Điện giá rẻ: Còn lâu!

Xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh còn nhiều vướng mắc nên trong tương lai gần, giá bán điện chưa thể rẻ.

Theo lộ trình, từ năm 2015 sẽ thực hiện thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ năm 2017-2021. Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu biểu giá điện mới, dự kiến trong năm 2015 sẽ trình Chính phủ. Phương án biểu giá điện mới theo đó sẽ giảm số bậc thang tính giá thay vì 6 bậc như hiện nay. Tuy nhiên, mức thang 50 KWh đầu vẫn được giữ nguyên để hỗ trợ cho người dân nghèo, hộ dân tộc thiểu số...

Mập mờ vai trò xã hội và kinh doanh

Thừa nhận ở Việt Nam chưa có thị trường phát điện cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng để cải cách và đưa điện thành mặt hàng cạnh tranh thực sự, cần quan tâm đến 3 yếu tố là giá cả, chất lượng và tính ổn định, bảo đảm trong cung ứng điện.

Điện giá rẻ: Còn lâu! - 1

Người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài Gòn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong đó, giá thành là một trong những yếu tố quyết định tính cạnh tranh của sản phẩm. Ông Vịnh cho biết ngoài cách tính giá điện theo bậc thang lũy tiến, hiện nhiều nước trên thế giới áp dụng tính giá điện theo giờ nên dùng điện giờ cao điểm sẽ đắt tiền hơn giờ thấp điểm. Do đó, để người dân được mua điện giá rẻ hơn thì nhất định phải xây dựng được thị trường điện cạnh tranh trong sản xuất, mua bán.

Theo ông, câu chuyện giá năng lượng với mục đích làm thế nào có giá cạnh tranh trên thị trường năng lượng đã được bàn nhiều ngay từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, vẫn cần vai trò của nhà nước để giữ giá ở mức độ ổn định như giá trần, bởi lẽ hiện vẫn chưa tách được trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong việc thực hiện vai trò xã hội và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

“Nếu gắn chức năng giải quyết vấn đề xã hội với hoạt động kinh doanh thì sẽ là cái kênh mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn vin vào để được tạo thuận lợi, hưởng nhiều cái lợi hơn trong hoạt động sản xuất. Muốn giải quyết vấn đề đó, cần trả lời được câu hỏi là sẽ trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng vùng sâu, vùng  xa, người dân tộc thiểu số, khó khăn hay trợ cấp trực tiếp cho nhà sản xuất” - ông Vịnh nói.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng khoác vai trò bảo đảm an sinh xã hội lên một DN, dù là DN nhà nước, trong thời điểm hiện nay là không phù hợp. Thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư, DN lại phải vay tiền hoặc tăng giá điện để lấy tiền đầu tư hạ tầng, phát triển lưới điện ở vùng sâu, vùng xa. Cuối cùng, lợi ích của số đông người tiêu dùng không được bảo đảm.

Phải cắt bớt quyền của EVN

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn thiết lập thể chế thị trường điện cạnh tranh thì cần thay đổi cấu trúc cách thức quản lý. Cụ thể như cần tách bạch hệ thống truyền tải khỏi sản xuất để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau, đặc biệt là để người tiêu dùng được thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của truyền tải phải là giá dịch vụ công ích.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phòng Kinh tế, Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho rằng nhiều chức năng thuộc EVN như truyền tải, giám sát... chính là tồn tại liên quan đến cơ cấu, kỹ thuật. EVN chỉ nên có một chức năng ưu đãi là chức năng điều tiết điện, còn tất cả chức năng khác phải đưa được ra ngoài thì mới thúc đẩy được quá trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mang lại giá điện rẻ cho người tiêu dùng.

Ông Hưng cũng cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường phát điện Việt Nam rất thấp. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều thực hiện hợp đồng dài hạn với EVN về cung ứng điện bởi để xây dựng, phát triển một nhà máy nhiệt điện cần 10 năm mới hoàn tất các thủ tục. Thời gian quá dài, quá nhiều áp lực nên DN nào cũng muốn có hợp đồng nhằm bảo đảm hiệu quả lâu dài, chắc chắn. “Những DN này đã có mức giá thỏa thuận lâu dài rồi, không tham gia vào đấu giá nữa. Chỉ những DN còn lại mới tham gia đấu giá nên mức độ cạnh tranh không cao. Công suất các nhà máy tham gia thị trường điện cạnh tranh chỉ đạt 48% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống là thấp” - ông Hưng nói.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Bộ Công Thương hiện vừa là chủ sở hữu, quản lý nhà nước đối với EVN vừa là người giám sát hoạt động của tập đoàn này. Như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi, dẫn đến việc bộ này chưa bao giờ từ chối việc nâng giá điện của EVN. Tôi kiến nghị cần có cơ quan giám sát hoạt động của ngành điện trực thuộc Quốc hội hoặc hoạt động theo luật, theo kinh nghiệm một số nước khác.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh

Phải thị trường hóa giá điện

Chúng ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Theo nguyên tắc, cái nào thị trường tự định giá thì để thị trường tự quyết, những mặt hàng nào cạnh tranh được thì thiết lập cạnh tranh. Nhà nước chỉ quản lý ở khâu độc quyền tự nhiên. Chúng ta muốn huy động thành phần kinh tế tư nhân vào sản xuất và phân phối điện thì chỉ có thông qua thể chế thị trường mới huy động được. Khu vực kinh tế tư nhân cần có chỗ trong sản xuất điện và thiết lập hệ thống phân phối điện tới người tiêu dùng. Ngành điện được thị trường hóa mới tạo ra nguồn cung dồi dào, có chất lượng để phát triển kinh tế cũng như mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Nắm chi phí đầu vào thì mới quản được giá thành

Nhiều ý kiến cho rằng cần cải cách mạnh mẽ cơ chế điều hành của EVN nhưng vấn đề là chúng ta cải cách bằng cách nào, mô hình ra sao... thì chưa thể chỉ ra được.

Vấn đề của ngành điện trước nay chỉ xoay quanh câu chuyện tăng giá để thúc đẩy đầu tư. Vậy phải bắt đầu từ điểm mấu chốt này. Ví dụ, tôi thấy rằng điện có liên quan mật thiết đến các mặt hàng năng lượng khác như dầu khí, than... vì đây đều là đầu vào cho ngành điện. Cần vai trò của một cơ quan về điều tiết năng lượng nói chung để điều tiết các nguồn đầu vào này dựa trên nguyên tắc mức độ của tài nguyên mỗi quốc gia, cơ chế quản lý riêng... Nếu thiết lập được mô hình quản lý, cung ứng tài nguyên đầu vào hợp lý thì điện sẽ có giá thành hợp lý. Nó cũng đồng thời là vai trò của nhà nước trong điều tiết chính sách giá điện.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cần lộ trình cụ thể cho giá điện cạnh tranh

Luật Điện lực ra đời năm 2004 xuất phát từ quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về hoạt động điện lực, bắt đầu làm việc từ tháng 6-1996. Trong suốt quá trình soạn thảo, có rất nhiều ý kiến phản biện liên quan đến các điều khoản quy định về thị trường cạnh tranh. Vào thời điểm đó, vấn đề mở cửa thị trường và xóa bỏ độc quyền của ngành điện được rất ít người nghĩ tới bởi chủ sở hữu ngành điện sau khi xóa bỏ độc quyền sẽ như thế nào, ai sẽ là người nắm giữ ngành điện? Tuy nhiên, cuối cùng thì đã đi đến thống nhất là nhà nước chỉ nắm độc quyền lưới điện truyền tải và một số nhà máy phát điện đa mục tiêu. Còn tất cả các khâu từ phát điện đến phân phối phải được mở cửa.

Hiện nay, rõ ràng quan niệm về hoạt động độc quyền của ngành điện đã thay đổi và hướng tới người mua có thể chọn người bán. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển ngành điện cũng như lộ trình hình thành thị trường phát điện cạnh tranh hiện còn nhiều điểm chưa phù hợp, các mục tiêu được đặt ra dài, tầm nhìn xa. Với sự phát triển “nóng” của ngành điện cũng như các ngành kinh tế, nên đưa ra các kế hoạch tầm 5 năm và thực hiện sát sao. Nếu làm được, chắc chắn sẽ có giá điện cạnh tranh.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN