Hàng Việt vẫn chùn chân trước chợ

Sự xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm bán lẻ hiện đại khiến chợ truyền thống dần lép vế. Hàng trăm tiểu thương tại các chợ ở TP.HCM vì thế đã đối thoại với DN tìm cách hồi sinh kênh phân phối này.

Khó chen chân

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết, mặc dù kênh phân phối hiện đại đang chiếm ưu thế, song tỷ trọng doanh thu từ chợ truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ cao. Chợ và tiệm tạp hóa cũng giúp doanh nghiệp ghi nhận những thông tin phản hồi để doanh nghiệp cải tiến mẫu mã.

Tuy nhiên, nhắc đến chợ truyền thống, người tiêu dùng luôn hoài nghi về hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP... Những trở ngại lớn đó đang là rào cản để người tiêu dùng chưa thiết tha với loại hình chợ này.

Tại Thái Nguyên, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, nhận xét: "Tâm lí sính ngoại vẫn còn rất nặng nề trong một bộ phận lớn người tiêu dùng". Ông đánh giá, hàng Việt về nông thôn "chưa phong phú về chủng loại, mẫu mã, khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập còn hạn chế. Hạ tầng thương mại nông thôn yếu kém; các nhà kinh doanh chưa cung ứng được đủ hàng về nông thôn".

Theo khảo sát, hầu hết người tiêu dùng mong muốn sở hữu sản phẩm chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý, đồng thời với chính sách hậu mãi.

Hàng Việt vẫn chùn chân trước chợ - 1

Lượng hàng Việt trong các siêu thị ngày càng tăng cao

Chị Võ Thị Phương, tiểu thương chợ Bàu Cát, cho rằng, để khuyến khích người tiêu dùng dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp nên mang đến những sản phẩm chất lượng cao; đồng thời, cần lưu ý vấn đề bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo đại sứ hàng Việt - diễn viên Quyền Linh, khoảng 3 năm nay, sức mua chợ truyền thống giảm gần một nửa, còn sức mua ở siêu thị tăng cao hơn do khách hàng mong muốn chọn được những sản phẩm an toàn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm cho bắt mắt. Đây chính là điểm nhấn đầu tiên đối với người mua.

Một lý do khiến chợ truyền thống đang "chết dần" là bị bao vây bởi các hộ kinh doanh tự phát nên giá cả rẻ hơn. Các doanh nghiệp lại chưa chú trọng thực hiện khuyến mãi với tiểu thương tại chợ, song lại tràn ngập ở các kênh phân phối hiện đại.

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng, cần có sự phối hợp của các ngành các cấp. Thời gian tới, Sở này sẽ làm việc với chính quyền có chợ trên địa bàn để giảm tình trạng buôn bán mất trật tự, cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp nên sản xuất những mặt hàng chất lượng, cải tiến về mẫu mã để tạo sức hút đối với người tiêu dùng. Sở cũng khuyến nghị doanh nghiệp có khuyến mãi cho chợ truyền thống để tăng sức hút cũng như sức mua.

Đánh vào ý thức người tiêu dùng


"Phải tạo cho người dân có ý thức máu thịt khi tiêu thụ hàng Việt, tiêu thụ hàng Việt là yêu nước, là tự hào dân tộc", bà Dương Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Vinatex Mart, nhấn mạnh.

Bà Dung cho rằng, đa phần người dân Việt Nam có mong muốn tiêu dùng hàng Việt. Về phía doanh nghiệp, thời gian gần đây đã tập trung thiết lập các kênh bán lẻ, phân phối hàng Việt Nam, thay đổi phần nào được ý thức tiêu dùng của người dân.

Bà tâm sự: "Tôi cảm thấy nhục nhã khi một doanh nghiệp Việt nhập hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài về rồi dán nhãn thương hiệu Việt để đưa ra thị trường. Mỗi doanh nghiệp phải tự ý thức được việc làm ra sản phẩm phải làm bằng thương hiệu Việt Nam, làm vì màu cờ sắc áo của người dân Việt Nam, tạo cho người dân có ý thức gắn bó máu thịt với hàng Việt".

Là người đã từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều nền kinh tế phát triển mạnh, bà Dung cho biết, khi các nước này phát động chương trình dùng hàng nội là ngay lập tức có thể đấy lùi được hàng ngoại nhập. Còn ở Việt Nam, đây là một cuộc chiến lâu dài vì có quá nhiều khó khăn cản trở trước mắt.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt đều gặp rất nhiều các khó khăn khi đưa hàng hóa ra thị trường đặc biệt là các vùng nông thôn, thậm chí không có kinh phí để xây dựng kênh phân phối bán lẻ, mà "nếu không bán lẻ được thì phát triển sao nổi" - bà Dung nhận xét.

Tuy nhiên, bà Dương Thị Ngọc Dung cũng khuyến cáo, cần đẩy mạnh hơn  khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng cường tính cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Đồng thời, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để tiếp cận được với đông đảo người dân. Nhà nước cần tăng cường các kênh phân phối bán lẻ trong nước và ngoài nước. "Có bao nhiêu hàng Việt thì cứ đưa ra thị trường bấy nhiêu để người dân biết mà hưởng ứng" - bà Dung chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", có ít nhất 152 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2.181 gian hàng và 1.139 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 632.049 lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, đạt doanh thu đạt trên 51 tỷ đồng.

Chương trình đã bước đầu tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm trong nước, tổ chức được 1.311 đợt khuyến mại với 11.372 lượt doanh nghiệp tham gia. Tổng giá trị khuyến mại đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.104.404 tỷ đồng, tăng 19,88% so với cùng kỳ năm 2011. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường FTA, hiện  trên 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Phong - Huệ Bạch (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN