Pete Sampras & câu chuyện cải lão hoàn đồng

Sampras có thể chẳng giành Grand Slam thứ 14 tại US Open 2002 khi đã 31 tuổi.

Tennis cũng như cuộc đời, có khởi đầu, đỉnh cao và xế chiều, không tay vợt nào không trải qua những thời khắc ấy. Sự nghiệp của Pete Sampras đã có lúc tưởng như rơi xuống vực thẳm sau khi nhận những kết quả tồi tệ trong hai năm cuối sự nghiệp. Sau khi trở thành “Vua sân cỏ” (và mãi sau này mới có Roger Federer sánh ngang) với 7 chức vô địch trong vòng 8 năm trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến 2000, Sampras bắt đầu tuột dốc khi mới 29 tuổi, độ tuổi mà thực tế cũng chưa phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một tay vợt.

Pete Sampras & câu chuyện cải lão hoàn đồng - 1

Sampras trong thất bại lịch sử tại Wimbledon 2002

Ngay cả khi Sampras vẫn đi tới hai trận chung kết US Open liên tiếp vào năm 2000 và 2001, rồi thất bại trước Marat Safin và Lleyton Hewitt, những tay vợt trẻ mới nổi và đều trở thành số 1 thế giới sau này,  thì người ta cũng không tin anh trở lại. Sampras thua cả những đối thủ tầm thường ở Australian Open (vòng 4 năm 2001 và 2002, Roland Garros (vòng 2 năm 2001 và vòng 1 năm 2002) và đỉnh điểm là tại Wimbledon, nơi Sampras trở thành huyền thoại, tại vòng 4 năm 2001 trước chính Federer và vòng 2 năm 2002, thất bại lịch sử trước tay vợt vô danh George Bastl – người mà ít ai biết là đồng hương của Federer.

Khoảnh khắc thất bại của Sampras tại Wimbledon 2002

Đó chỉ là hệ quả của một giai đoạn sa sút trầm trọng của Sampras, sau những thất bại liên tiếp ở những giải đấu, đến mức hãng đồ thể thao khổng lồ Nike còn chối bỏ cả cái tên huyền thoại của quần vợt thế giới và Sampars thậm chí phải thi đấu ở Australian Open 2001 với một chiếc áo trắng tinh không có logo của nhà tài trợ. Từ một tên tuổi mang cho Nike hàng trăm triệu USD doanh thu đồ thi đấu, Sampras cũng bị coi là hết thời khi anh thất bại.

Hơn hai năm trời kể từ Grand Slam thứ 13 tại Wimbledon 2000, Sampras không có thêm một Grand Slam nào và bất cứ ai cũng có thể nhận định: Thời của Sampras đã hết! Những đối thủ từng run rẩy trước Sampras đã không còn e ngại mỗi khi gặp anh, thậm chí họ còn tự tin có thể giành chiến thắng trước một tay vợt đã chậm chạp, nặng nề và dường như không còn sự khao khát. Tennis đầu thế kỷ 21 cũng thay đổi, mặt sân chậm hơn, lối chơi giàu thể lực và sự đa dạng hơn, chứ không chỉ “serve & volley” hay “chip & charge” như thời Sampras thống trị.

Pete Sampras & câu chuyện cải lão hoàn đồng - 2

Sampras tìm lại Annacone và hồi sinh lần cuối cùng ở US Open 2002

Khi đôi tay và đôi chân không còn nghe theo cái đầu, thì những suy nghĩ của Sampras cũng trở nên rối loạn. Tay vợt người Mỹ sa thải huấn luyện viên Paul Annacone cuối năm 2001 và sau này mới nhận ra đó là sai lầm lớn nhất của mình, để rồi lại tìm đến Annacone cầu xin sự giúp đỡ. Sampras cũng bỏ ngoài tai lời khuyên của huấn luyện viên người Tây Ban Nha Jose Higueras, bỏ cây vợt nhỏ 85 inch vuông sang cây vợt lớn hơn, mà sau này anh cũng hối hận vì chuyện đó.

Để thua George Bastl đánh bại sau 5 set (6–3, 6–2, 4–6, 3–6, 6–4) trên sân số 2 tại Wimbledon 2002, nơi mệnh danh là “Mồ chôn của những số 1”, lần đầu tiên Sampras đã nghĩ tới hai chữ: Giải nghệ. Sampras mất hai ngày chỉ nói chuyện với vợ của anh, Bridgette Wilson – Miss Teen nước Mỹ năm 1990, và đi tới quyết định, một lần nữa gọi điện thoại để hy vọng Paul Annacone tha thứ. Thật may mắn, vị huấn luyện viên kỳ tài ấy đã chấp nhận, hủy hợp đồng với Hiệp hội quần vợt Mỹ để trở lại bên cạnh Sampras.

Vấn đề không phải là đôi chân, đôi tay hay những kỹ chiến thuật, chỉ là cái đầu. Annacone giúp Sampras tin rằng anh vẫn là huyền thoại và chơi thứ tennis bản năng gốc với một cái đầu thoải mái, ngay cả khi anh tới US Open 2002 với những lời bàn tán về ngày Sampras gác vợt đã tới. Khi ấy Sampras chỉ là hạt giống số 17 khi dự giải Grand Slam cuối cùng trong mùa giải 2002 trên sân nhà.

Pete Sampras & câu chuyện cải lão hoàn đồng - 3

Sampras đăng quang tại US Open 2002 trước khi giải nghệ

Sampras trải qua hai vòng đầu tiên suôn sẻ, đánh bại Albert Portas của Tây Ban Nha ở vòng 1 (6-1, 6-4, 6-4) và Kristian Pless của Đan Mạch ở vòng 2 (6-3, 7-5, 6-4). Thử thách bắt đầu ở vòng 3 khi Sampras gặp tay vợt người Anh Greg Rusedski và phải mất 5 set kịch tính (7-6(7-4), 4-6, 7-6(7-3), 3-6, 6-4) mới có mặt ở vòng 4. Chiến thắng đó như mang lại niềm hứng khởi cho Sampras, để tay vợt từng 286 tuần giữ vị trí số 1 thế giới đánh bại người đàn em Tommy Haas người Đức đang là số 3 thế giới (7-5, 6-4, 6-7(5-7), 7-5), đồng hương Andy Roddick đang là số 11 thế giới ở tứ kết (6-3, 6-2, 6-4), tay vợt người Hà Lan Sjeng Schalken ở bán kết (7-6(8-6), 7-6(7-4), 6-2). Sampras bước vào trận chung kết US Open 2002 gặp kỳ phùng địch thủ Andre Agassi, người vẫn còn đang giữ vị trí thứ 6 thế giới. Đó là lần thứ 34 Sampras và Agassi đối đầu và như trong ngày còn đang thâu tóm thế giới, Sampras đánh bại Agassi trong 4 set (6-3, 6-4, 5-7, 6-4) để giành Grand Slam thứ 14 trong sự nghiệp, kỷ lục cho tới khi bị Federer soán ngôi.

Và Sampras chẳng thi đấu giải nào nữa và chờ cho tới trước thềm US Open 2003 mới tuyên bố giải nghệ. Sampras đã hồi sinh khi tất cả đã quên anh, và kết thúc sự nghiệp lẫy lừng của mình trên đỉnh cao, để tất cả phải nhớ tới cái tên Pete Sampras.

Sampras đánh bại Agassi trong trận đấu cuối cùng của sự nghiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Chân dung huyền thoại tennis Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN