Chi phí ăn Tết của người Việt là bao nhiêu?

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu TNS vào tháng 1 cho biết phần lớn người tiêu dùng Việt Nam lên kế hoạch tăng chi tiêu trong suốt dịp Tết lên mức trung bình là 14,2 triệu VNĐ.

Tờ Forbes trích dẫn kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường TNS cho hay, mức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp Tết là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng).

Ngoài chi phí đi lại – thứ luôn tăng vọt trong mỗi dịp nghỉ lễ, lượng chi tiêu cho các vật dụng gia đình, đồ ăn thức uống hay trang thiết bị cá nhân như quần áo (thường là mua quần áo mới cho tất cả các thành viên trong gia đình) cũng tăng đột biến.

Ngoài ra, ngưởi Việt còn phải chi tiêu cho việc mua quà biếu, quà tặng mỗi dịp Tết đến xuân về. Chi phí này cũng “ngốn” khá nhiều tiền, thậm chí còn hơn cả tiền thưởng Tết.

Rồi sau đó là tiền lì xì cho bạn bè và người thân, đặc biệt là cụ già và trẻ nhỏ. Số tiền chi tiêu trong dịp Tết không hề nhỏ nếu đem so với thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay.

Với những khoản chi tiêu “hào phóng” như vậy cộng thêm không khí tiệc tùng, ăn uống trên khắp cả nước, Tết còn là dịp gây ra chi phí đắt giá về mặt con người.

Chi phí ăn Tết của người Việt là bao nhiêu? - 1

Kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu TNS cho hay, mức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt dịp Tết là 643 USD (tương đương 14,2 triệu đồng). (Ảnh minh họa).

Thống kê của Bộ Y tế, từ mùng 7/2 (tức ngày mùng 1 Tết âm lịch) đến 12/2 có hơn 35.000 trường hợp nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông, đánh lộn và ngộ độc rượu.

Người nước ngoài đến Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi người Việt nghỉ Tết quá nhiều, tiêu tiền quá thoáng và chi phí đi lại du xuân khắp nơi. Tuy nhiên, người Việt lại thuộc top tiết kiệm nhất thế giới nếu tính chi phí chi tiêu thường ngày.

Báo cáo về niềm tin người tiêu dùng của Nielsen chỉ ra Việt Nam vẫn luôn là quốc gia đứng đầu toàn cầu với 79% người tiêu dùng khẳng định họ chi tiêu tiết kiệm. Tiếp đến là Indonesia 75%, Philippines 65%, Singapore 64%, Malaysia 63% và Thái Lan 60%.

Theo Nielsen, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt có xu hướng tăng tại Việt Nam, khuynh hướng thay đổi thói quen chi tiêu để tiết kiệm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.

Khảo sát chỉ ra rằng, 8 trong 10 người Việt đã điều chỉnh thói quen trong 12 tháng qua để hạn chế các khoản chi tiêu của mình.

Cụ thể, 3 trong 5 người Việt đã tiết kiệm chi phí ga và điện cũng như cắt giảm mua sắm quần áo mới so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, 54% người Việt cũng đã giảm chi tiêu cho các khoản giải trí bên ngoài gia đình và 42% người Việt giảm chi phí sử dụng điện thoại.

Khảo sát của Nielsen chỉ ra, sau khi tiết kiệm để trang trải các khoản thiết yếu trong cuộc sống, người Việt dành tiền để chi tiêu các khoản khác như muốn có nhà riêng, đi du lịch, sửa chữa nhà cửa, mua sắm các sản phẩm công nghệ mới…

Nhu cầu tiêu dùng của người Việt cũng thay đổi dần, không chỉ là mua sắm thường ngày mà dành tiền cho những kế hoạch dài hơn như mua nhà, mua xe ô tô…Và mong muốn xây dựng tài chính bền vững hơn là chi tiêu không kế hoạch.

Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam Vaughan Ryan cho hay người Việt lạc quan hơn, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt đã tăng lên và đứng thứ 6 toàn cầu về mức độ lạc quan. Người Việt có thể tiết kiệm cả năm nhưng sẵn sàng chi tiêu mua sắm nhộn nhịp trong dịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Anh (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN