Văn hóa ở đội tuyển
Tham gia đội tuyển là một vinh dự nhưng bản thân vận động viên cần được trân trọng bắt đầu từ lời mời tham gia đội tuyển.
Trong khi tổ chức thể thao, liên đoàn ở các quốc gia gửi thư đến từng tuyển thủ và chỉ dùng từ “MỜI” thì ở ta vẫn có thói quen dùng từ “TRIỆU TẬP” lên đội tuyển. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, người có quan hệ rất tốt với các tổ chức thể thao của Đức là TS Vũ Công Lập đã nói thẳng: “Tôi đã được xem cái thư mời vận động viên (VĐV) của họ và rõ ràng là họ rất trân trọng. Nói thật là tôi đọc xong dù thấy không phải là mời tôi nhưng vẫn có được cảm giác tự hào và mình được trân trọng với lời mời đấy. Đó chính là vinh dự của người VĐV được mời tham gia đội tuyển quốc gia”.
Còn ở ta thì cái từ ‘TRIỆU TẬP” được hiểu là lệnh và là bắt buộc. Nó cũng không có thái độ cầu thị, trân trọng tài năng của VĐV. Từ cách nghĩ là lệnh và là bắt buộc đấy mà đã có nhiều người hiểu sai việc từ chối tham gia đội tuyển của VĐV và cứ hăm hăm đòi kỷ luật.
Lý Hoàng Nam rơi vào cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Ảnh: QUANG THẮNG
Thời gian qua, thể thao Việt Nam mệt mỏi với chuyện Lý Hoàng Nam không lên đội tuyển theo lệnh triệu tập. Ở đây có một vấn đề tế nhị mà mọi người hay nói nhau ở hậu trường hơn là trên mặt báo, đó là chuyện nhà đầu tư (Becamex - đơn vị bỏ tiền để Lý Hoàng Nam tập huấn, phát triển và có nhiều thành tích vang dội cho thể thao Việt Nam) với đơn vị được trao quyền quản lý quần vợt Việt Nam (Liên đoàn Quần vợt Việt Nam).
Cả hai đơn vị trên đang tranh nhau cái quyền của ai to hơn chứ rõ ràng là không ai vì quốc gia như mạo nhận cả.
Becamex lấy lý do tôi quản lý VĐV, đổ tiền đầu tư rất nhiều cho Nam nên VĐV này phải tuân theo chế độ, quy trình huấn luyện mà Becamex đã “book” lịch cho Nam. Phía Liên đoàn Quần vợt Việt Nam thì lấy lý do tôi quản lý VĐV và có quyền “triệu tập” VĐV lên đội tuyển và tỏ quyền hành: Ai không tuân thủ thì sẽ bị kỷ luật…
Có một điều là đơn vị nào cũng thể hiện điều đấy với báo chí và cũng có vẻ như mỗi đơn vị có những kênh riêng để thể hiện. Thế là chuyện cứ ầm ĩ bởi chẳng ai chịu ai.
Ở đây, duy nhất có một đơn vị cần lên tiếng nhất theo kiểu ở trên gõ xuống hoặc thực hiện phần hòa giải vì lợi ích chung là Tổng cục TDTT thì đơn vị này lại chưa thấy lên tiếng. Có vẻ như Tổng cục cứ muốn để sự việc lên cao rồi khi các bên cần Tổng cục can thiệp thì Tổng cục mới ra tay theo đúng nghĩa một trọng tài chỉ tham gia khi có “đấu đá” (!?).
Hơn nữa, hơn ai hết chính Tổng cục thừa hiểu rằng vấn đề chính của chuyện Hoàng Nam là những va đập của hai đơn vị trên không phục nhau về cách làm và thể hiện quyền hành.
Lâu nay, văn hóa ở đội tuyển vẫn luôn là vấn đề chưa được cầu thị vừa chưa có sự tôn trọng VĐV, tôn trọng đơn vị chủ quản thực sự nên mới thường xuyên xảy ra chuyện bắt bẻ nhau và nắn gân nhau.