Áp lực tăng giá điện rất lớn

Áp lực tăng giá điện trong năm nay rất lớn, đặc biệt khi EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đặt mục tiêu phải tiếp tục sản xuất kinh doanh điện có lãi…

Tiêu hao năng lượng quá “khủng”

Năm 2014, tỷ suất lợi nhuận của EVN đạt rất thấp, lãi sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 300 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bằng 0,2%. Đây là thông báo chính thức của ông Dương Quang Thành-Phó Tổng Giám đốc EVN tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014 và phương hướng hoạt động năm 2015 của EVN hôm 13.1.

Áp lực tăng giá điện rất lớn - 1

Kiểm tra công tơ điện tại xã Tân Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội).   Đàm Duy

Ông Thành cho biết, năm 2014 giá than bán cho điện đã tăng lên 2 lần, giá khí trên bao tiêu cũng bị điều chỉnh theo giá thị trường, thuế tài nguyên nước tăng gấp đôi lên 4%, bổ sung phí môi trường rừng… tất cả đều chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành. Đây sẽ là những yếu tố tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh của tập đoàn không chỉ năm 2014 mà cả trong năm 2015 khi EVN đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, cân bằng tài chính.

Năm 2014, giá điện đã không tăng do các nhà máy thủy điện đạt hiệu quả cao về công suất và sản lượng, với trên 60 tỷ kWh, giảm được lượng điện từ các nguồn có giá thành cao, trong đó điện phát dầu chỉ huy động bằng 38% kế hoạch.

Ông Dương Quang Thành cũng cho biết, năm 2014, giá bán điện bình quân toàn EVN đã đạt 1.529 đồng/kWh, tăng 30 đồng/kWh so với năm 2013. Doanh thu bán điện toàn tập đoàn ước đạt 196,37 tỷ đồng, tăng 13,57% so với năm 2013.

Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng thông báo, năm 2014, EVN đã đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, có dự phòng. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng điện thì không đạt được. “Điện sử dụng ở Việt Nam còn quá lãng phí, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng... Lượng điện thương phẩm (điện tiêu dùng trong nước) năm 2014 vẫn tăng tới 12,3%, trong khi GDP chỉ tăng có 5,9%, tức là tiêu hao năng lượng của ta vẫn quá “khủng”- cứ hơn 2kWh điện mới tạo ra được 1% GDP tăng trưởng, trong khi mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 phải đạt hơn 1 kWh điện tạo 1% GDP”- người đứng đầu ngành điện nói.

Cân nhắc thời điểm tăng giá

Theo ông Thanh, áp lực lớn nhất của năm 2015 là EVN phải giải quyết cơ bản các khoản lỗ, cân bằng tài chính. Nhưng các khoản như lỗ tỷ giá vẫn còn treo 8.800 tỷ đồng, cộng với các chi phí phát sinh từ việc tăng giá than 2 lần, khí, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… đến hết năm 2014 gộp lại đã lên tới gần 17.000 tỷ đồng phải tính vào giá điện.

“Thách thức rất lớn và trong khi Chính phủ còn cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện thì EVN đã chọn chủ đề “năng suất và hiệu quả”, thể hiện quyết tâm tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí cho năm 2015”- ông Thanh chia sẻ.

EVN đã yêu cầu các đơn vị chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm chi phí giá thành, tăng doanh thu. Cụ thể là giảm thiểu chi phí phát điện và mua điện; quản lý chặt việc áp giá bán điện; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành trong đầu tư xây dựng…

Lãnh đạo tập đoàn này đã kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điện, thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí trả tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện… Nếu các chi phí này được bổ sung, giá thành điện trong năm 2015 chắc chắn tăng lên và giá điện phải điều chỉnh là khó.

   Đề xuất xin giá điện của EVN có thể được chấp thuận trong quý II/2015, vì đây là thời điểm Vinacomin (Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam) dự tính tăng giá than bán cho các đơn vị sản xuất điện thêm khoảng 10-12%.                                                                           

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN