Giá hàng nông sản - 5 giảm, 5 tăng

Trong buổi sáng và đầu giờ chiều hôm qua (11.6), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của Quốc hội. Đã có 38 lượt đại biểu (ĐB) đặt gần 60 câu hỏi dành cho tư lệnh ngành nông nghiệp.

Tất cả không phải đều như dưa hấu, hành tím

Ngay đầu phiên chất vấn hôm qua, hàng loạt ĐB đã dồn dập đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản dành cho Bộ trưởng Cao Đức Phát. Các ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), cùng hỏi về việc giải quyết đầu ra cho nông sản và trách nhiệm của người đứng đầu ngành nông nghiệp trong vấn đề này. “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân phản ánh trồng lúa bán ra thì doanh nghiệp kêu xuất khẩu chưa được nên mua giá thấp. Trồng khoai lang, dưa hấu, hành tím thì không có nơi tiêu thụ. Nuôi con tôm, con cá bán ra nước ngoài thì lại bị kiện bán chống phá giá. Là người đứng đầu của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng sẽ nói gì với bà con nông dân và sẽ làm gì để bà con yên tâm hơn trước thực trạng như hiện nay”- ĐB Minh Hoàng hỏi.

Giá hàng nông sản - 5 giảm, 5 tăng - 1
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 11.6.  Ảnh:   Ý Như
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hơn thế nữa, nước ta nói chung và nền nông nghiệp nước ta nói riêng cũng đang hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới. Vì thế, phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới, mà bản chất của thị trường thế giới luôn có sự thay đổi. Chúng ta không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân, mà phải tìm cách để thích ứng với thị trường”.

 

Về việc các ĐB lo lắng khi hàng loạt các mặt hàng nông sản bị rớt giá, Bộ trưởng Phát thừa nhận, đang xảy ra tình trạng nay, song không phải tất cả đều như vậy. “Thực tế tình hình cũng không đến nỗi không sáng sủa. Trước khi họp Quốc hội, tôi có điện thoại cho một số lãnh đạo Sở NNPTNT tại các tỉnh ĐBSCL, thì được biết như ở Cần Thơ lúa hè thu, rồi trái cây được mùa, được giá. Ở Hậu Giang, các loại trái cây như cam, chanh cũng được mùa, được giá. Lúa hè thu năm nay bình quân 6 tấn/ha, cùng kỳ năm ngoái có hơn 5 tấn. Tất nhiên là giá bây giờ đang thấp, vì giá thị trường thế giới rất thấp. Tình hình chung của cả nước cũng vậy, không phải tất cả đều như dưa hấu, hành tím”- ông Phát khẳng định.

Theo ông Phát, cũng có mặt hàng được mùa, được giá. Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra, ngược lại cũng có 5 mặt hàng lại lên là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả. “Tình hình rất khác nhau, vì vậy trong mọi tình huống chúng ta sẽ bình tĩnh, xử lý...”- Bộ trưởng Phát giãi bày.

Không buông chăn nuôi

Các ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) đều tỏ ra khá lo ngại cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước. Câu hỏi đặt ra là: “Mức nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh đã phủ kín các phân khúc thị trường vì giá thành sản xuất thịt ở các nước rẻ hơn Việt Nam từ 25-30%. Xin Bộ trưởng cho biết khi ký kết FTA và gia nhập nhiều thị trường, chung thì Bộ có sẽ có những giải pháp gì để giảm bớt những thách thức của ngành chăn nuôi?”.

Bộ trưởng Phát trả lời: “Từ đầu năm, chúng ta đã nhập khẩu 45.000 tấn thịt gà, 130.000 con trâu, bò, 11.700 tấn thịt trâu, bò. Con số này là lớn nhưng so với 4,5 triệu tấn thịt các loại chúng ta tiêu dùng ở trong nước hàng năm thì cũng chiếm tỷ lệ còn rất nhỏ. Nhưng điều chúng ta mong muốn không phải là để nhập nhiều, chúng ta muốn để cho bà con mình nuôi được nhiều và có thu nhập, vấn đề này liên quan đến thực hiện các chính sách để phát triển chăn nuôi”.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời, ĐB Trần Ngọc Vinh hỏi tiếp: “Bộ trưởng thừa nhận thịt đông lạnh nếu tính trên con số thì nhiều, nhưng so với trong nước thì không nhiều. Nhưng nếu chúng ta tham gia sâu, rộng vào thị trường của các nước thì thịt các nước ồ ạt vào đây thì giải pháp của chúng ta như thế nào?”. Ông Phát cho rằng: “Với việc chúng ta mở cửa hơn nữa, thì sản phẩm chăn nuôi của các nước có vào nhiều hay không, điều này còn tùy thuộc vào khả năng của chúng ta nâng cao nhanh tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi”.

Ông Phát cũng cho biết, hiện chúng ta còn 4 triệu hộ nuôi lợn, 8 triệu hộ nuôi gà. Đây là nguồn thu nhập quan trọng của nhân dân, nên chúng ta phải hỗ trợ nhân dân nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và duy trì chăn nuôi để duy trì nguồn thu nhập.

  Không khí phần chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát khá sôi nổi, khi có nhiều ĐB đã đặt câu hỏi lại cho Bộ trưởng. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi về việc chịu trách nhiệm ra sao, biện pháp gì của Bộ trưởng để khắc phục những tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay... Ông Phát giãi bày: “Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng NNPTNT là tiêu thụ nông sản, cái khó lớn nhất của Bộ trưởng đó là khâu chế biến chưa tương xứng. Chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn về quy hoạch, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách”.
Chưa thỏa mãn, ĐB Quyết Tâm tiếp tục: “Tôi thấy trong phần trả lời Bộ trưởng nói đến trách nhiệm của mình chưa rõ”. Bộ trưởng Phát nói: “Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NNPTNT ở đây chính là trong định hướng, chỉ đạo chưa quyết liệt để chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển của sản xuất”. 
Sửa quy định  một con gà cõng 14 phí

Tại phiên chất vấn sáng qua của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn TP HCM đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải trước phản ánh của doanh nghiệp về tình trạng một con gà thịt phải chịu 14 loại phí kiểm dịch. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết đã nghe đoàn đại biểu phản ánh về vấn đề này và đã cử Cục trưởng Cục Thú y và đoàn công tác đi kiểm tra. "Các đồng chí có báo cáo lại, trong đó có nhiều khoản mục phí khác nhau. Về cơ bản, cơ quan thú y thực hiện những quy định của luật pháp hiện hành, chứ không sai. Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu, nếu luật pháp hiện hành có sai thì cũng phải sửa. Ví dụ quy định về việc thu phí kiểm dịch theo số quả trứng là tôi không đồng ý nên tôi yêu cầu một là kiểm dịch đi thu tại nơi xuất phát một lần và chấm hết. Thứ 2 là thu phải hợp đạo lý, chứ đếm từng quả trứng mà thu là không được. Vì thế tôi đã có công văn gửi Bộ Tài chính để cùng nhau sửa những bất cập của Thông tư này"-  Bộ trưởng Phát nói.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu):Bộ trưởng cần đi tiên phong 

Tôi hỏi, trong 4 nhà thì nhà nào đóng vai trò chính, là nhạc trưởng, Bộ trưởng NNPTNT nói là doanh nghiệp. Đúng là nhà doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng nhưng doanh nghiệp có phải là nhạc trưởng để làm chuyển biến tình hình hay không thì rõ ràng cần suy nghĩ. Nếu Nhà nước không có cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp và hỗ trợ người dân tổ chức lại sản xuất, đưa nhà khoa học về nông thôn giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng thì không thể làm được. Doanh nghiệp chưa mặn mà với nông nghiệp. Bộ trưởng là tư lệnh ngành thì  qua thực tiễn này phải tham mưu để Chính phủ ban hành các chính sách thu hút, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Tôi rất chia sẻ với Bộ trưởng về những khó khăn mà chỉ riêng bộ không giải quyết được, nhưng Bộ trưởng phải là người đi tiên phong hơn nữa.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Phải có giải pháp khả thi, hữu hiệu hơn

Qua phiên hỏi và trả lời chất vấn Bộ trưởng NN- PTNT Cao Đức Phát, tôi thấy Bộ trưởng nên đi sâu vào giải pháp Chính phủ cần phải tiến hành trong thời gian tới, để làm sao nâng cao được năng suất nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng và tìm nguồn tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, giải quyết đời sống, việc làm của nông dân. Thời gian qua, Bộ NNPTNT cũng đã tham mưu, đưa ra một số chủ trương để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng tại sao các doanh nghiệp chưa mặn mà? Phải chăng biện pháp đưa ra chưa hữu hiệu?

Cử tri Thành Đạt (Kon Rẫy, Kon Tum): Thủy điện  không thể vô can 

Vấn đề hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên và đặc biệt ở Ninh Thuận hiện nay phải nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện mới có thể kết luận được nguyên nhân. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đó là do El Nino, tôi cho rằng kết luận như vậy là hơi vội. Rừng bị tàn phá, thủy điện mọc lên nhan nhản, chẳng lẽ lại không gây nên hạn hán hay sao? Tuy nhiên tôi rất đồng tình với giải pháp “phải đầu tư xây dựng nhiều hơn các hồ để chứa nước” mà Bộ trưởng nêu ra. Tuy nhiên xây dựng hồ chứa mới chỉ là điều kiện cần, còn phải tính đến sử dụng vận hành thế nào để khai tốt nhất còn quan trọng hơn.

Cử tri Bùi Xuân Trường (Hải Hậu, Nam Định): Nông dân làm sao yên tâm?

Nói về tình trạng hàng giả, hàng nhái, trong đó có phân bón, thuốc trừ sâu vẫn còn tràn lan trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa nhận công tác quản lý thị trường làm chưa tốt. Nhận trách nhiệm là tốt, nhưng điều cử tri mong muốn nhiều hơn là biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là thuốc sâu, phân bón – một mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến nông dân. Tuy nhiên Bộ trưởng chỉ nói một câu vỏn vẹn: Cam kết phối hợp với Ban chỉ đạo 389 làm tốt hơn nữa. Như vậy quá chung chung, không thỏa mãn mong mỏi của cử tri. Như vậy nông dân yên tâm sao được, thưa Bộ trưởng!

Lê Chiên- Minh Quang-Thúy Đăng (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN