Hàng loạt nhà máy cá tra sắp đóng cửa

Theo kết quả điều tra mới nhất, trong tổng số 70 nhà máy chế biến cá tra hiện nay, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp có vùng nuôi cá, nhưng sản lượng cá chỉ đủ đáp ứng cho sản xuất không quá 15 ngày.

Hiện đã có nhà máy ngưng hoạt động, số ít chạy cầm chừng, dự kiến đến đầu tháng 10 sẽ có hàng loạt phải đóng cửa, kéo theo hàng chục ngàn công nhân sắp mất việc.

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng khá mạnh, hiện nay đã lên mức hơn 23.000 đồng/kg. Kết quả điều tra mới nhất vừa được ông Dương Ngọc Minh, phó chủ hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) công bố, sản lượng cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hầu như không còn.

Còn đủ cá trong hai tuần?

Nếu tính cả lượng cá của doanh nghiệp tự nuôi khoảng 40.000 tấn, cá trong dân 15.000 tấn thì tổng cộng nguyên liệu còn lại trong quý 4 chỉ còn khoảng tối đa 50.000 tấn, trong khi nhu cầu mà các nhà máy cần là trên 300.000 tấn. Và lượng cá này mới đạt 400 – 500g/con, phải đến tháng 11 trở đi mới có thể đạt trọng lượng xuất khẩu. Trước thực trạng này, theo dự báo của ông Dương Ngọc Minh, một số doanh nghiệp lớn chỉ còn còn đủ cá để sản xuất trong vòng 10 – 15 ngày. Từ đầu tháng 10 trở đi nếu không mua được của dân thì chỉ còn nước đóng cửa nhà máy.

“Doanh nghiệp đang đổ xô đi mua vét cá nhưng ngoài thị trường cũng không có nên phải bắt cá dưới tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong lịch sử ngành cá tra, đây là lần đầu tiên xảy tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng như vậy”, ông Minh nói.

Hàng loạt nhà máy cá tra sắp đóng cửa - 1

Nhiều doanh nghiệp chỉ còn đủ cá sản xuất trong vòng 10 – 15 ngày nữa. Ảnh: Đặng Hoàng

Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá tra không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà theo dự báo, có thể kéo dài đến tháng 8, tháng 9 năm sau. Điều này được thể hiện qua sản lượng thức ăn chăn nuôi và lượng con giống thả nuôi trong niên vụ 2013 – 2014 đang ở mức thấp hơn cùng kỳ khá xa. Trong hai tháng gần đây, thức ăn nuôi cá cung cấp ra thị trường giảm tới 2/3 sản lượng. Nếu như trước đây 20 nhà máy thức ăn cung cấp bình quân mỗi tháng khoảng 170.000 tấn, thì đến tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Vasep thống kê chỉ còn khoảng 55.000 tấn và dự kiến trong tháng 9 này sẽ còn tiếp tục giảm chứ không tăng. Và trong số 20 nhà máy thức ăn, hiện cũng chỉ còn năm nhà máy hoạt sản xuất. Ngoài ra, lượng giống thả nuôi mới từ trong dân và doanh nghiệp cũng giảm tới 50% nên dự kiến nguyên liệu phục vụ xuất khẩu năm 2013 – 2014 giảm còn 500.000 – 600.000 tấn so với hơn 1 triệu tấn năm trước.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tiếc nuối bởi nhu cầu thị trường có và đang có xu hướng tăng trong mùa tiêu thụ cuối năm, nhưng ngành cá tra lại không được hưởng lợi vì không có đủ hàng. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở An Giang cho biết, trong hai tuần đầu tháng 9 vừa qua, lượng khách hàng hỏi mua cá tra tăng gấp ba, bốn lần bình thường nhưng công ty không dám ký hợp đồng vì sợ không đủ nguyên liệu. “Thông thường, từ tháng 9 trở đi các nước châu Âu, Mỹ vào mùa tiêu thụ chính trong năm nên lượng cá tra xuất khẩu trung bình trong quý này thường đạt khoảng 50.000 – 60.000 tấn philê/tháng. Rất tiếc là ba tháng tới đây, chúng ta chỉ có thể đáp ứng không tới 50% nhu cầu, thiệt hại công ăn việc làm, lợi nhuận đã quá rõ”, vị giám đốc trên trăn trở.

Hàng chục ngàn công nhân mất việc

70 nhà máy cá tra đang tồn tại hiện nay chỉ có khoảng 30 nhà máy có vùng nguyên liệu, còn lại phải dựa vào dân. Trong khi đó, số nhà máy chủ động đầu tư nuôi cá hiện cũng chỉ có thể đáp ứng được 30% công suất chế biến, nên chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây phải chọn giải pháp chạy cầm chừng hoặc đóng cửa là điều khó tránh khỏi.

Theo khảo sát, chế biến cá tra vẫn được xem là một trong những ngành sử dụng lao động tay chân nhiều nhất. Hiện, số lao động làm việc trong mỗi nhà máy lên đến khoảng 1.000 người, nghĩa là 70 nhà máy đang sử dụng tổng cộng 7 vạn lao động. “Nhà máy không có hàng xuất khẩu thì đương nhiên không còn doanh thu, do đó các chính sách phúc lợi như bảo hiểm, lương bổng sẽ giải quyết như thế nào là một bài toán nan giải”, ông Minh tâm sự.

Tình trạng khan hiếm nguyên liệu đã được dư luận cảnh báo từ đầu 2013. Nếu nhìn xa hơn, việc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt với khó khăn ngày hôm nay là hậu quả do chính họ. Trong suốt hai năm liền gần đây, do giá cá ngoài thị trường quá thấp nên doanh nghiệp không nuôi cá mà phó mặc để dân tự nuôi. Hậu quả là người dân càng nuôi càng lỗ, không còn vốn tái đầu tư, trong khi doanh nghiệp cũng không đầu tư nuôi nên lượng cá ngày càng cạn kiệt. “Năm 2012 doanh nghiệp nuôi 70%, dân nuôi 30% nhưng giá cá thị trường thấp, trong khi doanh nghiệp nuôi giá thành lại cao nên họ ỷ lại không đầu tư nữa, để mua ở ngoài cho thấp, lại còn được nợ. Giờ phải gánh hậu quả”, giám đốc một doanh nghiệp có nuôi cá phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Bảy (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN