Giấy phế liệu: Hướng đi nào cho doanh nghiệp sản xuất?

Trong bối cảnh một số Doanh Nghiệp (DN) lợi dụng những kẽ hở trong khâu nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất, Văn phòng Chính phủ đã ban hành chính sách siết chặt quản lý phế liệu hơn. Vậy hướng đi vừa phục vụ sản xuất hiệu quả, vừa đảm bảo yếu tố môi trường có lẽ vẫn là một dấu hỏi lớn cần lời giải đáp.

Nhập khẩu phế liệu và chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”

Theo thống kê về phế liệu nhập khẩu, cả nước hiện có khoảng 300 DN ngành giấy với năng lực sản xuất đạt khoảng 200.000 tấn bột giấy mỗi năm, nhưng không có DN sản xuất bột thương phẩm lớn để cung cấp nguyên liệu sản xuất. Vì không chủ động được trong nguồn nguyên liệu, DN phải nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm. Năm 2017, cả nước đã nhập gần 1,5 triệu tấn giấy thu hồi các loại làm nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên trong thời gian qua, một số doanh nghiệp không đứng ra nhận hoặc “chối bỏ” do không xuất trình được giấy tờ hợp lệ cũng như không đáp ứng được các tiêu chuẩn kiểm tra gắt gao từ các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến tình trạng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng đã buộc chính phủ phải tăng cường thắt chặt công tác quản lý.

Giấy phế liệu: Hướng đi nào cho doanh nghiệp sản xuất? - 1

Việc một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý để nhập khẩu những (bỏ) chất thải nguy hại làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người dân và môi trường sống. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu tái chế mà chỉ nhập về bán lại hoặc nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về công nghệ sản xuất nhưng vẫn cố tình nhập khẩu.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn liên luỵ đến nhiều doanh nghiệp sản xuất uy tín, có nhu cầu phế liệu và đầy đủ năng lực xử lý môi trường. Số liệu thống kê mới nhất của các DN hội viên VPPA cho thấy, DN đã thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tiền lưu container, lưu kho. Tình hình sản xuất của các DN giấy trong và ngoài hiệp hội cũng giảm nhiều trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 8, sản xuất của ngành giấy giảm 2%, chủ yếu là giấy bao bì; giấy bao bì xuất khẩu cũng giảm 8%, chủ yếu do tình hình nhập khẩu phế liệu căng thẳng. Tính đến cuối tháng 8 năm 2018, số container bị tồn ở các cảng lên đến trên 1,500 container khiến các DN ngành này vừa không có nguyên liệu sản xuất vừa mất thêm hàng trăm tỉ đồng chi phí lưu kho và hệ quả là xuất khẩu giấy bao bì giảm 8%.

Không riêng ngành giấy mà ngành nhựa, thép, xi măng… cũng gặp không ít khó khăn trước quyết định này của Chính phủ. Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng phải lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Công nghiệp tái chế và môi trường: Liệu vẫn có thể “cơm lành canh ngọt”?

Theo ông Đặng Văn Sơn - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bao bì VN (VPPA), sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Thế giới từ lâu đã công nhận tái chế giấy (sử dụng các loại giấy đã dùng, bao gồm giấy loại hoặc bìa loại thu hồi để tái chế thành các sản phẩm giấy như giấy tiêu dùng và giấy bao bì) là hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và không coi giấy thu hồi là phế liệu. Các nước tiên tiến trên thế giới luôn khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nguồn phế liệu này để tái sản xuất nhằm giảm chi phí, giá thành, đồng thời bảo vệ môi trường, nhất là trong ngành giấy và nhựa.

Giấy phế liệu: Hướng đi nào cho doanh nghiệp sản xuất? - 2

Tính trung bình, sản xuất giấy từ bột tái chế giảm được 74% khí thải và 35% nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên. Trên thực tế, hiện tại các doanh nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu từ phế liệu giấy nhập khẩu. Tuy nhiên, việc xử lý đối với loại nguyên liệu này ở các doanh nghiệp cũng khác nhau. Nếu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc xử lý còn hạn chế do nhà xưởng và công nghệ không đảm bảo thì ngược lại, các doanh nghiệp FDI có khả năng xử lý nguồn nguyên liệu tốt hơn do kho tàng rộng đầy đủ, quy trình sản xuất hiện đại, công tác quản lý khoa học và chặt chẽ, khả năng xử lý môi trường trong quá trình sản xuất đều đáp ứng yêu cầu.

Có thể nói, lợi ích của nguồn nguyên liệu giấy tái chế là không thể phủ nhận tuy nhiên việc cân bằng lợi ích này và yếu tố môi trường là thách thức “dai dẳng" cho cả cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp. Quản lý với các tiêu chuẩn khắt khe, quy chuẩn hơn và doanh nghiệp có những biện pháp vận hành xử lý một cách khoa học có lẽ sẽ là lời giải đi đến tiếng nói chung cho trăn trở này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN