Bỏ ân hạn thuế: 'Bó tay' trước cái lý của Hải quan

Việc ra thời hạn nộp thuế gắn với yêu cầu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng tới các DN sản xuất xuất khẩu trước tình hình thiếu vốn, nguyên liệu và vật tư như hiện nay.

Quy định về thời gian nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã tạo được điều kiện thuận lợi cho DN về thủ tục, thời gian và giảm chi phí. Tuy nhiên, nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản cho rằng, việc ra thời hạn nộp thuế gắn với yêu cầu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng tới các DN sản xuất, xuất khẩu trước tình hình thiếu vốn, nguyên liệu và vật tư như hiện nay.

Doanh nghiệp bức xúc

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định về thời hạn nộp thuế gắn với yêu cầu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các DN sản xuất xuất khẩu trước tình hình thiếu vốn, nguyên liệu và vật tư như hiện nay. Do vậy, hiệp hội này đề nghị Bộ Tài chính xem xét quy định điều kiện để DN được hưởng ân hạn thuế, hoặc chọn cách phân loại DN để phân luồng kiểm soát cho phù hợp (phân luồng Xanh, Đỏ) như cách cơ quan Hải quan hiện đang áp dụng, thay vì quy định phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng chậm nộp thuế 275 ngày.

VASEP lý giải, nếu làm được như trên vừa ngăn chặn và kiểm soát được một số DN làm ăn gian dối, lợi dụng chiếm dụng vốn của Nhà nước; mặt khác tạo cơ chế thuận lợi và thông thoáng hơn và hỗ trợ cho số đông các DN làm ăn uy tín, có hiệu quả.

Bỏ ân hạn thuế: 'Bó tay' trước cái lý của Hải quan - 1

Việc ra thời hạn nộp thuế gắn với yêu cầu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng sẽ ảnh hưởng tới các DN sản xuất, xuất khẩu.

Cũng theo VASEP, hiện cơ quan Hải quan đang quản lý rất chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu. Khi DN mở tờ khai cho loại hình gia công hoặc nhập nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu thì cơ quan Hải quan đã yêu cầu DN phải có nhà máy và phải mở tờ khai tại địa phương - nơi DN có trụ sở. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế theo hướng phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được hưởng chậm nộp thuế tối đa 275 ngày đối với nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu đang là vấn đề lo ngại đối với các DN chế biến thủy sản, nhất là trong tình hình các ngân hàng ngày càng thắt chặt chính sách và hạn mức tín dụng. Việc này sẽ gây thêm khó khăn cho DN vì làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.

Cái lý của Hải quan

Giải quyết lo ngại này của các DN, Tổng cục Hải quan cho biết, quy định tại Điều 42, Luật Quản lý thuế giúp DN có thời gian thu xếp nguồn tiền để nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, do cơ chế thông thoáng trong việc thành lập DN và các công ty có thể không thường xuyên xuất nhập khẩu nên có tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ì nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Quy định này còn dẫn đến sự bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu trong bối cảnh Chính phủ đang phát động phong trào ưu tiên dùng hàng Việt Nam và áp dụng các biện pháp giảm nhập siêu.

Theo Tổng cục Hải quan, qua tham khảo kinh nghiệm từ một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào... thì đa số các nước không cho nợ thuế, phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Anh thì cho chậm nộp thuế nhưng phải có bảo lãnh, hay New Zealand cho nộp chậm nhưng với điều kiện có tài khoản do cơ quan Hải quan quản lý để đảm bảo việc nộp thuế.

Do đó, để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày và không bị phạt chậm nộp thuế.

Mặc dù vậy, Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận, việc sửa đổi theo hướng trên sẽ có ảnh hưởng đến DN nhưng phí bảo lãnh không cao (1-2% năm). Trong trường hợp DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên thì có thể sử dụng L/C của các lô hàng kế tiếp làm tài sản ký cược bảo lãnh và không làm phát sinh thêm tài sản ký quỹ. Phí bảo lãnh là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập DN. Thực tế hiện nay nhiều DN, hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty... trong hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh của đơn vị đã có tổ chức kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính, tín dụng có chức năng bảo lãnh.

Theo Tổng cục Hải quan, với quy định ân hạn thuế có bảo lãnh không tính lãi chậm nộp trong thời gian bảo lãnh, DN cũng đã được hưởng lợi từ việc sử dụng luồng tiền thuế thực chất là chậm nộp mà không phải trả lãi. Do đó, vẫn đảm bảo lợi ích của DN trong việc sử dụng luồng tiền và góp phần đảm bảo công tác chống gian lận thuế. Việc sửa đổi này vẫn đảm bảo lợi ích của DN mà còn góp phần giảm bớt chi phí Nhà nước phải bỏ ra để quản lý, thu nợ thuế và thất thoát tiền thuế.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nội dung sửa đổi theo hướng trên đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan, thành viên Chính phủ. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cũng đã họp và cho ý kiến về vấn đề này. Đa số các ý kiến nhất trí với việc sửa đổi này, tuy nhiên có một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn bảo lãnh đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu xuống 180 ngày hoặc theo thời gian quy định của chu kỳ sản xuất hàng xuất khẩu. Bộ Tài chính đã báo cáo để Chính phủ giải trình, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thời hạn bảo lãnh tối đa đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu là 275 ngày như Dự thảo luật và đã được nhất trí trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2012 đang diễn ra. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tường Vy (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN