“Bán mồ hôi” lấy kim ngạch xuất khẩu!

Dệt may, da giày nếu không nâng tầm để tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp vẫn chỉ “bán mồ hôi” lấy kim ngạch xuất khẩu

Đó là nhận xét được đưa ra tại hội thảo “TPP với ngành dệt may, da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?” do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài và Báo Đầu Tư tổ chức ngày 24-3 tại TP HCM. Theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may của Việt Nam đang nằm ở đáy của chuỗi giá trị toàn cầu là cắt may - xuất khẩu cùng với Sri Lanka, Bangladesh…

Xuất khẩu nhiều, giá trị thấp

“Nỗi đau” của ngành dệt may được bà Đặng Phương Dung ví von là các DN trong ngành chủ yếu “bán mồ hôi” để lấy kim ngạch xuất khẩu. Vấn đề của dệt may Việt Nam hiện nay là tập trung quá lớn vào xuất khẩu (chiếm 85% năng lực sản xuất), lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vải nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc và chỉ tập trung vào khâu gia công may nên giá trị gia tăng khiêm tốn… Theo thống kê của Vitas, trong vòng 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng trưởng đều qua các năm nhưng xuất khẩu càng cao thì nhập khẩu nguyên phụ liệu càng nhiều. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu dệt may hơn 27,02 tỉ USD nhưng phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào tới 16,5 tỉ USD. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành chỉ đạt khoảng 51,1%.

“Bán mồ hôi” lấy kim ngạch xuất khẩu! - 1

Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới tại Garmex Saigon Ảnh: Tấn Thạnh

Nếu xem chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu như đường parabol thì Mỹ, EU, Canada, Hàn Quốc nằm ở khâu cao nhất là thiết kế, marketing và phân phối. Ngay Trung Quốc hiện cũng lên mức cao trong chuỗi, có thể sản xuất trọn gói từ nguyên phụ liệu, sản xuất các máy móc thiết bị, tự thiết kế và thậm chí nhiều DN Việt Nam phải nhập máy móc từ thị trường này. “Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Brazil, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… cũng nằm trên Việt Nam trong chuỗi. Và chúng ta đang nằm ở đáy của chuỗi với khâu may, xuất khẩu. Nên điều quan trọng là DN phải nỗ lực vươn lên phần cao hơn trong chuỗi này” - bà Phương Dung phân tích.

Với ngành da giày, số liệu từ Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho thấy năm 2015, kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 14,95 tỉ USD nhưng cũng phần lớn thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 78,6% với 11,75 tỉ USD, thị phần của DN trong nước chỉ 21,4%. Thách thức lớn nhất, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, DN vừa và nhỏ sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong cuộc chơi này. Tỉ lệ nội địa hóa của ngành da giày bình quân 50% nhưng các chuỗi sản xuất lớn (các tập đoàn đa quốc gia, DN FDI) đã chiếm hơn 55% nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nên sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Ngược lại, nhiều DN nội địa vẫn đang loay hoay và mới đáp ứng hơn 40% yêu cầu về nguyên phụ liệu (quy định xuất xứ của TPP với ngành da giày là tỉ lệ nội địa hóa phải từ 55% trở lên).

Không còn lao động giá rẻ

Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may năm nay là 32,5 tỉ USD và tới năm 2020 có thể đạt 50 tỉ USD. Nhưng với nguồn lao động giá rẻ không còn, liệu ngành dệt may có thể mở rộng quy mô lên mức này? Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, tin tưởng kim ngạch dệt may có thể đạt tới 60 tỉ USD trong vòng 4-5 năm nữa nhưng lại nhấn mạnh ngành không còn lợi thế giá rẻ từ lâu. “Nói dệt may cạnh tranh bằng giá rẻ là sai lầm. Như Vinatex đang cạnh tranh bằng 3 trụ cột chính, dựa trên chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may cung cấp tại chỗ, quản trị hiện đại... Chẳng hạn, Việt Tiến có nhà máy sản xuất hàng cho Nike và mọi khâu khi nguyên liệu ở cảng được nhập về kho, cắt may rồi đóng gói ra sản phẩm thì văn phòng của Nike ở nước ngoài đều nắm được quy trình. Do đó, ngành dệt may sẽ cạnh tranh được khi hội nhập” - ông Giang tin tưởng.

Ông Giang cũng cho rằng không nên phân biệt FDI hay trong nước mà quan trọng là lợi ích đem lại cho Việt Nam. Những lĩnh vực dệt - nhuộm, DN nội địa chưa làm được nên để FDI tham gia rồi lan tỏa và hỗ trợ các ngành phụ trợ khác phát triển…

Trong khi đó, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho rằng chỉ riêng năm ngoái, hơn 2,5 tỉ USD vốn ngoại đã đổ vào ngành dệt may, trong các khâu dệt, nhuộm và cả xây dựng các dự án khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may (cạnh tranh trực tiếp với DN nội địa). Ai sẽ hưởng lợi từ TPP khi thuế suất về 0%, liệu có phải chủ yếu là FDI?

“Dệt may được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất khi vào TPP nhưng ngược lại, Việt Nam cũng phải đánh đổi lợi ích của rất nhiều ngành khác. Vậy có nên đánh đổi lợi ích để rồi phía hưởng lợi lại không phải DN nội địa? Dù tôi làm cho Hiệp hội DN FDI nhưng không ủng hộ việc quá nhiều nhà đầu tư FDI trong ngành dệt may đầu tư vào, kể cả vào khâu may vốn DN nội địa hoàn toàn làm được” - GS Nguyễn Mại phân tích.

Nhà nước không can thiệp

Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể như vốn lãi suất thấp, ưu đãi về thuế… để DN trong nước có thể hội nhập. Nhưng ông Lương Hoàng Thái, Phó trưởng đoàn đàm phán TPP, khẳng định với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhà nước chỉ tạo ra môi trường thông thoáng để DN hoạt động, còn thực tế thị trường sẽ quyết định mô hình kinh doanh. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động trực tiếp của DN.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN