“Dông bão” chờ ngành chăn nuôi

Các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang gấp rút đàm phán để đi đến thống nhất chung.

Nhiều ý kiến lo ngại, nếu Việt Nam chuẩn bị không kịp, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị “đè bẹp” trước “cơn bão thịt ngoại” tràn vào khi thuế suất bằng 0.

Thịt ngoại giá rẻ

Mặc dù đang phải chịu thuế nhập khẩu nhưng nhiều loại thịt ngoại đang có giá rẻ hơn thịt trong nước. Cụ thể hiện giá thịt gà công nghiệp trong nước bày bán trên thị trường khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg gà nguyên con làm sẵn, còn thịt đùi, cánh là 60.000 – 70.000 đồng/kg thì thịt gà nhập về chỉ xấp xỉ 20.000 đồng/kg. So sánh về giá thì sau trừ các chi phí, thịt gà ngoại đến tay người tiêu dùng chỉ bằng hơn một nửa giá thịt nội.

Chính vì thế hầu hết các quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể khi sử dụng sản phẩm thịt gà đã dần chuyển sang thịt ngoại. Chị Trần Thị Sang- chủ một quán cơm ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.Hồ Chí Minh, lý giải: “Ở đây chỉ toàn bán cơm cho công nhân, sinh viên, nên khi thấy thịt gà ngoại rẻ, tôi đã chuyển sang sử dụng thịt ngoại hơn 6 tháng nay rồi. Hiện thịt đùi, cánh gà nhập khẩu trong siêu thị Metro, giá rẻ hơn thịt gà nuôi trong nước tới gần 30.000 đồng/kg”.

“Dông bão” chờ ngành chăn nuôi - 1

“Cơn bão thịt ngoại” tràn vào khi thuế suất bằng 0 (Ảnh minh họa, nguồn: Tiên phong)

Tương tự, thịt bò nội trong nước mấy tháng nay cũng đang bị bò Úc “lấn sân”. Theo các doanh nghiệp, giá nhập khẩu thịt bò Úc về đến Việt Nam là khoảng 2,2 – 2,5 USD/kg bò hơi, tức bằng khoảng 44.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, bò Việt Nam có giá dao động khoảng 70.000 đồng/kg thịt bò hơi. Chính vì thế, từ đầu tháng 9 đến nay, tại các siêu thị, hệ thống các cửa hàng phân phối thịt ở TP.Hồ Chí Minh đã không còn thấy mặt hàng thịt bò có xuất xứ Việt Nam và thay vào đó là thịt bò Úc.

Theo Thương vụ Úc thì trong năm 2013 ước tính có khoảng 60.000 con bò Úc được nhập khẩu vào Việt Nam và con số này cũng sẽ bằng hoặc hơn trong trong năm 2014. Ngoài gia súc sống, hàng năm cũng có khoảng 2.000 tấn thịt bò Úc đông lạnh được nước này bán ra thị trường thế giới.

Dưới sức ép đó, giá gà công nghiệp mấy tháng qua cũng giảm mạnh để cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm tỉnh Bình Phước, hiện giá thành nuôi gà công nghiệp tại các trang trại đang ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg nhưng mấy tháng nay toàn phải bán lỗ còn có 26.000 – 27.000 đồng/kg, có thời điểm còn có 20.000 – 21.000 đồng/kg khiến người nuôi gần như muốn “tắt thở”.

Không tiến lên sẽ... chết

Trước tình hình đó, viễn cảnh cho ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn “đen tối” hơn khi “cơn bão” thịt ngoại ồ ạt nhập về khi thuế suất nhập khẩu bằng 0. Không chỉ thịt nhập mà một luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ngành chăn nuôi cũng sẽ gia tăng, sự cạnh tranh khi đó sẽ diễn ra ngay trong nước, giữa các loại thịt nội, trong khi công nghệ chăn nuôi của Việt Nam còn thấp so với các nước. Viễn cảnh đó sẽ không xa sau khi các nước đàm phán xong và Hiệp định TPP có hiệu lực, có thể sẽ ngay trong năm 2014 này.

TPP về bản chất là một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ). Trong đó một trong những nội dung quan trọng là nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định vào cuối năm nay thì sẽ có trên 90% dòng thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước này được hạ xuống bằng 0%.

Trong cuộc chơi TPP, theo các chuyên gia, Việt Nam không thể kéo các quốc gia trên bàn đàm phán về tiêu chuẩn thấp của mình. Chính vì thế, chỉ còn một con đường duy nhất là tiến lên để bắt kịp với thế giới. Bởi đứng ở một góc cạnh khác, mặc dù có nhiều bất lợi nhưng Việt Nam cũng hưởng được nhiều lợi thế ở Hiệp định TPP.

Theo đánh giá của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam- ông David B. Shear, trong một cuộc nói chuyện gần đây về Hiệp định TPP tại Đại học Cần Thơ thì xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng 37% trong những năm đầu TPP. Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Mỹ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng chỉ ra rằng khi TPP có hiệu lực thì thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống,… cũng sẽ bằng 0 (mức thuế hiện nay từ 5 – 10%). Khi đó giá thành chăn nuôi cũng sẽ giảm tương ứng.

Người chăn nuôi nên đẩy năng suất tăng thêm để tăng lợi nhuận. Điều này các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội TPP để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các quốc gia thành viên TPP để chuyển giao cho bà con và đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, làm tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu.

“Và Chính phủ có thể xem xét thêm các rào cản kỹ thuật như Thái Lan, Nhật là buộc heo, gà nhập phải nhập nguyên con thì thịt nội không lo mất hết thị trường. Vì giá gà, heo nguyên con nhập khẩu xấp xỉ giá trong nước, trong khi để DN nhập riêng cánh, đùi hiện nay thì ở nhiều nước các loại này lại là phụ phẩm, giá bán rất rẻ” – ông Công kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:Cần nghiên cứu kỹ bức tranh thị trườngKinh nghiệm từ WTO cho thấy, hàng hóa của các nước đã tràn vào VN, cạnh tranh với hàng trong nước nhiều hơn là chúng ta xuất sang họ. Nhiều khả năng thịt gà, thịt bò, thịt cừu, sữa ngoại sẽ tràn ngập VN khi mở cửa thị trường theo thỏa thuận TPP. Bởi vì với mức thuế hiện hành và giới hạn số lượng thịt nhập khẩu hàng năm mà thịt heo, thịt gà của VN đã không cạnh tranh nổi. Để tránh những lo ngại này trở thành hiện thực, tôi cho chúng ta cần có những nghiên cứu, đánh giá thật kỹ bức tranh thị trường VN như thế nào nếu TPP thành hiện thực để có giải pháp ứng phó.

Ông Lê Bá Lịch -Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam:Lâm vào thế khóChăn nuôi gà Việt Nam không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi... Chính vì vậy cả ngành chăn nuôi heo, bò và gà có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. TPP đối với ngành chăn nuôi Việt Nam là thách thức lớn do thực trạng ngành chăn nuôi của ta là nhỏ lẻ và cạnh tranh về giá. Điều này không chỉ xảy ra với riêng sản phẩm nông nghiệp nước ta mà là hiện trạng chung của nhiều ngành hàng khác khi nước ta gia nhập WTO và tới đây có thể là TPP.

Mai Hương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN