Doanh nghiệp lao đao vì lò giết mổ lậu

Nhiều doanh nghiệp đầu tư cả trăm tỷ đồng xây dựng dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, đảm bảo vệ sinh đang đứng trước bờ vực phá sản khi mà hàng ngàn lò giết mổ tư nhân vẫn mặc sức tung hoành, không ai kiểm soát…

Dây chuyền hiện đại bỏ hoang

Sau gần 9 năm đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đặt tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), giờ đây Cty CP XNK Thực phẩm-Foodex gần như đã kiệt sức, hoạt động cầm chừng. Trước mặt nhóm PV Tiền Phong là một khu nhà máy quy mô lớn với hai dãy nhà xưởng, văn phòng rộng hàng ngàn m2 vắng lặng. Một vòng quanh nhà máy, chúng tôi chứng kiến toàn bộ dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại giờ đây “cửa đóng then cài”. Trạm xử lý nước thải được đầu tư từ ngân sách lên tới trên 25,17 tỷ đồng vẫn chưa chính thức đưa vào hoạt động. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Phượng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, từ tâm huyết với nghề, tình cảm với quê hương, để lại gia đình tại Nga, ông trở về quê hương dốc toàn bộ tài sản cá nhân lên tới trên 40 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy. Năm 2006 nhà máy bắt đầu được xây dựng và đến năm 2008 đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhà máy liên tục gặp khó khăn từ nhiều phía trong đó áp lực lớn nhất đó là cạnh tranh không lành mạnh từ các lò giết mổ tư nhân. Ông Phượng cùng cán bộ nhân viên công ty phải vật lộn tìm kiếm từng đơn hàng nhỏ để cầm cự. “So với công suất thiết kế, nhà máy chỉ hoạt động được 5-10%. Nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước chưa đến được với công ty như vốn vay ưu đãi”, ông Phượng nói. Để tìm lối thoát, hiện nay công ty đã mở ra một khu giết mổ bán công nghiệp dành cho các chủ lò mổ tư nhân vào hoạt động để có thêm nguồn thu.

Tại cụm công nghiệp thực phẩm Hapro thuộc xã Lệ Chi huyện Gia Lâm, nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm của Công ty CP sản xuất kinh doanh gia súc, gia cầm đã xây dựng xong với vốn đầu tư lên tới 60 tỷ đồng vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Nguyên nhân là phải chờ hơn 1 năm mới có nhà máy xử lý nước thải đi kèm do thành phố đầu tư… 

Doanh nghiệp lao đao vì lò giết mổ lậu - 1

Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm Foodex và trạm xử lý nước thải hoạt động cầm chừng gây lãng phí lớn. ảnh: Minh Tuấn

Thả nổi lò giết mổ tư nhân

Theo ông Trương Minh Thanh, Tổng giám đốc Cty CP sản xuất kinh doanh gia súc gia cầm thuộc Hapro, nhiều doanh nghiệp giết mổ gia súc gia cầm đang đứng trước bờ vực phá sản và lo ngại lớn nhất đó là thị trường. Trong khi đó, còn tới trên 95% lượng thịt tươi sống được bán tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc. Việc tồn tại các lò mổ tư nhân cũng đã tiếp tay cho lối tiêu dùng không hợp vệ sinh thực phẩm. Hầu hết người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thịt sống tại các chợ truyền thống, chợ tạm ít được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Thanh cho rằng chính các lò giết mổ tư nhân không được kiểm soát đang tạo áp lực lớn nhất cho các nhà máy hiện đại tập trung, tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn của các nhà máy giết mổ tập trung còn cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng còn chậm và thiếu quyết liệt. Sở Công thương Hà Nội cho rằng để xảy ra tình trạng nêu trên một phần do UBND huyện Đan Phượng chưa đề xuất phương án xây dựng mô hình thí điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thuộc Cty CP XNK Thực phẩm Foodex theo chỉ đạo của UBND thành phố dẫn đến dự án của doanh nghiệp này chưa đưa vào hoạt động.

UBND huyện Đan Phượng chưa quyết liệt trong việc thu gom các cơ sở giết mổ thủ công. Do phải thuê đất, đầu tư hạ tầng, vận hành hệ thống xử lý nước thải nên chi phí của các doanh nghiệp này cao hơn các lò giết mổ tư nhân thủ công. Một thực tế khác là mặc dù có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đầu tư từ ngân sách hệ thống xử lý nước thải nhưng triển khai chậm, thường xuyên hỏng hóc, quản lý vận hành yếu dẫn đến hiệu quả khai thác thấp.

Lãng phí các trạm xử lý nước thải 

Kết quả giám sát mới nhất của HĐND thành phố cho thấy, việc Sở Công thương làm chủ đầu tư các trạm xử lý nước thải tại các khu giết mổ tập trung xây xong rồi bàn giao cho doanh nghiệp là chưa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với hiệu quả công trình, gây phức tạp trong quản lý. Do chủ đầu tư và chủ sử dụng là hai chủ thể khác nhau nên mặc dù ngân sách thành phố đầu tư gần 100 tỷ đồng cho 4 trạm xử lý nước thải song hiệu quả đầu tư thấp. Một công trình mới huy động được 40% công suất; 2/4 công trình chưa đi vào hoạt động.

(Nguồn: HĐND thành phố)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tuấn-Nguyễn Tú (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN