Bánh kẹo “3 không” vào mùa Tết

Giáp Tết, trên các tuyến phố bánh kẹo của Hà Nội như: Hàng Giầy, Hàng Buồm, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân… , bánh kẹo bày bán đầy sạp. Người mua chủ yếu nhắm đến hàng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng vừa rẻ, vừa bắt mắt)

Vừa rẻ vừa đẹp…

Theo khảo sát, cũng như các loại bánh kẹo có nguồn gốc rõ ràng, bánh kẹo cân có đầy đủ các loại từ bánh quy, bánh xốp, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo dẻo, kẹo trái cây, kẹo sữa, socola… với nhiều hương vị. Các loại bánh kẹo này thường được bọc bằng những loại giấy có màu sắc bắt mắt, bày la liệt và hoàn toàn công khai.

Phần lớn các loại này đều không được đóng thành từng gói, không có nhãn mác, phụ đề tiếng Việt, ngày sản xuất, hạn dùng, mà chỉ toàn chữ Trung Quốc.

Bánh kẹo “3 không” vào mùa Tết - 1

Bánh kẹo "3 không" thường sặc sỡ

Tại chợ Đồng Xuân, không khó để mua được một cân bánh kẹo giá rẻ.

Loại kẹo gôm truyền thống có giá 45.000-50.000 đồng/kg; loại kẹo hương vị hoa quả có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg; bánh quy, bánh xốp từ 50.000-55.000 đồng/kg; socola đồng tiền 80.000 đồng/kg; mứt ki-wi 65.000 đồng/kg… rẻ hơn nhiều mà hương vị, mẫu mã cũng bắt mắt không kém hàng “xịn”.

So với Tết năm ngoái, giá bánh kẹo cân năm nay đã tăng khoảng 10%.

Hình thức các loại bánh kẹo “3 không” năm nay cũng khá bắt mắt. Socola được làm theo hình các con giống, ô tô, đồng tiền vàng… khiến mặt hàng này bán rất chạy.

Khi được hỏi về chất lượng cũng như nguồn gốc các loại bánh kẹo này, đa số các tiểu thương đầu lấp liếm rằng đó là bánh kẹo của Thái Lan, Singgapo, do không mất chi phí đóng gói, đóng hộp nên giá rẻ.

Bánh kẹo “3 không” vào mùa Tết - 2

Theo lý giải của các cửa hàng, không đóng gói thế này nên giá mới rẻ

Tuy nhiên, khi được hỏi, tại sao loại bánh kẹo này nhập khẩu lại không có nhãn mác tiếng Việt về thông tin sản phẩm hoặc hạn sử dụng thì tất cả những người bán hàng tại chợ Đồng Xuân đều không trả lời được.

Không hề biết thông tin gì về sản phẩm, đặc biệt là về hạn sử dụng của các loại bánh kẹo này nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không hề e ngại khi mua. Theo chủ các cửa hàng, loại bánh kẹo này được bán khá chạy vì có mức giá tương đối rẻ.

Nhân viên bán hàng tại ki ốt H (hàng Đường, Hoàn Kiếm) tiết lộ: bánh kẹo tại ki ốt này và hầu hết các cửa hàng khác tại Hà Nội, nếu bán cân thì nhập chủ yếu từ biên giới phía Bắc. Các chủ hàng thường đích thân lên cửa khẩu chọn hàng rồi đánh về.

Các loại bánh kẹo cân đều được phá ra từ các túi to loại 2,5kg, nếu mua cả túi thì sẽ rẻ từ 5-10.000 đồng. Tuy nhiên, khách mua chủ yếu là xé lẻ mua theo cân. Khách mua bánh kẹo cân chủ yếu là các đại lý ngoại thành đem về nông thôn bán hoặc bán tại cổng trường học.

Bánh kẹo “3 không” vào mùa Tết - 3

Bánh kẹo không đóng từng gói, mà đóng cả bịch hoặc cả bao

Khi được hỏi về hạn sử dụng của các loại bánh kẹo này, chị MH, chủ đại lý bánh kẹo tại chợ Đồng Xuân trấn an: “bánh kẹo vừa rẻ vừa ngon nên không bao giờ bị ế. Ra hàng đến đâu hết đến đấy, làm gì có hàng tồn mà sợ hạn dùng”.

Chị M, cửa hàng bánh kẹo tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch-Cầu Giấy) cho biết, thường xuyên lên chợ Đồng Xuân lấy hàng.

“Khoảng 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày trung bình cửa hàng chị bán được 15kg bánh kẹo cân, không như bánh kẹo của Việt Nam, người mua rất ít”.

Trong khi các loại bánh kẹo Trung Quốc được phủ sóng rộng rãi thì những loại bánh kẹo có thương hiệu "made in Việt Nam" chỉ được đặt ở những góc khuất bởi mẫu mã không đẹp, rắn và lại nặng cân nên không thu hút khách.

…nhưng độc hại

Thực trạng bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ là không thể phủ nhận, tuy nhiên, một số người tiêu dùng vẫn bỏ qua vấn đề quan trọng này vô tư mua, không quan tâm đến lợi hại.

Theo các chuyên gia về VSATTP, các loại bánh kẹo này chủ yếu là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc hoặc sản xuất gia công tại Việt Nam nên không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng.

Các nguyên liệu sản xuất thường không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng... Vì thế, ăn những loại bánh, kẹo cân không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ngộ độc cho người sử dụng. Nếu để ý, nhiều loại bánh, kẹo có khi để đến vài năm vẫn tươi màu, tươi mùi vị, và theo các chuyên gia đó chính là nhờ vào chất bảo quản.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, để tránh tình trạng này, khi mua hàng, đặc biệt là thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần sản phẩm, số đăng ký do cơ quan y tế cấp...

Hơn nữa, các loại kẹo đa số đều chỉ được gói đơn giản bằng các loại giấy màu khá bắt mắt nhưng khi bóc túi ra để bán lẻ, không được bảo quản đảm bảo nên khi bóc ra bên trong hầu hết đều bị dính giấy hoặc chảy nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn độc hại xâm nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN