Đìu hiu làng đồ chơi trung thu

Sự kiện: Tết Trung thu

Trung thu đang cận kề, các sản phẩm đồ chơi trẻ em được trưng bày khắp phố phường... Nhưng tại làng nghề đồ chơi trẻ em Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), mùa trung thu này lại vắng bóng thợ.

Cố giữ lấy nghề

Làng nghề đồ chơi trẻ em ở Khương Hạ đã có tuổi đời hàng trăm năm, nổi tiếng với các loại đồ chơi làm bằng sắt như bướm, đèn cù, thỏ đánh trống, tàu thủy… Thế nhưng, tới thời điểm này chỉ còn duy nhất anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng làm và giữ nghề. Anh Hùng chia sẻ: “Làng nghề có hơn 100 năm, truyền qua 5 – 6 đời nay. Tôi học nghề này từ bố tôi. Trước, cả làng có 100 hộ làm nghề, nhưng đến năm 1975 chỉ còn 30 hộ giữ được nghề...”.

Đìu hiu làng đồ chơi trung thu - 1

Anh Hùng với chiếc tàu thủy đồ chơi rất được ưa chuộng.

Anh Hùng cho biết thêm: “Làm các đồ chơi bằng kim loại thì nguyên vật liệu rất đắt đỏ, hơn nữa không phải nhà nào cũng làm được mẫu mã đẹp và đảm bảo chất lượng nên hàng bán không chạy. Hơn chục năm trước, đồ chơi từ thị trường Trung Quốc nhập về với khối lượng lớn đã “bóp” chết làng nghề. Đến nay, chỉ có tôi vẫn bám trụ lại, chuyên làm tàu thủy đồ chơi cho trẻ”.

Chiếc tàu thủy đồ chơi do anh Hùng làm khá đặc biệt vì có thể chạy được trên mặt nước, có tiếng nổ và khói “như thật”. Theo anh Hùng, làm tàu thủy đồ chơi cho trẻ em chủ yếu làm thủ công nên rất công phu, thông thường thợ làm 10 giờ mới hoàn thiện được một sản phẩm. Thợ 30 năm làm nghề như anh bình quân chỉ làm được 1 tàu thủy/ngày, giá bán theo đơn đặt hàng 300.000 đồng/cái.

Chị Nguyễn Thị Thuyết - vợ anh bộc bạch: “Thấy mọi người đều bỏ nghề để mưu sinh, tôi cũng khuyên anh nên chuyển nghề nhưng anh ấy không nghe mà còn đổ cả tâm huyết vào làm. Mãi rồi khách hàng cũng biết tiếng và ưa chuộng sản phẩm”.

Chị Thuyết cho hay, mùa bán hàng rộ nhất vào tháng 5, tháng 6 âm lịch: “Khi đó hàng làm không xuể, thậm chí khách du lịch nước ngoài đặt hàng 20 – 30 cái với giá cao hơn thị trường trong nước 100.000 đồng/cái. Hiện nay, các sản phẩm của gia đình đã được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia các Festival Làng nghề truyền thống, được xuất khẩu sang tận Pháp, Mỹ”.

Mong mỏi truyền nghề

Cách đây khoảng 10 năm, có một đoàn khách Trung Quốc qua thăm mô hình và học tập cách làm tàu thủy của gia đình anh Hùng, anh tận tình chia sẻ bí quyết làm nghề. Khi về nước, họ không thể theo nghề được bởi làm tàu thủy chỉ làm được thủ công, trong khi đó nước bạn làm theo kiểu sản xuất hàng hóa. “Máy móc chỉ làm được vỏ tàu, còn bên trong phải làm thủ công, vì thế nếu đầu tư nhà máy để làm vỏ rồi thợ vẫn phải cặm cụi làm chi tiết bên trong thì khó sản xuất nhanh, nhiều được”- anh Hùng nói.

“Sản phẩm tàu thủy bán với giá 300.000 đồng/cái, nhưng có những sản phẩm giá 8 -9 triệu đồng, tùy đơn đặt hàng. Mỗi năm, từ nghề này, anh Hùng cũng có thu nhập 200 – 250 triệu đồng”.

Gần đây, anh nhận đào tạo và truyền nghề cho 7 – 8 học viên từ các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên nhưng họ chỉ học 1-2 tháng rồi nghỉ học giữa chừng. Hỏi về nguyên nhân thì anh cho biết: “Để làm tàu thủy đồ chơi cũng phải biết gò, hàn, hiểu biết về động cơ. Ít nhất phải mất 2 năm học nghề, nếu học ngắn hạn chỉ làm được vỏ của tàu chứ không thể cho khởi động động cơ. Thời gian học lâu nên họ nản”.

Anh Hùng cho hay, hiện nay trên thị trường chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu sử dụng sản phẩm tàu thủy, nhưng không ai thiết tha với nghề. Mong mỏi lớn nhất của anh là có học trò nối nghiệp đã bao lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được vì không có điều kiện để mở xưởng, hỗ trợ kinh phí cho học viên. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Xuân (Dân Việt)
Tết Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN