DN "tố" cách điều hành giá xăng

Việc lấy giá của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) làm tham chiếu để tính toán mức chênh lệch giá cơ sở với giá bán hiện hành chung khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không thể cạnh tranh.

Bộ Tài chính mới đây cho rằng có 3 DN xăng dầu đầu mối có hành vi điều chỉnh giá vượt mức cho phép là: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Dầu khí Đông Phương (Orient Oil) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro).

DN "tố" cách điều hành giá xăng - 1

Việc lấy giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex làm tham chiếu khiến nhiều DN đầu mối khó cạnh trang lại

DN khẳng định không vượt

Theo Bộ Tài chính, ngày 21-2, PV Oil và Orient Oil đã điều chỉnh tăng giá bán xăng và dầu diesel cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 2254/BTC-QLG đối với xăng là 23 đồng/lít và dầu diesel là 13 đồng/lít. Ngày 19-3, Saigon Petro điều chỉnh tăng giá bán xăng và dầu diesel cao hơn mức tăng tối đa quy định tại công văn số 3458/BTC-QLG là 11 đồng/lít xăng và dầu diesel là 19 đồng/lít.

Phản hồi về thông tin này, đại diện Saigon Petro cho biết trước đây khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, cơ quan quản lý lấy giá của Petrolimex làm gốc nhưng giá của DN này luôn thấp hơn Petrilimex. “Mức chênh lệch không lớn, chỉ 10-20 đồng/lít nhưng duy trì một thời gian dài gây thiệt thòi cho DN” - vị này chia sẻ. Do đó, tại các thời điểm như đã nói ở trên, khi Bộ Tài chính áp dụng giá cơ sở chung để điều hành giá, các DN đã điều chỉnh giá bán lẻ bằng với mức giá của Petrolimex.

Đại diện PV Oil cũng cho rằng DN không có sai phạm gì về giá bán lẻ và thực hiện đúng theo quy định tính giá cơ sở và giá bán lẻ của Bộ Tài chính. “Tại thời điểm điều hành giá theo yêu cầu của Bộ Tài chính, giá bán lẻ của PV Oil và một số DN khác thấp hơn Petrolimex khoảng 15-30 đồng/lít. Yêu cầu của bộ là các DN khác phải theo giá của Petrolimex nên buộc lòng chúng tôi phải tăng giá cao hơn để bằng Petrolimex. Cụ thể, tại thời điểm ngày 21-2, Petrolimex chỉ điều chỉnh tăng giá xăng 300 đồng/lít nhưng PV Oil phải tăng gần 330 đồng/lít mới mới bằng giá bán lẻ của Petrolimex là 24.510 đồng/lít. Phần chênh gần 30 đồng/lít chính là phần bù giá do DN bán giá thấp hơn Petrolimex trước đó” - vị đại diện này giải thích.

Chờ nghị định mới

Việc dựa vào giá bán lẻ của DN có thị phần nội địa lớn nhất hiện nay là Petrolimex (chiếm khoảng 50%) làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ chung cho các DN có hạn chế đã làm mất đi tính cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường.

Theo một chuyên gia trong ngành, để cạnh tranh nhau trên thị trường, một số DN đầu mối đưa ra các mức giá bán lẻ xăng dầu khác nhau và điều chỉnh giá bán với mức thấp hơn mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành. Đến kỳ tính giá tiếp theo, mức điều chỉnh giá tối đa vẫn chỉ bằng mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ tính toán chung cho các DN. Mức giá mới điều chỉnh không tương đương với giá cơ sở được.

“Như vậy, những DN đầu mối giảm giá bán cho người tiêu dùng thì lại bị thiệt trong các lần điều chỉnh sau và không tạo ra động lực cạnh tranh trên thị trường, gây nên sự không bình đẳng trong kinh doanh xăng dầu” - chuyên gia này chỉ rõ.

Do vậy, theo nguồn tin của PV, nhằm khắc phục bất cập này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đã quy định giá bán lẻ hiện hành là giá cơ sở của kỳ trước liền kề nhằm thống nhất chung một mức giá điều hành, không phụ thuộc vào giá bán lẻ của bất kỳ DN đầu mối nào, tạo sự bình đẳng trong điều chỉnh giá xăng dầu giữa các DN đầu mối. Đồng thời, sẽ quy định khung phạm vi điều chỉnh giá bán lẻ, các DN chủ động cạnh tranh nhau vế giá bán lẻ trong phạm vi quy định đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN