Nhìn lại Asiad 2014: Lộ trình của thể thao Thái Lan
Kết thúc Asiad 17 Thái Lan đứng thứ sáu toàn đoàn với 12 HCV, 7 HCB, 28 HCĐ trong khi Việt Nam với 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ đứng thứ 21 châu Á.
Trong thành tích của đoàn thể thao Việt Nam, có nhiều môn thế mạnh của Thái Lan bị gãy như boxing (chỉ 1 HCV), cầu mây (không đạt chỉ tiêu 4 HCV) và điền kinh cũng thế… Vậy mà họ vẫn đứng đầu Đông Nam Á và vào tốp 6 châu Á một cách thuyết phục.
Vừa trở về sau Asiad, thể thao Thái Lan đã bắt tay ngay vào chiến dịch Olympic 2016 với thành phần chủ yếu là các VĐV trẻ được đầu tư trọng điểm.
Mục tiêu của thể thao Thái Lan ở Asiad 2014 là từ 15 đến 18 HCV cùng điểm nhấn trẻ hóa lực lượng nên chỉ đưa ra chỉ tiêu bấy nhiêu thôi.
Tuy nhiên, các giới chức thể thao Thái Lan lại nhìn nhận dù đưa ra chỉ tiêu 15 HCV mà chỉ đạt 12 HCV Asiad nhưng hầu hết đều rất vui vì nhìn thấy được sự tiến bộ vượt bậc của thế hệ VĐV trẻ Thái Lan được đầu tư tốt nay đã hái quả và cho thấy tiềm năng ở tương lai gần.
Thể thao Thái Lan đứng thứ sáu châu Á và là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á tại sân chơi khu vực này. Ảnh: CTV
Với Thái Lan bây giờ họ không tính đến “ao làng” SEA Games nữa mà chỉ xem đây là bước đệm cho những sân chơi lớn châu Á và thế giới. Ủy ban Olympic Thái Lan cũng không nặng nề chuyện đeo đuổi các môn “chế” ở SEA Games để đọ sức ở Đông Nam Á nữa mà chỉ tập trung cho sân chơi lớn với những môn trong hệ thống Olympic.
Một quan chức Thái Lan nói thẳng ra rằng: “Vị thế của chúng tôi ở Asiad đã nói lên tất cả và tôi cho rằng đó là thước đo chính xác nhất ở đấu trường khu vực khi nó thiết thực hơn sân chơi SEA Games cứ thay đổi xoành xoạch các môn thi đấu đôi khi rất vô nghĩa…”.
Cũng cần biết là tại Asiad 2014, quân số đoàn thể thao Thái Lan có đến một nửa là “lính mới”. Ở những môn thế mạnh Thái Lan rà soát lại ban huấn luyện để tiếp tục duy trì hay cần thay đổi.
Môn boxing được xem là một trong những môn chủ đạo của Thái Lan tại các kỳ Asiad nhưng lần này chỉ đoạt một HCV do đang thời kỳ trẻ hóa. Nhiều tay đấm trẻ làm quen với cọ xát quốc tế tại Asiad. Sau Asiad này nhiều đội boxing của Thái Lan sẽ được đưa sang Uzbekistan, Cuba và Mexico tập huấn dài hạn và tính đến cả sân chơi Olympic.
Cầu lông tiếp tục nhiều tay vợt trẻ được đưa sang Trung Quốc dự các giải vô địch quốc gia. Môn Taekwonko tiếp tục dùng HLV và chuyên gia Hàn Quốc. Tất cả môn mũi nhọn Thái Lan tăng cường cọ xát và tập huấn quốc tế để vượt qua vòng loại có mặt tại Olympic 2016.
Trong khi đó điền kinh của Thái Lan duy trì tham dự các giải quốc tế uy tín. Nữ HLV Tricia Robert mang hai dòng máu Thái - Mỹ từng một thời làm dậy sóng đường đua điền kinh Đông Nam Á đang làm HLV điền kinh Thái Lan ở nội dung 110 m rào nam, tiếp tục được tin dùng. HLV này sắp tới sẽ đưa tổ cự ly 110 m rào nam sang Mỹ tập huấn. Tại đó VĐV giỏi nhất Jamras Rittidet sẽ được tham dự các giải điền kinh thế giới để thực thi mục tiêu có mặt tại Olympic 2016.
Về bóng chuyền nữ Thái Lan cũng đang trẻ hóa lực lượng và tại Asiad 17 bóng chuyền nữ Thái Lan đoạt HCĐ. Thành phần này sẽ dự giải vô địch thế giới tại Ý để tiếp tục nuôi mục tiêu có thành tích tại Olympic 2016.
Thể thao Việt Nam vẫn ôm kiểu “đi tắt đón đầu” Thể thao Việt Nam thời kỳ khó khăn lấy điểm nhấn “đi tắt đón đầu” để chơi ở khu vực. Đó là những cuộc “dạm ngõ” với những “ông tổ” trong các làng võ châu Á để “kết bạn” và để săn huy chương. Điển hình là khi Trung Quốc muốn phát triển Wushu để đưa vào sân chơi Olympic thì võ ta kết thân để đón đầu và để chia huy chương. Taekwondo thì quan hệ thật chặt với Hàn Quốc đến độ có hạng cân Hàn Quốc “bỏ nhỏ” họ không đăng ký và ta thì nhét người của ta vào đấy rồi kiếm huy chương. Rất nhiều môn “lạ” cũng từng được đưa đi tập huấn để “đi tắt đón đầu” trong đó có Silat tầm sư Indonesia, Muay Thái học người Thái… và kết quả là thu hoạch tức thời. Tuy nhiên, thời gian trôi qua khi mục đích của các “tổ” đạt được, cùng việc “siết” lại chứ không phân phối huy chương kiểu đại trà nữa thì thể thao Việt Nam gặp khó không ít. Nói đấy là chiến lược của thể thao Việt Nam thì cũng đúng nhưng rõ ràng là kiểu chiến lược “đi tắt đón đầu” mà không có chiều sâu như thế thì rất nguy hiểm. Nhìn vào Asiad 2014 vừa kết thúc chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan thứ nhất, Malaysia nhì (thứ 14 Asiad với 5 HCV, 14 HCB và 14 HCĐ), Singapore ba (15 Asiad với 5 HCV, 6 HCB và 13 HCĐ), Indonesia tư (17 Asiad với 4 HCV, 5 HCB và 11 HCĐ), Myanmar năm (20 Asiad với 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ) rồi mới đến Việt Nam (thứ sáu Đông Nam Á, 21 Asiad với 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ) sẽ thấy được chỗ đứng của mình. NGUYỄN HUY |
|
|
|
|