Khi SEA Games không còn là ưu tiên

Dù các thành viên Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á được đề xuất các môn trong chương trình thi đấu của SEA Games nhưng quyền quyết định phụ thuộc phần lớn vào nước chủ nhà. Khả năng thành công trong đề xuất bổ sung các môn thi đấu tại SEA Games 33 của thể thao Việt Nam cũng không cao. Cho nên, thể thao Việt Nam vẫn sẽ phải hướng đến việc giữ thành tích ổn định ở ASIAD hay Olympic.

Dự báo hụt gần 40 HCV so với kỳ SEA Games trước

Mới đây, Ủy ban Olympic Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi tới Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á về đề xuất của thể thao Việt Nam đối với chương trình thi đấu của SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan. Theo đó, thể thao Việt Nam đề xuất đưa vào thi đấu thêm các môn gồm: vovinam, karate, jujitsu, wushu, sambo.

Trong số này, vovinam từng có hai lần xuất hiện liên tiếp tại SEA Games 31 và 32. Việc môn võ của Việt Nam xuất hiện đều đặn ở SEA Games sẽ có tác động đáng kể đến việc lan tỏa môn võ này đến các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Tại hai kỳ SEA Games vừa qua, sự xuất hiện trong chương trình thi đấu cũng mang đến những hiệu ứng đáng kể cho việc phát triển môn võ này ở cấp độ quốc tế.

Các vận động viên bắn cung như Đỗ Thị Ánh Nguyệt có cơ hội góp mặt ở SEA Games 33 khi môn này có trong chương trình thi đấu dự kiến.

Các vận động viên bắn cung như Đỗ Thị Ánh Nguyệt có cơ hội góp mặt ở SEA Games 33 khi môn này có trong chương trình thi đấu dự kiến.

Về mặt lý thuyết đương nhiên thể thao Việt Nam muốn vovinam xuất hiện càng nhiều càng tốt tại các kỳ SEA Games. Cho nên, việc đề xuất đưa vovinam vào chương trình thi đấu cũng là điều cần thiết phải thực hiện. Còn phía chủ nhà SEA Games đó có đồng ý với đề xuất đó hay không lại là vấn đề khác.

Trong khi đó, những môn như karate, jujitsu, wushu đã thường xuyên có mặt trong các chương trình thi đấu của ASIAD. Ở đấu trường này, thể thao Việt Nam chưa bao giờ được xem là áp đảo ở những môn trên. Còn ở đấu trường SEA Games, chỉ wushu, karate được xem là thế mạnh của thể thao Việt Nam. Còn sambo dù chưa có tên trong chương trình thi đấu của Olympic nhưng đã từng có mặt ở ASIAD 18 năm 2018 hay SEA Games 30 năm 2019 và đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Cho nên đề xuất của thể thao Việt Nam cũng nhằm giữ tối đa các môn trong chương trình thi đấu của ASIAD trong chương trình thi đấu của SEA Games, đồng thời phát triển những môn thể thao đang phát triển mạnh trên thế giới.

Trước đó, tại phiên họp gần nhất của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Ban tổ chức SEA Games 33 năm 2025 tại Thái Lan đã công bố danh sách sơ bộ những môn được chọn vào chương trình thi đấu gồm: bơi, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật, bơi marathon, điền kinh, bắn cung, cầu lông, bóng rổ (5x5, 3x3), canoeing, rowing, xe đạp, đua ngựa nghệ thuật, bóng ngựa (polo), đấu kiếm, bóng đá (nam, nữ), bóng đá trong nhà (futsal), golf, thể thao điện tử e-sports, muay, bóng lưới (netball), pencak silat, bi sắt, cầu mây, teqball (thi đấu bóng trên bàn cong bằng các bộ phận cơ thể, trừ tay), kickboxing, ném đĩa, tug of war (kéo co), thể dục dụng cụ, bóng ném, hockey, judo, bóng bầu dục 7 người, sailing (đua thuyền buồm), bắn súng, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, triathlon, bóng chuyền, vật, trượt băng, hockey trên băng, 5 môn hiện đại pentathlon, bóng chày-bóng mềm, billiard&snooker, boxing, bóng sàn.

Nếu so với SEA Games 32, chương trình thi đấu sơ bộ trên có sự thay đổi đáng kể khi không có hàng loạt môn, trong đó có những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam như wushu, vovinam, karate, lặn, cử tạ… Ở SEA Games 32, Đoàn thể thao Việt Nam đã giành tới 136 HCV để giành ngôi Nhất toàn đoàn. Đó cũng là lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành ngôi Nhất toàn đoàn ở SEA Games khi SEA Games được tổ chức ngoài Việt Nam. Trong thành tích ấy, các đội tuyển wushu, vovinam, karate, lặn, cử tạ đóng góp hơn gần 40 HCV. Nếu chỉ tính toán đơn thuần, Đoàn Thể thao Việt Nam có khả năng hụt gần 40 HCV so với kỳ SEA Games trước và có thể thấy rõ cơ hội ít ỏi trong việc bảo vệ ngôi Nhất toàn đoàn.

Tuy nhiên, đây lại là điều bình thường trong làng thể thao Đông Nam Á khi chương trình thi đấu luôn không ổn định, dẫn đến việc chủ nhân ngôi Nhất toàn đoàn ở các kỳ SEA Games cũng dễ dàng thay đổi.

Theo Cục trưởng Cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt, dự kiến tháng 12 năm nay, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tiếp tục thực hiện phiên họp về SEA Games 33 và đây là thời điểm sẽ quyết định số môn thi đấu ở kỳ SEA Games này.

Vẫn phải tập trung vào ASIAD, Olympic

Vấn đề là dù các thành viên Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á được đề xuất các môn trong chương trình thi đấu của SEA Games nhưng quyền quyết định phụ thuộc phần lớn vào nước chủ nhà. Khả năng thành công trong đề xuất bổ sung các môn thi đấu tại SEA Games 33 của thể thao Việt Nam cũng không cao. Cho nên, thể thao Việt Nam vẫn sẽ phải hướng đến việc giữ thành tích ổn định ở ASIAD hay Olympic.

Thể thao Việt Nam đã và đang chứng kiến sự thật là có thể giành ngôi Nhất toàn đoàn ở SEA Games nhưng lại thua kém về số huy chương giành được ở ASIAD, số VĐV giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024 so với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Đến cuối tháng 6, VĐV Việt Nam đã giành 14 vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Trong khi đó, thể thao Thái Lan đã giành 47 suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Các nước khác ở Đông Nam Á có số vé chính thức dự Olympic Paris 2024 nhiều hơn thể thao Việt Nam gồm: Indonesia (27 vé), Malaysia, Singapore (22 vé), Philippines (20 vé).

Tất cả để thấy chức vô địch SEA Games không hẳn đã phản ánh đúng thực lực của một nền thể thao ở đấu trường Olympic, được xem là nơi đánh giá chính xác nhất sự phát triển của một nền thể thao. Mới giành ngôi Nhất toàn đoàn ở SEA Games 32 nhưng đến lúc này, trong 14 vé chính thức của thể thao Việt Nam, cũng không có chủ nhân vé nào đủ khả năng giành huy chương Olympic tới. Thế nên, lãnh đạo ngành Thể thao luôn thận trọng khi đề cập về mục tiêu giành huy chương của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris 2024.

Gần đây nhất, trong chia sẻ của mình, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cũng nói thêm là ngành Thể thao đang chuẩn bị chuyên môn tốt nhất cho VĐV để thi đấu Olympic Paris 2024 chứ không quá đặt áp lực giành huy chương lên từng tuyển thủ. Còn việc có đoạt huy chương hay không thì phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt sự cạnh tranh ở đây ngày càng lớn.

Cho nên khi chương trình thi đấu ở SEA Games có thay đổi đến mấy thì cũng không thể lớn hơn mục tiêu giành huy chương ở ASIAD, giành vé tham dự và giành huy chương ở Olympic trong tương lai. Kể cả với những môn trong chương trình thi đấu của Olympic hoặc ASIAD không có tên trong kỳ SEA Games tới (như trong danh sách sơ bộ của SEA Games 33 không có tên cử tạ, karate, jujitsu, wushu) thì vẫn cần sự đầu tư xuyên suốt, thay vì cầm chừng do không có tên trong chương trình thi đấu SEA Games, cho những môn này để hướng đến mục tiêu cao hơn.

Sambo có bước phát triển mới ở Việt Nam

Câu chuyện phát triển môn võ sambo đã được nhắc đến tại Việt Nam từ những năm 2005-2006. Nhưng phải đến gần đây mới có đường hướng cụ thể phát triển môn võ này. Tháng 5 vừa qua, giải vô địch các câu lạc bộ sambo toàn quốc lần đầu tiên đã được tổ chức tại Nam Định với sự tham dự của hơn 170 võ sĩ đến từ 17 đơn vị. (Minh Khuê)

Nguồn: [Link nguồn]

(PLO)-Chủ nhà SEA Games 2025, Thái Lan vừa công bố 40 môn thi đấu, loại cử tạ, Wushu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN