Bắt buộc tăng lương, DN bớt tiền phụ cấp

Buộc phải tăng lương theo lộ trình mà nhà quản lý đề ra là một khó khăn lớn của DN trong thời điểm khủng hoảng. Để đối phó, không ít DN đã nghĩ cách xén bớt tiền phụ cấp để cân bằng với khoản tiền phải chi trả thêm khi tăng lương cho người lao động. Nhiều DN cứ lương tăng bao nhiêu là tiền phụ cấp hàng tháng lại giảm tương ứng bấy nhiêu.

Lương tăng là phụ cấp giảm

Chị Nguyễn Thúy Hạnh làm cho một công ty xuất nhập khẩu tại khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) than thở, mặc dù lương có tăng nhưng thu nhập hàng tháng của chị vẫn không tăng thêm.

Theo lời chị Hạnh, cứ có quyết định tăng lương từ cơ quan nhà nước thì không lâu sau DN có quyết định giảm tiền phụ cấp hàng tháng của mọi người đi với mức tương ứng với khoản tiền lương được tăng thêm. Theo đó, đủ các lý do được đưa ra nhưng tựu chung lại vẫn là “khó khăn nên cần giảm bớt một số chi tiêu”.

Mới về đây làm được gần 3 năm, tiền phụ cấp cho xăng xe, ăn trưa... mỗi tháng được nhận khoảng gần 600.000 đồng. Đến giờ số tiền phụ cấp teo tóp lại chỉ còn 270.000 đồng/tháng sau những lần có quyết định tăng lương.

Bắt buộc tăng lương, DN bớt tiền phụ cấp - 1

“Cứ nói lương tăng sẽ tăng thêm thu nhập để đảm bảo nhu cầu sống nhưng tính ra thu nhập vẫn chỉ bằng trước chứ không hơn gì. Không những thế, chi phí bảo hiểm còn tăng thêm. Tính ra,thực thu người lao động vẫn thiệt”, chị Hạnh nói.

Không chỉ có vậy, tại các khu công nghiệp, người lao động ngán ngẩm chẳng kém bởi mỗi khi tăng lương DN lại viện đủ lý do để bớt xén tiền phụ cấp hàng tháng.

Chị Nguyễn Thị Hiền làm công nhân cho một DN điện tử tại khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc) cho biết: “Thu nhập hầu như không tăng thêm khi được tăng lương”.

Theo đó, năm 2011 vào công ty làm ngoài tiền lương cơ bản hàng tháng được hưởng là gần 1,8 triệu đồng thì công ty còn khá nhiều phụ cấp như xăng xe, tiền chuyên cần, phụ cấp ca đêm… Tính ra cũng được khoản khá khá. Tổng thu nhập lúc đó khi cộng với tiền tăng ca đều đặn được khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng.

Hiện nay, lương cơ bản đã tăng được lên hơn 2 triệu đồng/tháng mà thu nhập vẫn không thay đổi là bao. Chị Hiền cho hay, sau mấy lần tăng lương, công ty cắt dần gần hết tiền phụ cấp. Cụ thể, tiền phụ cấp 10.000 đồng/đêm đã bị cắt hết sau khi công nhân được tăng lương trong năm đó. Chưa kể các khoản tiền chuyên cần, thưởng hàng tháng khi đạt năng suất cao cũng bị cắt hết luôn.

“Chẳng có quy định nào bắt buộc công ty phải trả tiền phụ cấp cho công nhân hàng tháng là bao nhiêu, thế nên họ tha hồ cắt giảm khoản này khoản kia từ tiền phụ cấp mà công nhân vẫn phải chịu đựng”, chị Hiền nói.

Lương công nhân teo tóp, DN vẫn kêu ca

Căn cứ vào Bộ Luật Lao động, Đề án cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức (hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng) và 6 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp.

Theo một điều tra nghiên cứu vào tháng 07/2012 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở các doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiền lương cơ bản của người lao động trung bình là 2,43 triệu đồng/tháng và tiền lương thực nhận được trả theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trung bình là 2,86 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,6 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm các thu nhập khác như: tăng ca, tiền ăn ca, chuyên cần, hỗ trợ đi lại, thưởng và các phụ cấp khác.

Bắt buộc tăng lương, DN bớt tiền phụ cấp - 2

Như vậy, lương vẫn tăng đều đặn theo lộ trình nhưng đa phần người lao động vẫn thấy chật vật, khó cân bằng thu chi bởi thực tế tăng lương nhưng thu nhập của họ không tăng trong khi chi phí sinh hoạt lại đội lên từng ngày.

Chị Phùng Thị Duyên làm công nhân tại khu công nghiệp Khai Quang cho biết, sau 3 năm đi làm công nhân, thu nhập hàng tháng của chị vẫn chỉ quanh quẩn ở mức dưới 4 triệu đồng/tháng. Nếu cộng trừ thì cao hơn được khoảng 200.000 - 300.000 đồng so với hồi mới đi làm.

Tuy nhiên, tiền nhà tăng thêm 3 lần (mỗi lần 50.000 đồng), tiền nước, điện cũng tăng theo mức tương ứng. Đó là chưa kể tiền đi lại, giá cả hàng hóa phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày luôn chạy theo giá xăng dầu. So với số tiền vài trăm tăng thêm từ thu nhập hàng tháng thì không thể bù nổi vào so với chi phí sinh hoạt tăng, thậm chí còn thiếu hụt hơn trước đó.

“Người lao động sau nhiều lần được tăng lương không những cuộc sống không được cải thiện mà càng ngày càng phải “thắt lưng buộc bụng” hơn”, chị Duyên chia sẻ.

Không chỉ vậy, theo anh Dương Văn Huy làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long thì lương tăng chưa bao giờ đuổi kịp với mức tăng của hàng hóa. Anh dẫn chứng: Đợt tăng lương cao nhất của công ty là 250.000 đồng/tháng nhưng so với giá cả thì số tiền đó không thể bù đắp được phần giá tăng mà người lao động phải chịu.

Đầu năm nay, giá sữa mua cho con tăng liên tục, mỗi hộp sữa tăng mấy chục ngàn đồng. Tính ra mấy trăm ngàn lương được tăng thêm chẳng bõ bèn gì với tiền giá sữa tăng. Đó là chưa kể giá cả hàng hóa chỉ thấy tăng theo xăng dầu mà chưa thấy giảm theo giá xăng dầu bao giờ. Thế nên, tăng lương người lao động vẫn không thể cân bằng thu chi mà chỉ càng ngày càng phải cắt giảm nhiều khoản chi phí sinh hoạt để đủ sống, anh Huy than thở. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Hân (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN