Bùng nổ taxi giá rẻ

Xe của Uber và GrabTaxi có giá rẻ hơn taxi thông thường từ 30%-50% nhờ sử dụng triệt để công nghệ trong hoạt động quản lý và vận hành dịch vụ

“Anh chỉ cần dùng điện thoại kết nối với các hãng dịch vụ vận tải hành khách giá rẻ giống như taxi để giảm chi phí” - một người đi đường mách nước khi thấy chúng tôi đón taxi để di chuyển khoảng 15 km trong khu vực TP HCM.

Bình quân 6.000 đồng/km

Mượn điện thoại cầm tay của ông  ấy, chúng tôi truy cập phần mềm GrabTaxi rồi nhập thông tin điểm đi tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp và điểm đến là Siêu thị Metro (xa lộ Hà Nội, quận 2). Lập tức, màn hình điện thoại xuất hiện cả trăm xe ở gần khu vực điểm đi, đồng thời thông báo quãng đường hơn 14 km,  giá cước là 87.000 đồng (tương đương 6.000 đồng/km).

Bùng nổ taxi giá rẻ - 1

Gọi GrabTaxi thông qua phần mềm trên điện thoại di động Ảnh: Hoàng Triều

Cũng với điểm đi và điểm đến như trên, chúng tôi vào phần mềm Uber - ứng dụng điện thoại kết nối hành khách có nhu cầu đi xe với tài xế. Màn hình điện thoại xuất hiện 4 xe Uber cao cấp, giá cước từ 166.000-219.000 đồng. Trong khi đó, với quãng đường này, mức cước mà chúng tôi phải trả cho các hãng taxi truyền thống khoảng 250.000 đồng.

Thực tế, thời gian đón xe Uber hay GrabTaxi chỉ mất vài phút, giá cước thấp hơn các hãng taxi truyền thống từ 30%-50% nên 2 dịch vụ này đang được nhiều người chọn lựa. Anh Nguyễn Hữu Phát - nhà ở đường số 43, phường Tân Quy, quận 7, TP HCM - cho hay anh đi từ Bến xe Miền Đông về nhà bằng GrabTaxi chỉ hết 69.000 đồng, còn nếu đi bằng xe Uber thì hết 135.000 đồng; riêng mức cước Grabike (cũng thuộc GrabTaxi nhưng vận chuyển bằng xe máy) là 35.000 đồng. Trong khi đó, giá cước của các hãng taxi thường ở mức 200.000 đồng, còn xe ôm là  từ 80.000-100.000 đồng.

Phải chăng Uber, GrabTaxi đang phá giá dịch vụ taxi? Một lãnh đạo của Uber dẫn ví dụ Singapore là nước có  thu nhập đầu người cao hơn nhiều so với Việt Nam nhưng giá cước taxi chỉ khoảng 10.000 đồng/km. Lý do là họ sử dụng triệt để công nghệ trong hoạt động quản lý và vận hành dịch vụ vận tải hành khách. Cũng như vậy, công nghệ của Uber luôn hướng tới giảm thiểu chi phí quản lý và vận hành, chú trọng nâng cao dịch vụ và tính cạnh tranh.

Mở rộng kết nối

Trước đây, GrabTaxi và xe Uber chỉ chấp nhận thanh toán thông qua thẻ tín dụng khiến nhiều người khó tiếp cận dịch vụ này. Mới đây, GrabTaxi đã chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt còn Uber đang thí điểm thanh toán bằng tiền mặt và hướng tới nhân rộng phương thức này nhằm kết nối với nhiều hành khách hơn.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam, tại Hà Nội và TP HCM, cứ 5 giây lại có người đặt xe thông qua ứng dụng Uber; thời gian đón khách cũng như chờ xe trung bình 4 phút… “Công nghệ của Uber cho phép tạo ra những chuyến xe đáng tin cậy, an toàn hơn so với các dịch vụ thông thường vì hành khách có thể biết trước các thông tin về lái xe và phương tiện vận chuyển, kiểm soát được hành trình, thời gian và chi phí cho từng chuyến đi. Phần mềm Uber cũng cho phép khách hàng đánh giá các tài xế và có thể từ chối những tài xế mà phần mềm hiển thị với nhiều đánh giá thấp. Đây là hình thức dịch vụ theo kinh tế thị trường đúng nghĩa bởi người mua có đầy đủ thông tin và quyền tự do lựa chọn dịch vụ” - ông Dũng nói.

Có lợi cho người tiêu dùng

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu Uber hay GrabTaxi mở rộng thị phần ra nhiều tỉnh, thành thì các hãng taxi, doanh nghiệp vận tải hành khách sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn, có lợi cho người tiêu dùng. Động thái mới nhất là hàng loạt công ty vận tải hành khách hợp tác với GrabTaxi để triển khai dịch vụ taxi giá rẻ. Bộ Giao thông Vận tải cũng trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar) với xe dưới 9 chỗ ngồi của Công ty GrabTaxi.

Sòng phẳng trách nhiệm với khách hàng

Một lãnh đạo của hãng taxi truyền thống bày tỏ: “Các hãng taxi truyền thống luôn ủng hộ những gì mang lại lợi ích cho khách hàng nhưng nhà nước cần xem xét lại các loại thuế, phí, lệ phí và trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp hằng năm phải nộp vào ngân sách nhà nước. Thực tế, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống phải tuân thủ chặt chẽ những quy định hiện hành thì Uber, GrabTaxi có hay không? Điều đó có công bằng? Qua một khoảng thời gian hoạt động, không khó để nhận thấy mô hình của Uber và GrabTaxi đã bộc lộ nhiều nhược điểm mà người chịu thiệt hại nhiều nhất là khách hàng (rủi ro tai nạn, mất cắp tài sản...) và các doanh nghiệp vận tải tham gia hệ thống của họ; chưa kể các bộ, ngành cũng còn lúng túng trong quản lý mô hình này”.

Vị này khẳng định nếu Uber, GrabTaxi được luật pháp chấp nhận, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng sẵn sàng chuyển đổi mô hình kinh doanh, vấn đề đặt ra lúc này là sòng phẳng trách nhiệm và vì khách hàng phục vụ. V.Tùng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN