Làm du lịch kiểu lạ đời!

Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng nhưng ngành du lịch chưa xây dựng được sản phẩm toàn diện, ngược lại có nhiều cách làm “nửa vời” khiến không bứt phá nổi

Hiện mỗi ngày, khu vực cảng Sài Gòn đón cả ngàn lượt khách quốc tế đến từ châu Âu, châu Mỹ và Úc cập cảng rồi đi tour xuyên Việt hoặc quanh TP HCM. Bất ngờ là một hệ thống nhà hàng, quán cà phê rộng khoảng 1 ha được đầu tư hàng chục tỉ đồng nằm ngay trong khu vực cảng chỉ lèo tèo vài khách ghé chân.

Tự làm khổ mình!

Một chuyên gia về du lịch tàu biển nhận xét: “Mỗi chuyến tàu biển 4-6 sao tối đa có khoảng 2.000 khách quốc tế nhưng nhà hàng không tận dụng được thật là lãng phí. Du khách đến trước cửa nhà, mình chỉ làm sao mời họ vô thôi, vậy mà…!”. Để cải thiện tình hình, ông chủ nhà hàng đã tính chuyện mời chuyên gia đến nghiên cứu, thay đổi cách quảng bá du lịch. Đây chỉ là một trong rất nhiều cách làm du lịch “nửa vời” khiến ngành du lịch không bứt phá nổi.

Năm 2014, ảnh hưởng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, du khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh. Đến tháng 10, khách Nga cũng “lao dốc” không phanh do kinh tế suy thoái, đồng rúp mất giá… Lúc này, ngành du lịch bắt đầu “lên ruột” và tìm cách tháo gỡ khó khăn. Lần đầu tiên chương trình kích cầu du lịch nội địa 2015 được triển khai sớm hơn mọi năm để doanh nghiệp (DN) có thời gian chuẩn bị. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng và miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập DN trong 3 tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015 nhằm hỗ trợ DN xây dựng chính sách kích cầu.

Làm du lịch kiểu lạ đời! - 1

Du khách Nga đến Nha Trang đang giảm mạnh Ảnh: KỲ NAM

Ngay đầu năm 2015, hàng ngàn du khách đến bằng đường biển xông đất TP HCM đã “toát mồ hôi” vì quy định mới của Cục Xuất nhập cảnh trong việc phải xin visa cho từng du khách và mỗi cá nhân phải làm đơn, dán ảnh 4x6, đóng 7 con dấu; lệ phí cũng tăng từ 5 USD lên 45 USD/người. Sau khi bị phản ứng, mức phí này được gỡ bỏ, áp dụng quy định cũ nhưng thủ tục dán ảnh, làm đơn vẫn giữ nguyên. “Mỗi khi tàu cập cảng, khoảng 2.000 du khách lên bờ, cán bộ hải quan phải mất một ngày chỉ để kẹp tờ đơn có hình ảnh của du khách vào trong hộ chiếu. Chúng ta “đẻ” ra những thủ tục không cần thiết, tự mình làm khổ mình” - ông Nguyễn Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng, nói.

Bào mòn lòng tin du khách

Một yếu tố đang bào mòn lòng tin, thiện cảm của du khách, nhất là khách quốc tế đến Việt Nam, chính là con người. Lãnh đạo một công ty du lịch cho rằng người Việt làm du lịch không giống ai. Lúc du khách đi thuyền trên sông Hương, vịnh Hạ Long, người chèo đò thường dùng “chiêu” cho thuyền đi thật chậm rồi bày hàng rong ra mời. “Họ còn đặt hàng hóa lên cả… đùi của du khách để ép mua, không mua thì tỏ ra khó chịu hoặc cho thuyền dừng lại giữa dòng. Lúc lên bờ, du khách đi xích lô, xe ôm lại bị người lái “xòe tay xin tiền” đến khi được mới thôi. Trong khi các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan không hề có tình trạng này!” - vị này bức xúc.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, yếu tố giúp Tân Hồng giữ được lượng khách quốc tế đến bằng đường thủy mấy năm qua là nhờ DN luôn nỗ lực tìm ý tưởng cho tour mới. Sau khi tàu cập cảng Sài Gòn, Công ty Tân Hồng thường thiết kế tour riêng cho du khách như đi thuyền về rừng phòng hộ Cần Giờ, khám phá nông nghiệp ở Vũng Tàu, tham quan rừng cao su ở Đồng Nai… Với khách cao cấp, nhu cầu khám phá các tour liên quan đến văn hóa rất quan trọng; chẳng hạn tour học nấu ăn, đến làng họa sĩ xem vẽ tranh, xem biểu diễn nghệ thuật bằng đàn tranh, đàn bầu… Mới đây, “À ố show” tại Nhà hát TP HCM là chương trình nghệ thuật độc đáo được du khách quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Ban đầu tổ chức mỗi tháng/lần, sau tăng lên 1 tuần/lần nhưng vẫn thu hút được khá đông khách nước ngoài. “Rất tiếc, những chương trình nghệ thuật biểu diễn thường xuyên trên sân khấu như vậy không nhiều, chủ yếu là DN tự đi thuê nguyên đoàn về diễn cho du khách xem” - ông Xuân Anh nói.

Tự thân vận động

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, với du khách nước ngoài phải quảng bá từ 6 tháng đến 1 năm để họ lên kế hoạch và chuẩn bị, còn khách trong nước phải mất 3 tháng nhưng thường chỉ vài tháng đầu, DN thấy chương trình quảng bá không hiệu quả là ngưng. Chưa kể thiếu sự phối hợp giữa các ngành, vai trò quản lý còn mờ nhạt nên nhiều DN phải bỏ cuộc giữa chừng.

Riêng với du lịch nội địa, xu hướng người dân tự đi du lịch rất nhiều, nhất là các tour gần, quen thuộc như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt… Dịp Tết vừa rồi, các công ty du lịch trong nước “ôm” phòng rất nhiều vì... ế. Chỉ những tour độc, lạ, hấp dẫn mới thu hút được khách. Giải pháp tốt nhất đối với DN lúc này là phải tự thân vận động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN