Daniil Medvedev: Nhà vô địch Grand Slam của tương lai?
Tay vợt 23 tuổi người Nga liệu có thể góp phần khép lại một giai đoạn của Big 3 và trở thành nhà vô địch Grand Slam trong tương lai?
Video Medvedev đánh bại Zverev để vô địch Thượng Hải Masters:
Medvedev đang làm nên một giai đoạn không tưởng của riêng mình và cả thế giới tennis: Vào tới chung kết 6 giải liên tiếp và vô địch 3, trong số đó có 2 Masters 1000 gần nhất là Cincy và Thượng Hải.
Chỉ riêng việc vào tới chung kết của 4 giải Rogers Cup, Cincy Masters, City Open và US Open đã giúp Medvedev có một dấu ấn cho lịch sử: Tay vợt đầu tiên làm được điều đó sau Ivan Lendl và Adrea Agassi.
Medvedev sau khi vô địch Thượng Hải Masters
Những thành tích này đầu tiên là đưa Medvedev đứng đầu US Open Series (loạt sân cứng Bắc Mĩ trước thềm US Open), và trở thành tay vợt thành công nhất của mùa giải sân cứng năm nay.
Như thường lệ, các câu hỏi mà những tay vợt khác đã không thể trả lời lại được đưa ra cho Medvedev:
Anh có thể sớm phá vớ sự thống trị của Big 3? Sẽ vô địch Grand Slam? Và sẽ là số 1 thế giới sau khi thời đại của Federer, Nadal và Djokovic kết thúc?
Những câu hỏi này được đặt ra từ 2011, khi Federer bắt đầu bước sang tuổi 30, rồi Nadal và Djokovic thi thoảng không duy trì được sự áp đảo và có những chấn thương ngáng trở.
Sự hình thành của những tay vợt tài năng đơn lẻ cho tới một tập hợp các tay vợt xuất hiện gần như đồng thời và có độ tuổi tương đương được gọi là Next Gen, hay Thế hệ Tương lai.
Sự tìm kiếm gần 10 năm qua bắt đầu với Grigor Dmitrov, sinh năm 1981 mệnh danh là "Tiểu Federer", với Raonic cao lớn và giao bóng sấm sét, rồi Jary Janowicz, Dominic Thiem, và tiếp nối với nhóm của một thế hệ được gọi là Next Gen với những Zverev, Borna Coric, Khachanov, Kyrgios, Rublev, Tsitsipas, Shapovalov, Chung Hyeon…
Nhưng tất cả đều chưa thể trả lời dù chỉ 1 trong 3 câu hỏi. Những người vô địch Grand Slam trong giai đoạn nói trên không thuộc thế hệ trẻ mà kỳ cựu như Wawrinka, hoặc như một cơ duyên đúng lúc các tên tuổi lớn bị chấn thương hay mất phong độ như Marin Cilic.
Từ bài diễn văn soạn sẵn ở Chung kết US Open
Khi khái niệm Next Gen ra đời năm 2017 cùng với một giải đấu quy tụ 8 tay vợt trẻ xuất sắc nhất, Medvedev mờ nhạt nhất. Chỉ đứng thứ 8 trong cuộc đua giành điểm, và sau đó được đôn lên vị trí số 7 nhờ Zverev đã đủ điểm để chơi ở ATP World Tour Finals.
Những danh hiệu của Medvedev ở Sydney hay Tokyo trong năm đó hay năm tiếp theo là ấn tượng với cá nhân anh nhưng không đáng kể như cái cách Zverev đã có 6 danh hiệu ATP trong đó có 2 Masters 1000; như Coric nâng cúp ở Halle sau khi đánh bại Federer; như Chung Hyeon vào tới bán kết Australian Open trong đó có chiến thắng ấn tượng trước Djokovic; như Khachanov quật đổ Djokovic ở chung kết Paris Masters….
Medvedev, vì phong cách thi đấu và vì vẻ bề ngoài của mình thậm chí chả gợi cho ai bất cứ tiềm năng thách thức và trở thành tâm điểm của thế giới tennis ngay cả khi vào tới 2 trận chung kết Masters liên tiếp. Thua Nadal trong trận chung kết Rogers Cup mà chỉ giành được đúng 1 game (0-6 1-6), và sau đó thắng Goffin ở chung kết Cincy Masters (giải đấu gần đây hay vắng mặt cả những tay vợt lớn).
Medvedev chỉ thực sự buộc thế giới phải thay đổi khi đánh giá về anh từ cái thời điểm anh đã soạn sẵn trong đầu mình một bài “diễn văn” để nói với công chúng khán giả trận chung kết US Open sau khi thua 2 set đầu và thất thế trong set thứ ba trước Nadal.
“Tôi đã nghĩ là mình sẽ thua nhanh chóng. Tôi đã nghĩ đến những lời mình chuẩn bị nói ngay sau đây, sẽ cảm ơn ai, sẽ xin lỗi khán giả thế nào, sẽ dành những lời gì cho Nadal”.
Nhưng một vài cơ hội bỏ lỡ của Nadal như một sự khai mở cho Medvedev, đã cho phép tay vợt 23 tuổi người Nga bộc lộ phẩm chất đặc biệt của mình như là niềm hy vọng lớn lao nhất của thế giới tennis có thể giải đáp mọi sự chờ đợi.
Tay vợt người Nga luôn có những cú đánh khó lường
Sự lạnh lùng của một tay vợt lớn
Khi Medvedev bước vào trận chung kết Thượng Hải Masters với Zverev, đó là cuộc đối đầu không chỉ phân định giữa 2 tay vợt thuộc thế hệ tương lai.
Zverev thực tế đã từng chiến thắng cả 4 trận đấu trước đó khi hai tay vợt đối mặt. Không có ai trên Tour áp đảo được Medvedev như thế.
Medvedev thua nhiều như trước Federer mới chỉ 3 trận. Thua Nadal ở US Open mới là lần thứ hai. Thua Pouille 4 lần nhưng cuối cùng cũng đã thắng ở Queens năm nay.
Medvedev thực sự ám ảnh với những con số, tới mức có thể lấy nó ra để tấn công đối thủ. “Tsitsipas đứng thứ 6 thế giới, nhưng tôi thắng anh ta 4 lần”, Medvedev khiến cho đối thủ người Hy Lạp căm ghét anh chỉ sau một tuyên bố.
Có thể hiểu trạng thái tâm lý nếu Medvedev lại thua Zverev một lần nữa, nhất là khi Zverev cũng đã có chặng đường tiến vào chung kết ấn tượng với việc loại Federer sau 3 set ở tứ kết, thực hiện tới 64 cú ace trong 4 trận.
Nhưng Medvedev cho thấy sự lạnh lùng cần thiết trong một trận chung kết lớn, bẻ game đối thủ ngay từ sớm ở cả 2 set, chủ động ôm sân hơn ở những loạt đôi công, và càng chơi càng hay.
Có thể Zverev một lần nữa có vấn đề về tâm lý, như cái cách mắc 2 lỗi kép khi cầm game quyết định. Nhưng Medvedev ở giải này, luôn chiến thắng trong những điểm số hoặc thời khắc quan trọng (thắng cả 3 loạt tiebreak trước Pospisil, Fognini và Tsitsipas).
6-4 và 6-1 thực sự phản ánh sự thuyết phục mà Medvedev tạo ra. Zverev có cảm giác như mình vừa đối đầu với ai đó trong Big 3 trong trận chung kết Grand Slam vậy.
Có được bản lĩnh ấy cho tới lúc này là một bất ngờ, vì Medvedev cách nay 2 năm còn là người dễ đánh mất khả năng kiểm soát tâm lý, từng ném đồng xu vào trọng tài, từng quay ra cãi nhau với khán giả.
Việc có một chuyên gia tâm lý riêng đi cùng, Francisca Dauzet, một người chịu sự ảnh hưởng lớn bởi văn hóa phương Đông, ở những giải đấu gần đây có lẽ đã có ảnh hưởng nhất định.
Medvedev hứa hẹn sẽ thống trị tennis tương lai
Một tay vợt đang hoàn thiện
Sự thành công và bản sắc của Big 3 đã tạo nên một tầm ảnh hưởng lớn, khiến cho việc xem tennis đôi khi cũng có quy luật.
Sự toan tính của Djokovic thể hiện qua việc đập bóng thật nhiều trước khi giao bóng. Sự chỉn chu của Nadal qua việc phải thực hiện đủ mọi động tác (dù với nhiều người là thừa thãi) rồi mới tung bóng lên. Sự hoàn mĩ và đầy cảm hứng của Federer bắt đầu với vài lần đập bóng và nhún người bật lên.
Còn Medvedev? Chẳng có gì đặc biệt nếu không muốn nói như một sự bất cần, thậm chí chẳng thèm đặt bóng vào sát vợt, chỉ đập bóng vài lần rồi tung bóng và quật xuống thật mạnh nhờ chiều cao 1m98 đầy hiệu quả.
Medvedev tự xếp mình vào diện “thắng xấu”, người chơi thiếu tinh thần cống hiến mà chỉ tìm kiếm phương cách chiến thắng.
Medvedev từng coi việc bỏ bóng không chạy là cần thiết để lấy sức cho đường bóng sau đã bị khán giả New York tẩy chay.
Phong cách không thay đổi mấy nhưng bản chất thì chuyển động dữ dội. Medvedev săn tìm từng điểm, tới mức khi đấu với Nadal, chúng ta thật khó chỉ ra ai mới là người ý chí hơn, phòng ngự dẻo dai hơn.
Cũng một phần khác khiến cho Medvedev không được đánh giá cao, vì trái hay hơn phải.
Cú thuận tay tốc độ đầu vợt cực nhanh và nhiều xoáy. Cú trái hầu như chẳng bao giờ duỗi hết tay và mặt vợt không thể ngửa hơn khi tiếp xúc và giai đoạn dẫn bóng (follow thru). Vậy mà trái lại là sở trường, là cú có thể bắn lưới thẳng hay chéo sân và thậm chí là xoáy vòng quả chuối (banana shot).
Thực ra, trong tennis đỉnh cao, đôi khi trái tay hay hơn phải lại có thể làm nên chuyện. Như Murray, người đã 3 lần vô địch Grand Slam và 1 lần vô địch Olympic. Như chính Davydenko, người đầu tiên vô địch Thượng Hải Masters (2009) cũng trái hay hơn phải.
Djokovic (người đã thua Medvedev 2 trận sau 5 lần đối đầu), nhận xét về tay vợt người Nga như là người đã có gần như đầy đủ mọi cú quả.
Nói đúng hơn, Medvedev đang hoàn thiện, để thích ứng với các đối thủ khác nhau.
Như đối đầu với Nadal, ở Rogers Cup Medvedev chỉ có cú trái tay chéo sân bền bỉ, thì ở US Open có cả những cú trái tay dọc dây siêu đẳng.
Như đấu với Zverev, không chỉ có trái tay vượt trội mà cả những cú thuận tay vừa nặng, vừa chính xác.
Medvedev sẽ tiến tới đâu?
Việc lọt vào tới 6 trận chung kết liên tiếp cho thấy sự bền bỉ dựa trên một nền tảng thể lực đã được chuẩn bị thật tốt cộng với sự hồi phục nhanh của tuổi trẻ.
Medvedev vô địch Thượng Hải Masters đã vượt lên trên Federer để đứng thứ ba trong cuộc đua ATP Race, mở ra cơ hội có thể duy trì vững chắc vị trí Top 4 trên BXH thế giới. Nó sẽ đảm bảo cho tay vợt người Nga hiện sống ở Monaco một vị thứ tốt khi hướng tới Australian Open 2020 và sau đó.
7 danh hiệu từ 2018 tới nay đều diễn ra trên mặt sân cứng định vị cho Medvedev là chuyên gia trên mặt sân này – có thể coi là một lợi điểm so với việc có thể chơi tốt trên các mặt sân khác nhau nhưng lại không thực sự vươn lên tới đỉnh cao nào.
Việc đã giành chiến thắng trước hầu hết các đối thủ, có vẻ là sự kị giơ với Djokovic, và gần như áp đảo mọi tay vợt cùng thế hệ (trừ Zverev) vừa là bằng chứng, vừa là hành trang để hun đúc sự tự tin, và làm nên bản lĩnh của một nhà vô địch.
Vô địch Grand Slam, trở thành số 1 thế giới với một tay vợt như vậy cũng không phải là cú sốc, dù cho những người duy mĩ có thể chờ đợi những gương mặt khác.
Bằng cú đánh này, Medvedev đã thực sự chứng minh năng lực trước Zverev.