Không phải ai cũng là Federer hay Nadal

Có hàng ngàn tay vợt trên thế giới hiện nay nhưng có bao nhiêu người được như Federer, Nadal, Djokovic hay Murray?

* Không chiến thắng, không tiền thưởng

Tuần này, chúng ta hãy tạm gác lại một bên câu chuyện về cú quả hay những cuộc ganh đua trên đỉnh cao thế giới. Tennis có thể sẽ không còn hấp dẫn nếu không có Federer, Nadal hay Djokovic, nhưng sẽ không còn tennis nữa nếu một mai đây không còn ai dám cho con cái cầm vợt nuôi giấc mơ chuyên nghiệp.

Dominika Cibulkova, tay vợt nữ nằm trong top 20 thế giới vừa ghé qua Việt Nam cùng với một số ngôi sao khác, thừa nhận rằng theo đuổi tennis rất tốn kém.

Không phải là câu chuyện mới. Tennis không thể tìm ra những nhà vô địch kiểu như bên bóng đá, là có những ngôi sao và nhà vô địch thế giới chẳng cần phải học bóng đá từ bé mà họ chỉ được phát hiện qua một trận bóng đá đường phố. Tennis cũng không thể có ngoại lệ là dù anh chỉ có một năng lực trung bình mà vẫn dễ dàng kiếm tiền triệu đô từ tiền ký hợp đồng và lương tháng.

Tennis ngày nay chứng kiến tình trạng khá phổ biến là nếu như một tay vợt không đủ sức lọt vào top 100 thế giới, có thể anh ta sẽ làm gia đình của mình khánh kiệt, và tới một lúc nào đó, anh ta sẽ phải quyết định từ bỏ sự nghiệp quần vợt chuyên nghiệp, hoặc đơn giản hơn là đi dạy bóng để kiếm tiền hàng ngày.

Không phải ai cũng là Federer hay Nadal - 1

Những tay vợt nằm ngoài top 10 như Stakhovsky luôn phải lo toan vật lộn với chuyện tài chính khi thi đấu tennis

Sergiy Stakhovsky, tay vợt người Ukraine, mới đây đã thốt lên rằng, sau này anh sẽ không cho con của mình theo đuổi quần vợt chuyên nghiệp dù cho nó có đam mê và năng khiếu. Anh cho rằng lâu nay người ta chỉ nhìn thế giới tennis qua lăng kính của Federer hay Nadal, những người kiếm hàng chục triệu USD mỗi năm, được trả tiền để đeo đồng hồ hiệu, chứ không chỉ là mặc quần áo và đi giầy của các hãng thời trang thể thao danh tiếng. Cuộc sống trên sân tennis của họ luôn có người nhặt bóng, có người căng dây cho họ. Còn với những người như Stakhovsky, họ phải tự xoay sở trong số tiền thưởng kiếm được mà hầu như không có tài trợ.

Stakhovsky nói nhiều tay vợt có thể bị "lỗ vốn", vì số tiền thưởng cho những vòng đấu đầu ở các giải đấu là rất thấp. Stakhovsky đã ngồi nhẩm tính lại sau khi anh tới Mỹ tham dự hai giải Masters 1000 là Indian Wells và Miami Masters trong năm nay, cho thấy tiền thưởng hơn năm ngàn USD mỗi giải không đủ để anh chi trả tiền vé máy bay, khách sạn, cho anh và vị HLV, sau khi anh còn phải nộp 38% thuế cho nước Mỹ.

Giở lại cuốn sổ chi tiêu năm 2011, Stakhovsky phải trả số tiền lên tới 170 ngàn Euro cho các dịch vụ khác nhau, trong khi anh chỉ kiếm được 428 ngàn Euro (trước khi phải nộp 30% thuế thu nhập). Tức là sau khi cộng trừ thì thu nhập cả năm của Stakhovsky, một người từng đứng hạng 31 thế giới, còn chưa bằng lương một tháng của một cầu thủ làng nhàng đang chơi bóng ở giải ngoại hạng Anh.

* Bài toán cho các gia đình Mỹ

Mỹ lâu nay vẫn được coi như là thiên đường của tennis, nơi mà những đứa trẻ (cũng như mọi người) có thể thấy quanh khu nhà mình có sân tennis công cộng mở cửa cho mọi người chơi tự do, có thể kiếm học bổng đại học chỉ cần dựa vào tài chơi tennis, hoặc nhận sự hỗ trợ về tài chính của Liên đoàn, và các học viện lừng danh nằm rải rác từ California tới Florida.

Nhưng người Mỹ cũng phải đặt câu hỏi giống như Stakhovsky là nếu như con họ sau này không thể trở thành một trong 10 người giỏi nhất thế giới, liệu tương lai của chúng có được đảm bảo?

Một thống kê trên diễn đàn cha mẹ có con chơi tennis cho thấy, chi phí của một tay vợt nếu tham dự khoảng 20 giải đấu mỗi năm, sẽ mất khoảng 40.000 USD cho chi phí di chuyển, 24.000 USD thuê HLV bán thời gian và có thể là gấp đôi, gấp ba nếu thuê HLV chuyên trách. Thêm chừng 20.000 USD cho y tế, chăm sóc thể lực, và khoảng 3.000 USD cho việc căng dây vợt, thay giày và quần áo. Nếu tính tới khoản tiền chừng 400.000 USD đã chi trả cho khoảng 15 năm tập luyện lúc trẻ nữa, trong khi mỗi năm chỉ kiếm được 150-200.000 USD, rõ ràng tennis không còn là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu mến nó và muốn sống bằng chính đam mê của mình.

Phải chăng, đó chính là lý do để Mỹ, một đất nước có số người chơi tennis lên tới 33 triệu người (khoảng 10% dân số), nhưng nửa thập kỷ qua vẫn chưa tìm được một tài năng tầm cỡ, và những gương mặt trẻ đếm đi đếm lại chỉ có Ryan Harrison, Donald Young hay Jack Sock.

* Khi tennis nam nước Nga khủng hoảng

Khi Davydenko sa sút phong độ sau những chấn thương liên tiếp, Mikhail Youzhny bị đánh bật ra khỏi top 20 tay vợt hàng đầu, tennis nam của Nga đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người tiếp nối họ khi mà ở các giải Grand Slam trẻ không có tài năng trẻ nào đến từ Nga cho thấy họ đủ tiềm năng, hoặc có, nhưng sau lại bỏ đến những quốc gia hỗ trợ cho họ về tài chính.

Shamil Tarpishchev, Chủ tịch Liên đoàn tennis Nga nói rằng sự đắt đỏ trong đầu tư cho tennis và sự hạn chế về nguồn lực tài chính của nhà nước và Liên đoàn khiến cho 90% những đứa trẻ ở Nga phải bỏ cuộc sau khi chúng sang tuổi 14. Đó là lúc mà chi phí đào tạo theo tiêu chuẩn của Liên đoàn tennis Nga lên tới 50.000 USD/năm, và hai năm sau, chi phí đào tạo, tham gia thi đấu tăng lên gấp bốn lần, 200.000 USD/năm.

Xu hướng từ bỏ tennis thực ra đã xảy ra trong nhiều năm qua sau khi cha đẻ của tennis nước Nga, Boris Yeltsin qua đời năm 2007. Và kết cục là tennis Nga (từng giành tới chục chức vô địch ở các giải trẻ châu Âu trong mười năm qua) vừa chứng kiến đội tuyển quần vợt nam của họ bị đánh bật ra khỏi nhóm World Group (cấp độ cao nhất) ở Davis Cup.

Không phải ai cũng là Federer hay Nadal - 2

Australian Open 2013 đã phải tăng tiền thưởng để đảm bảo quyền lợi tài chính cho các tay vợt

* Phải thấy tương lai, mới có Federer

Australian Open vừa mới công bố sẽ tăng thêm 4,15 triệu USD tiền thưởng, đưa tổng số tiền thưởng cho các tay vợt tham dự giải đấu 2013 lên tới 31 triệu USD, trở thành giải đấu có số tiền thưởng lớn nhất thế giới qua mọi thời đại.

Nhưng Australian Open sẽ không dành riêng 4,15 triệu ấy để khích lệ Federer, Nadal hay Djokovic, những người đã là triệu phú tennis, mà được trông đợi sẽ được sử dụng để tăng thưởng cho các tay vợt ngay từ vòng ngoài.

Số tiền thường cho người thua ngay từ vòng 1 trong năm 2012 là khoảng 22.000 USD có thể được tăng lên gấp rưỡi và cũng có thể gấp đôi để các tay vợt kém may mắn, hoặc chỉ thua sút tài năng so với những ngôi sao lớn không phải kết thúc giấc mơ Grand Slam của mình với một khoản nợ, hoặc có dư ra một khoản tiền để tiếp tục tham dự các giải đấu khác.

Đây được coi là sự phản ứng tích cực trước những đe dọa của các tay vợt trong đó có cả những ngôi sao hàng đầu trong đó có Nadal, Djokovic, Murray nói rằng họ sẽ tẩy chay Australian Open nếu như giải đấu không chịu tăng thưởng cho các vòng đấu đầu tiên.

Đây cũng được xem là một tín hiệu tích cực cho tương lai của tennis. Mười lăm năm trước, gia đình nhà Federer đã chỉ đồng ý để anh được tiếp tục theo đuổi sự nghiệp tennis sau khi họ xem xét thấy khả năng thành công của anh về sau, và lúc đó tennis chưa phải là môn thể thao mà sự phân chia giàu nghèo được đẩy tới mức tiền thưởng của chục tay vợt hàng đầu nhiều gấp hàng chục lần so với 990 tay vợt còn lại cũng đứng trong top 1000 thế giới.

Tức là tương lai của tennis thế giới được đảm bảo rằng sẽ không xảy ra chuyện thiếu vắng những ngôi sao chỉ vì người ta e sợ các tay vợt không sống nổi được bằng nghề.

Các tay vợt đấu tranh chống lại các nhà tổ chức giải, với ITF (Liên đoàn quần vợt thế giới) vì hiện nay số tiền thưởng cho các tay vợt chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu của giải đấu: khoảng 20%. Với US Open, tỉ lệ ấy còn nhỏ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 10% so với tổng doanh thu của giải lên tới 210 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN