Hô biến nông sản TQ thành hàng Việt

Nhiều người biết phố Hòa Đình là nơi buôn bán hàng nông sản TQ từ lâu, nhưng, để biết họ mông má hàng TQ thành hàng Việt thì không phải dễ. PV đã xin vào làm công nhân bốc vác ở đây trong 3 ngày.

Từ lâu, ở khu phố Hòa Đình, phường Võ Cường, TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) đã được biết đến với nghề buôn nông sản nổi tiếng ở cả miền Bắc. Gần đây, rất nhiều hộ dân đã đi buôn hàng nông sản Trung Quốc (TQ) rồi về tuốt thành hàng Việt. Từ điểm tập kết này, nhiều nông sản đội lốt Việt được phân phối đi khắp cả nước.

Thực tế, nhiều người đã biết phố Hòa Đình là nơi buôn bán hàng nông sản TQ từ lâu. Thế nhưng, để biết họ buôn bán ra sao, việc mông má hàng TQ thành hàng Việt thì không phải dễ. Cũng bởi lẽ đó, phóng viên đã xin vào làm công nhân bốc vác ở đây trong 3 ngày liên tục.

Hô biến nông sản TQ thành hàng Việt - 1

Xe tải đến nhập hàng ở các cơ sở thu gom, buôn bán hàng nông sản Trung Quốc.

Ngày đầu làm "cửu vạn"

Vốn quen biết với Chương (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)- một "ông anh xã hội", nên khi nghe tôi có ý định xin vào làm công nhân ở phố nông sản này, anh ta đồng ý giới thiệu ngay. Trước khi làm "thủ tục" nhận vào làm công nhân, tôi được Chương cho biết, cả phường Võ Cường có 5 khu phố, nhưng chỉ duy nhất có khu phố chợ Hòa Đình là giàu hơn cả, bởi người dân ở đây kinh doanh hàng nông sản TQ. Hiện cả phố có khoảng gần 30 cơ sở kinh doanh lớn nhỏ nằm chủ yếu ở 2 cung đường chính là Nguyễn Văn Cừ và Lý Anh Tông. Trong đó chỉ có 2 - 3 cơ sở kinh doanh quy mô lớn như cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân T.H, cơ sở chuyên nông sản T.N, T.O.

Sau khi giới thiệu xong, Chương hất hàm hỏi tôi: "Thế chú muốn vào cơ sở nào để anh xin". Nghe tôi nói, muốn vào hẳn cơ sở lớn cho đàng hoàng, Chương liền bảo: "Ok, anh xếp cho chú vào chỗ T.H nhé, trong đó có thằng "đệ" của anh làm quản lý. Chú vào đó thì yên tâm".

Đúng như lời đã hứa, Cường đưa tôi thẳng đến nhà kho Doanh nghiệp T.H. Qua quan sát, tôi nhận thấy không khí làm việc tại đây hết sức khẩn trương. Ban ngày, trong cơ sở này, lúc nào cũng có đến 3 - 4 xe ô tô tải đang chờ "ăn" hàng với một đội cửu vạn toàn dạng "vai u, thịt bắp" khoảng trên 10 người nối đuôi nhau xếp hàng vào xe.

Chương dẫn tôi đến gặp Quang mà như anh ta giới thiệu là "thằng đệ" của mình. Quang đang bốc hàng vào xe tải phía ngoài nhà kho. Do thống nhất từ trước, nên Quang không hỏi tôi thêm gì, chỉ dặn khi gặp bà chủ thì bảo quê Bắc Ninh. Sau màn "chào hỏi" không thể ngắn gọn hơn, Quang đưa tôi tiến thẳng vào trong nhà kho gặp một người phụ nữ tên H - chủ của kho hàng này. Được Quang giới thiệu, bà chủ đồng ý nhận tôi làm công nhân ở đây.

Đường đi của "hàng Tàu"

Ngày đầu do mới làm, chưa quen việc, nên tôi được giao dọn vệ sinh nhà kho. Công việc chủ yếu là thu dọn vỏ và các loại nông sản thối bỏ đi. Rảnh thì đứng trực để tiếp hàng lên sàng, cứ lọc tới đâu hết hàng thì lại bốc bao khác lên. Liên tục cứ thế cho đến khi đủ hàng cho khách mới thôi.

Làm một lúc đến khoảng gần 12 giờ trưa thì có một xe tải mang biển số Nghệ An 37C-000.xx đến lấy gần 7 tấn hành tây và hành tái nhỏ. Tôi được một nhân viên quản lý tên Nam huy động cùng với một công nhân nữa đứng cân hàng. Khi xe hàng Nghệ An rời đi, cũng là lúc đồng hồ trong kho điểm 12 giờ trưa.

Biết đến giờ nghỉ trưa, Quang đến vỗ vai tôi bảo: "Đi ăn cơm thôi. Ở đây chả ai chờ đâu, cứ đủ mâm 6 người là chén, vào muộn thì chỉ ăn thừa thôi". Ngồi cùng mâm cơm với tôi và Quang còn có thêm 4 công nhân khác, 2 người quê Bắc Giang, còn 2 người còn lại quê ở Phú Thọ. Tôi thắc mắc, ăn cơm thế này, công nhân mình có hay được ăn rau, củ ở nhà kho doanh nghiệp không?

Quang nhanh nhảu đáp: "Trong kho nhà toàn nông sản Tàu cả, thấy bảo độc lắm, nên cũng hạn chế ăn. Toàn ăn rau mua ngoài là chính".

Thấy tôi có vẻ mệt sau nửa ngày làm việc đầu tiên, Quang bảo: "Làm ở đây thời gian nhiều, hơi vất, công thấp. Nhưng được cái có chỗ ăn ngủ luôn cũng đỡ". Nói xong, Quang tâm sự thêm, những ngày thường, Doanh nghiệp T.H có khoảng gần 100 người được chia làm 2 đội, 1 đội làm ca ngày và đội còn lại làm ca đêm. Còn đối với những tháng giáp tết, hàng về nhiều số lượng công nhân có thể tăng lên.

Công việc buổi chiều bắt đầu vào lúc 2 giờ. Lúc này cũng là thời điểm các tiểu thương, đầu nậu khắp các tỉnh như Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng… đã cho xe tải tấp vào tận trong kho để chờ "ăn" hàng. Tôi được người quản lý tên Minh, phân công sang tổ bốc vác. Riêng buổi chiều ngày 29.7, theo quan sát và ước lượng của tôi, số lượng hàng nông sản tại Doanh nghiệp T.H xuất hơn 80 tấn nông sản các loại, trong đó chiếm đa số vẫn là hành tây và cà rốt.

Về đêm, tôi đếm được có 4 xe container và xe tải với tải trọng khoảng 40 tấn đổ hàng vào 2 nhà kho của cơ sở này. Theo Quang, 100% số xe hàng này đều lấy hàng rau, củ TQ từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về đây để tập trung phân loại, sơ chế. Các loại hàng này chủ yếu là hàng khô như hành tây, hành tái nhỏ, tỏi, gừng, khoai tây, cà rốt (riêng cà rốt luôn được bảo quản trong kho lạnh) đợi công nhân ca đêm sơ chế.

Sang ngày thứ 2, tôi chỉ làm "lớt phớt" và dành chủ yếu thời gian để đi quan sát kho hàng này. Qua quan sát, tại cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp T.H có 3 địa điểm chính, trong đó có 1 văn phòng làm việc và 2 nhà kho chứa hàng diện tích tổng thể lên đến vài nghìn m2 đều nằm trên đường Lý Anh Tông.

Với một kho chứa hàng chính 3 gian được lợp mái tôn và đệm lót chống cháy khá kiên cố, sức chứa có thể lên đến hàng nghìn tấn hàng, toàn bộ 2 nhà kho được chia làm 26 lô hàng riêng biệt theo các nông sản. Đặc biệt, có 3 kho lạnh có diện tích lên đến cả trăm m2 dùng để chứa cà rốt với số lượng có thể lên đến vài chục tấn hàng.

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường :

Do các doanh nghiệp buôn bán thường sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi nên việc xác minh nguồn gốc xuất xứ rất khó khăn. Các mặt hàng này nhập vào nước ta từ nhiều nguồn. Thực tế để xác định nguồn gốc thực của hàng đội lốt “made in Vietnam” rất khó nếu không bắt quả tang tận nơi sản xuất. Họ thường đặt sản xuất trực tiếp tại Trung Quốc với nhãn mác “made in Vietnam” rồi đưa ngược về Việt Nam tiêu thụ; hoặc tìm các địa điểm ở Việt Nam rồi thay đổi nhãn mác...

Chúng tôi khuyến nghị cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết vấn đề này, mà giải pháp quan trọng nhất là làm sao phải có nền sản xuất phát triển từ xây dựng cơ chế chính sách, thiết lập được kênh phân phối tốt đến sản phẩm nhập khẩu, tiêu thụ phải có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó là việc điều tra xử lý các vụ việc, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là người sản xuất để họ hướng tới nền sản xuất sạch; tuyên truyền để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua bán, tiêu dùng.

Mai Hương (ghi)

Ông Nguyễn Hà Bắc - Phó Chủ tịch UBND phường Võ Cường:

Hàng năm UBND phường giao cho công an phường phối hợp với thanh tra giao thông thành phố quản lý về an toàn giao thông như kiểm tra, xử phạt các xe tải đậu, dừng đỗ trái quy định để mua bán nông sản. UBND phường còn quản lý thêm về vấn đề vệ sinh môi trường. Còn về vấn đề chất lượng nông sản ra sao, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhập về bao nhiêu hàng, tiêu thụ hàng đi những đâu thì UBND phường không quản lý vì không có chức năng và thẩm quyền để giải quyết xử lý.

Trần Quang (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Quang (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN