DN vẫy vùng thoát khỏi vũng lầy đa ngành

Không còn quá sa đà vào những lĩnh vực không phải hoặc không còn là thế mạnh của mình, nhiều DN tiếng tăm đang trở lại với chính mình cũng như mạnh mẽ mở sang các ngành kinh doanh bền vững, có lợi thế so sánh.

Những tin vui đầu năm

Sau hơn một năm xây dựng, ngay trong những ngày đầu năm mới 2013, Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu có vốn đầu tư 100 triệu USD của ông Đoàn Nguyên Đức đã có hoạt động cho đường và phát điện. Dự án này được hy vọng mang lại doanh thu và lợi nhuận khá lớn trong năm đầu hoạt động.

Đây là kết quả ban đầu đầy lạc quan từ dự án tỷ đô của bầu Đức đang triển khai tại Lào. Từ đây, bài toán thiếu vốn và sự đi xuống trong các bảng xếp hạng quốc tế của HAG xem ra đã có hướng giải ban đầu. Chiến lược lấy ngắn nuôi dài, trồng mía đường thu hoạch hằng năm, sản xuất điện để lấy vốn cho một kế hoạch phát triển dài hơi hơn là cao su dường như đang mang lại nhieeufhy vọng.

Mới đây, bầu Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tập đoàn Michelin, một trong những nhà sản xuất lốp cao su lớn nhất thế giới, đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ mủ cao su trồng ở Lào, với diện tích là 24.300 hecta trong tổng số 51.000 hecta tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Dù vậy, bầu Đức cho biết, đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ không bán toàn bộ cho tập đoàn nói trên bởi cao su là sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường, mang lại nguồn thu đều đặn cho HAGL.

Trước đó, trong tuần đầu tiên của năm mới, ông Đức cũng cho biết, năm 2013 sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon vì nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới.

Liên tiếp “đem chuông đi đánh xứ người”, HAGL đang được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tiên thành công trong việc phát triển tên tuổi ra khu vực. Những khoản lợi nhuận đầu tiên từ các dự án hàng tỷ USD từ các dự án ở nước ngoài sẽ dần được chuyển về Việt Nam, giống như ông lớn viễn thông Viettel đã làm.

Trước đó, giới doanh nhân trong nước hẳn ít nhiều biết về cú chuyển hướng mạnh mẽ của bầu Đức, dần rút khỏi BĐS và chuyển dần về những lĩnh vực có hướng phát triển bền vững hơn như cao su, thủy điện. Những đợt hạ giá sản phẩm BĐS được bầu Đức đưa ra, rồi gần đây nhất là quyết định thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Land là những bước đi minh chứng cho xu hướng mới của doanh nhân này.

DN vẫy vùng thoát khỏi vũng lầy đa ngành - 1

Nhiều doanh nghiệp vẫy vùng thoát khỏi vũng lầy

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM). Doanh nghiệp này vừa công bố lợi nhuận 2012 đạt 153,69 tỷ đồng.

Đây là một thành tích khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Chính bản thân SAM trong năm 2011 riêng công ty mẹ của SAM đã lỗ 210,4 tỷ đồng sau thuế và đang vật lộn thoát ra cái áo chật chội, cũ kỹ của mình.

Lợi nhuận đến với SAM có lẽ từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động, thu hẹp hoạt động sản xuất cáp vốn là sở trường nhưng tính cạnh không cao và không phù hợp với quy mô vốn lớn mới của SAM. Sự thay đổi có lẽ manh nha từ vài năm gần đây nhưng mạnh mẽ nhất từ đầu năm 2012 với tuyên bố đổi tên công ty và chuyển chiến lược kinh doanh.

Hai trường hợp đang có chuyển biến tích cực trong xác định lại hướng kinh doanh khác là Công ty Cổ phần Gemadept (GMD) và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Dù chưa công bố kết quả quý IV, nhưng GMD trước đó đã có lãi quý III/2012 tăng vọt so với cùng kỳ nhờ quay về kinh doanh cốt lõi.

Gemadept tập trung vào các hoạt động kinh doanh truyền thống và cốt lõi, thu hẹp và chấm dứt những hoạt động kém hiệu quả, rút bớt khỏi các hoạt động đầu tư đa ngành… để cắt giảm chi phí, tăng cao hiệu quả. Lợi nhuận quý III/2012 của GDM đạt 40,26 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 2,44 tỷ đồng cùng kỳ.

Trong khi đó, REE cũng ở trường hợp tương tự khi thoát đa ngành để lớn mạnh, lấy lại tiếng vị trí ngôi sao như từng thống trị trong 5 năm đầu tiên khi là một trong “big 3” (cùng GMD, SAM) trên sàn chứng khoán.

Sau khi sa lầy trong kinh doanh, từ một công ty đầu tư đa ngành nghề - cơ khí và điện, bất động sản, tài chính, REE đã từng bước định hướng lại chiến lược phát triển, từ bỏ đầu tư tài chính và chuyển sang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng.

Một nghề cho chín hơn chín nghề

Khá nhạy cảm với sự biến chuyển của nền kinh tế, nhiều doanh nhân đã nắm bắt rất tốt cơ hội kinh doanh và cũng nhanh chóng chuyển hướng khi tình thế thay đổi và tìm kiếm cho doanh nghiệp của mình hướng đi mới, dồn sức cho mũi nhọn tiềm năng mới.

Không phải gần đây mà từ khá lâu rồi, bâu Đức đã bày tỏ ý định rút khỏi BĐS tập trung cho các ngành nghề khác mà nhất là trồng cao su. Ông từng tuyên bố, sau 2015, HAGL sẽ rút hẳn khỏi BĐS và bằng chứng cho hướng đi này, HAGL đã nhiều lần hạ giá căn hộ với mức khủng để đẩy hàng tồn kho, thoát dần khỏi gánh nặng BĐS.

Đi lên từ chế biến gỗ và sau đó là BĐS, bầu Đức đã gặt hái được rất nhiều thành quả từ hai lĩnh vực này. Tuy nhiên, ngay từ 2007 khi mà BĐS đang rất nóng bỏng nhưng ông bầu của đội bóng HAGL đã sang Lào xin đất trồng cao su và chuyển hướng làm thêm sản xuất điện.

Theo đánh giá của đa số các chuyên gia, cao su và sản xuất điện thuộc hai lĩnh vực có tiềm năng to lớn trong tương lai, thuộc dạng bền vững mà vẫn hái ra tiền.
Kinh doanh, cốt lõi, core biz, HAG, Hoàng Anh Gia Lai, bầu Đức, Gemadept, GMD, REE

Giống như nhiều doanh nghiệp khác, theo đà hứng khởi của TTCK, REE đã nhảy vào lĩnh vực đầu tư tài chính từ những năm 2006-2007. Cú thua lỗ trên 150 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng chứng khoán và bán lỗ chứng khoán năm 2008 đã khiến REE giật mình thức tỉnh.

Năm 2011 và 2012 thị trường đã chứng kiến sự lột xác của REE với việc rút ra khá triệt để khỏi đầu tư tài chính, giã từ hoạt động ủy thác đầu tư, cơ cấu lại toàn bộ danh mục. Quyết tâm từ bỏ đầu tư đa ngành, rút khỏi những lĩnh vực không phải là thế mạnh đã khiến REE có những kết quả kinh doanh và bảng cân đối tài chính khá ấn tượng.

Hiện tại REE đang tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là: cơ điện (M&E), sản xuất và thương mại, khai thác BĐS cho thuê. Đây là ba mảng liên quan khá chặt chẽ tới nhau. Bên cạnh đó, REE cũng đang tiến sang lĩnh vực có triển vọng phát triển lâu dài là năng lượng để phục vụ ngành kinh doanh cốt lõi M&E của mình.

Việc biến các công ty năng lượng trở thành công ty liên kết (B.O.O Thủ Đức, nước sạch Sài Gòn, điện Ninh Bình, Thác Bà, Thác Mơ…) có thể giúp REE kiểm soát được thông tin, lấn sâu vào lĩnh vực đầy tiềm năng năng lượng, trong khi vẫn duy trì được một tỷ suất lợi nhuận ổn định hàng năm.

Trong khi đó, GMD cũng đã và đang tập trung các nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh truyền thống và cốt lõi, giao nhận và vận tải. Thu hẹp và chấm dứt hàng loạt các hoạt động kém hiệu như đầu tư tài chính, chứng khoán... nhưng Gemadept cũng đang mở cho mình một hướng đi mới là trồng cao su.

Có thể thấy, làn sóng rút khỏi đa ngành, không sa đà vào những lĩnh vực không phải hoặc không còn là thế mạnh của mình đã xuất hiện trong năm vừa qua và có thể tiếp diễn trong năm nay. Xu hướng này được đánh giá là khá tốt do việc phát triển nóng, đầu tư dàn trải đã mang lại hậu quả đáng tiếc cho nhiều doanh nghiệp như thua lỗ, nợ nần chồng chất, dự án chậm tiến độ…

Tuy nhiên, không phải rút khỏi đa ngành có nghĩa là chỉ quay về với ngành kinh doanh cốt lõi duy nhất của mình. Việc tìm kiếm các hướng đi mới, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới là cần thiết đối với những người đứng đầu. Doanh nghiệp không thể tồn tại mãi với một sản phẩm, một hướng kinh doanh bởi lợi thế cạnh tranh không tồn tại mãi. Các quyết định mở sang các ngành kinh doanh bền vững, có lợi thế so sánh khác có lẽ là hợp lý. Vấn đề có chăng là ở chỗ bài học đầu tư dàn trải có lẽ phải được các doanh nghiệp tính toán kỹ hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN