Điện không thiếu vẫn cúp

EVN đánh giá nguồn cung điện năm nay hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, nếu không có diễn biến bất thường.

Kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn cung điện trở nên dư dả, không còn tình trạng ăn đong như nhiều năm trước. Hiện nay, nguồn cung cấp điện trên toàn quốc tương đối ổn định. Tuy nhiên, tình trạng cúp điện vẫn xảy ra ở nhiều nơi và đặc biệt việc xử lý vẫn không kịp thời.

Cung đủ đáp ứng cầu

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo tháng 6, tháng cao điểm của mùa nóng, phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 348 triệu KWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 18.400 đến 18.700 MW. Mức dự báo này không tăng nhiều so với tình hình cung ứng điện thực tế trong tháng 5 với những con số cụ thể: Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 10,603 tỉ KWh, sản lượng điện trung bình đạt 342,04 triệu KWh/ngày, sản lượng cao nhất đạt 376,68 triệu KWh/ngày (ngày 4-5), công suất cao nhất đạt 18.508 MW (ngày 3-5).

Từ thực tế hiện nay, EVN đánh giá nguồn cung điện trong mùa khô năm nay hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, nếu không có diễn biến bất thường.

Tại TPHCM, theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), từ nay đến cuối năm, bảo đảm đủ nguồn điện cung ứng. Đến thời điểm này, sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM tăng ít hơn dự kiến kế hoạch, nguyên nhân một phần do TPHCM vận động tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, do sức mua trên thị trường giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp hoạt động không hết công suất, sử dụng điện không nhiều như mọi năm.

Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 19-6, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) khẳng định từ nay đến cuối năm, các tỉnh phía Nam không bị thiếu điện. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2013 đến 2015 có khả năng thiếu điện nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn cung.

Điện không thiếu vẫn cúp - 1

Công nhân điện lực thi công sửa chữa đường dây tại TPHCM

Vẫn cúp và chậm khắc phục

Thế nhưng bước vào đợt nắng nóng giữa tháng 6, hiện tượng cúp điện bắt đầu tái diễn tại Hà Nội. Đặc biệt trong 2 ngày 12 và 13-6 vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn thủ đô đã xảy ra sự cố đường dây 110 KV gây mất điện hàng chục khu vực.

Nguyên nhân gây mất điện được ngành điện giải thích là do sản lượng tiêu thụ khu vực tăng đột biến vì thời tiết nắng nóng. Nhiều người dân phản ánh: Trong thời gian mất điện, họ không liên lạc được với các chi nhánh điện lực do có nơi gác máy, không nghe điện thoại hoặc tiếp nhận cuộc gọi nhưng không giải thích thỏa đáng. Ngay cả khi mất điện vào lúc nửa đêm, một số người dân vẫn phải đến tận các chi nhánh điện lực địa phương phản ánh để gây sức ép sớm cấp điện trở lại. Tuy chỉ là sự cố nhưng việc khắc phục chậm cùng thái độ phục vụ khách hàng chưa tốt khiến người mua điện bị ức chế.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quan hệ Cộng đồng EVN HCMC, cho biết hiện tượng mất điện cục bộ xảy ra tại một số khu vực ở TPHCM gần đây chủ yếu là cắt theo kế hoạch (có thông báo trước) để bảo trì đường dây, chặt cây, mé nhánh… Ngoài ra, có thể tại một số khu vực, người dân sử dụng điện nhiều vào giờ cao điểm buổi chiều hoặc tăng sử dụng điện trong những ngày nắng nóng, dùng bếp điện thay bếp gas… nên xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, bị nhảy CP.

Ép DN mua điện để đỡ hỏng máy biến áp!

Mấy ngày nay, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Quảng Bình rất bức xúc khi nhận được Công văn số 214/GM-ĐLBT-KD của Chi nhánh Điện lực huyện Bố Trạch (thuộc Công ty Điện lực Quảng Bình) mời đến làm việc về tình trạng non tải.

Nội dung công văn đồng thời là giấy mời của Điện lực Bố Trạch nêu rõ: Trong thời gian qua, công suất, sản lượng điện sử dụng hằng tháng của quý khách hàng rất ít so với công suất, sản lượng định mức của máy biến áp, dẫn đến tình trạng máy biến áp thường xuyên hoạt động trong tình trạng quá non tải, do đó gây ra một lượng tổn thất không tải lớn trên lưới trung thế do Điện lực Bố Trạch quản lý nói riêng và toàn Công ty Điện lực Quảng Bình nói chung. Để khắc phục tình trạng này, Điện lực Bố Trạch mời các DN trong ngày 21-6 đến để bàn biện pháp thúc đẩy việc tiêu thụ điện, ngăn chặn tình trạng non tải của máy biến áp. Điện lực Bố Trạch còn yêu cầu người dự họp phải là người có đủ thẩm quyền để ký biên bản thống nhất và ký phụ lục bổ sung hợp đồng mua bán điện và mang theo cả con dấu để ký hợp đồng ngay tại cuộc họp...

Chỉ 2 năm trước, khi còn thiếu điện, DN liên tục được yêu cầu giảm sản lượng tiêu thụ điện, bố trí sản xuất ca 3 để tránh tình trạng quá tải phải cúp điện. Nhưng từ năm ngoái đến nay, sản lượng điện tiêu thụ đã giảm từ 15%/năm do kinh tế khó khăn, DN đình trệ sản xuất thì bên bán điện lại yêu cầu DN không được giảm sản lượng để “cứu” máy biến áp!

Về mặt kỹ thuật, theo các chuyên gia, máy biến áp chạy non tải sẽ gây tổn thất lưới điện lớn và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện nhưng trách nhiệm này thuộc về bên bán điện chứ không thuộc về bên mua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tô Hà - Thanh Nhân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN