuy nhiên, DN lại “câu” khách hàng bán cà phê bằng cách giới thiệu sang bán cho một công ty khác có giá mua cao hơn, khoảng 46.500 đồng/kg không có hóa đơn VAT. Sau khi mua được hàng, công ty trên lại “bán lỗ” lại cho DN môi giới với ban đầu 45.500 đồng/kg (kèm hóa đơn VAT). Với việc giới thiệu lòng vòng này, DN ban đầu vừa mua được hàng mà lại có đầy đủ hóa đơn chứng từ.
“Theo lý giải của các công ty mua cà phê từ các DN bán hóa đơn, họ không sợ cơ quan thuế kiểm tra vì mua cà phê có hóa đơn rõ ràng. Còn công ty bán hóa đơn sau vài phi vụ sẽ tạm dừng hoạt động hoặc “bỗng dưng biến mất” nên rất khó xử lý. Nhà nước có thể xóa tình trạng mua bán hóa đơn để chiếm đoạt thuế VAT bằng cách bỏ quy định việc hoàn thuế VAT như hiện nay”, vị này cho biết.
Sửa luật thuế VAT
Đại diện cơ quan thuế Đăk Lăk đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an các địa phương làm rõ hoạt động của các DN thành lập mà có các cá nhân, tổ chức hậu thuẫn để sớm đưa loại tội phạm này ra xét xử, trả lại môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN chân chính.
Cục Thuế Đăk Lăk cũng đang kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề sớm sửa luật thuế VAT theo hướng chuyển mặt hàng nông sản xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế. Như thế, tất cả thuế giá trị đầu vào không được khấu trừ, các đối tượng sẽ không lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT để chiếm đoạt thuế.
Trước tình trạng này, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Hoàng Trọng Hải có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế trong lĩnh vực kinh doanh cà phê. Theo đánh giá của vị chủ tịch này là khá nghiêm trọng, gây thất thu lớn cho ngân sách địa phương.