Anh rời EU: Thương mại Việt lại thêm rào cản

Nước Anh “tạm biệt” EU khiến cho Việt Nam vướng thêm rào cản trong hoạt động xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 27-6, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, nhấn mạnh dù còn cần đến 2 năm để nước Anh hoàn tất lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - nhưng chắc chắn thương mại của Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực phải chịu nhiều áp lực nhất trước sự kiện này.

Ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy mỗi năm, nước Anh nhập khẩu lượng hàng hóa khoảng 700 tỉ bảng. Trong đó, Việt Nam đóng góp khoảng 5 tỉ bảng, tức là chiếm khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu của Anh. Ngược lại, nước Anh cũng chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy tỉ trọng không phải quá lớn nhưng về xếp hạng, Anh hiện đứng thứ 3 về tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào khối EU. Chưa kể, phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều là các mặt hàng chủ lực như thủy sản; nông sản; dệt may; da giày; gỗ; máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại... Đặc biệt, Anh là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và hiện là một trong số ít thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường lớn EU, ASEAN… sụt giảm. Do vậy, không thể nói sự kiện nước Anh “chia tay” EU sẽ không tác động lớn tới thương mại Việt Nam.

Anh rời EU: Thương mại Việt lại thêm rào cản - 1

Dệt may, ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có thể ảnh hưởng từ việc Anh rời EU Ảnh: TẤN THẠNH

Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu Đặng Hoàng Hải, khi chưa kết thúc đàm phán giữa EU với Anh về các điều kiện để hoàn tất thủ tục cho xứ sương mù rời khỏi liên minh thì sự kiện này tác động như thế nào đến các nền kinh tế trên thế giới vẫn là ẩn số. Có thể khi Anh rời EU sẽ vẫn duy trì mối liên kết như một liên minh hải quan, tức là vẫn giữ được việc thông quan bình thường, không có rào cản nào giữa Anh và các thị trường khác. Tuy nhiên, dù ở kịch bản lạc quan nhất thì thương mại của Việt Nam sẽ vẫn vướng thêm các rào cản mới.

“Việt Nam hiện đang duy trì 2 con đường xuất khẩu sang Anh nói riêng và các nước khối EU nói chung. Ở con đường thứ nhất, hàng hóa đi qua các cửa ngõ chính như Pháp, Hà Lan, Đức… rồi mới đến nước Anh để tiêu thụ. Nếu đi con đường này, khi Anh rời EU, hàng hóa muốn đến Anh sẽ phải thông quan lại một lần nữa. Ở con đường thứ hai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang Anh nhưng lại tiếp tục đi sang các nước khác trong khối EU để tiêu thụ. Ở đây cũng tương tự, hàng hóa phải thông quan lần nữa mới vào được EU” - ông Hải chỉ ra rào cản mới cho hoạt động thương mại của Việt Nam.

Do vậy, ông Hải khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tìm đường đưa hàng hóa sang thẳng nước Anh, tránh qua các nước trung chuyển để không tốn thêm chi phí. Cũng tương tự, những hợp đồng đã ký đưa hàng sang Anh để từ đó phân phối đi các nước khác cần tìm cách tiêu thụ ngay tại Anh để tránh mất thời gian, tiền bạc thông quan lần nữa.

Chậm nhịp hoàn tất FTA Việt Nam - EU

Một trong những điều cũng đáng tiếc nuối đối với Việt Nam khi nước Anh quyết tâm “dứt áo ra đi” là việc họ có thể mang theo tư tưởng “mở cửa” đi khỏi EU. Bởi lẽ, Anh là nước mang tư tưởng “mở cửa” rất mạnh mẽ, thậm chí có thể nói cởi mở nhất trong khối EU. “Rất nhiều điều khoản chúng ta mong muốn được mở cửa hơn trong EU đã nhận được sự ủng hộ của nước Anh. Nay Anh ra khỏi EU chắc chắn quan hệ thông thoáng hơn với EU của chúng ta sẽ gặp khó khăn” - ông Đặng Hoàng Hải nhận định.

Ở khía cạnh khác, Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU nhằm khuyến khích xuất khẩu từ các nước đang phát triển vào thị trường này thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu là một trong những thuận lợi lớn mà Việt Nam đang được hưởng. Tuy nhiên, GSP mới chỉ có chung của châu Âu mà chưa có riêng của nước Anh. Khi Anh bước chân ra khỏi EU khi chưa thiết lập được ngay mặt bằng pháp lý cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn. Trong đó, áp lực cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc là rất lớn.

Đáng lo ngại nhất là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU đang trong quá trình rà soát pháp lý và dự định ký kết vào năm sau chắc chắn sẽ bị chậm lại bởi EU sẽ ưu tiên hoàn tất thủ tục cho Anh rời khỏi châu Âu, trì hoãn phê duyệt hiệp định FTA với Việt Nam.

“Có 2 kịch bản về nội dung này. Khi rời EU, Anh không có trách nhiệm thực hiện ràng buộc cam kết của EU với các đối tác nhưng có thể nước Anh sẽ đàm phán riêng với Việt Nam, đồng thời ký riêng với Việt Nam một hiệp định dựa trên những nguyên tắc có tại FTA đã đàm phán rồi. Hoặc, Anh sẽ là một đối tác nữa trong hiệp định đã đàm phán trong trường hợp Anh thỏa thuận được với EU, khi đó, FTA với EU của chúng ta sẽ trở thành hiệp định 3 bên. Dù kịch bản nào cũng gây bất lợi cho chúng ta bởi sẽ mất thêm thời gian thỏa thuận, chờ đợi, làm chậm nhịp chúng ta đã dự kiến” - đại diện Bộ Công Thương chỉ ra.

TS LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương:

Lo tác động gián tiếp

Theo tôi, việc đánh giá Brexit tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam phải được tiến hành một cách thận trọng ở cả 2 khía cạnh trực tiếp và gián tiếp.

Tác động trực tiếp sẽ không lớn lắm vì xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 2,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Anh rời EU làm kinh tế Anh đảo lộn, thu nhập của người dân Anh sẽ giảm sút, đồng bảng Anh đã mất giá 10% cho nên giá các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh sẽ tăng và khả năng sức mua của thị trường này sẽ giảm. Xuất khẩu sang Anh có thể bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp (DN) có làm ăn với Anh cần tính toán khả năng này.

So với tác động trực tiếp, tác động gián tiếp đáng kể hơn. EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tình hình EU rối loạn, xuất khẩu sang EU có thể giảm sút theo diễn biến này. FTA Việt Nam - EU vừa chính thức ký kết cuối năm 2015, EU còn lại 27 nước thông qua hiệp định này và còn phải thương lượng xem Anh có tham gia hiệp định này không. Nếu họ không tham gia, Việt Nam và các nước còn lại sẽ tính toán ra sao? Thêm vào đó, sự rối loạn toàn cầu của thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng làm cho các nhà đầu tư chững lại, có sự chuẩn bị, tính toán kỹ hơn.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas):

Dệt may sẽ khó khăn hơn

EU là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Mấy năm nay, xuất khẩu sang thị trường này có phần chững lại, kim ngạch xuất khẩu sang EU 6 tháng đầu năm duy trì ở mức ổn định. Anh “ly dị” EU thời điểm này chắc chắn ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu dệt may sang EU và Anh, đặc biệt những DN xuất khẩu trực tiếp sang Anh sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Trước mắt, các DN xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã có đơn hàng đến quý III/2016 nhưng vẫn đang lo lắng, theo dõi tình hình. Đồng bảng Anh, euro mất giá, xuất khẩu sang thị trường này sẽ gặp khó và áp lực cạnh tranh về giá sẽ nhiều hơn. Mấy năm nay, xuất khẩu qua Anh đã giảm hiệu quả do khó đàm phán tăng giá; sắp tới, tỉ giá tăng, chi phí tăng… nếu tiếp tục giữ giá thì rất khó cho DN Việt.

Ông TRẦN VĂN LĨNH, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:

Thủy sản sang Anh có thể bị ép giá

Dân làm thủy sản xuất khẩu theo dõi rất sát sao sự kiện người dân Anh chọn rời EU. Về lý thuyết thì sự kiện trên chưa tác động đến giao thương do hợp đồng đã ký. Những quy định mới về thuế, hàng rào kỹ thuật nếu có cũng phải 2 năm nữa, khi Anh chính thức rời EU, mới có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế tác động của sự kiện này sẽ đến ngay với những hợp đồng mới do đồng bảng Anh mất giá so với USD. Điều này khiến cho giá thủy sản Việt Nam bán lẻ đến người tiêu dùng Anh cao hơn dù giá xuất khẩu không đổi nên nhà nhập khẩu sẽ có xu hướng “đè” giá mua từ Việt Nam. Theo ông Lĩnh, thị trường Anh chiếm từ 20%-30% tổng lượng thủy sản xuất sang EU với mặt hàng chủ lực là tôm và hàng chế biến sâu.

Về lâu dài, khi Anh rời EU có khả năng trở thành một “thị trường mới” mà Việt Nam phải mở cửa trở lại nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi đối thủ của tôm Việt Nam là Ấn Độ sẽ có lợi thế hơn do mối quan hệ truyền thống giữa Anh và Ấn Độ.

Th.Nhân - Ng.Ánh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN