Bóng bàn Việt Nam: Nhớ thời vàng son

Không phải đến khi giải Cây vợt vàng kết thúc mới thấy sự suy yếu của bóng bàn Việt Nam.

Kết thúc giải bóng bàn Cây vợt vàng 2012, tuyển Việt Nam xếp chót cùng Thái Lan với chỉ 2 HCĐ, xếp sau cả đội TPHCM với 1 HCB. Ở một giải đấu truyền thống nhưng ngày càng đìu hiu khi các khách mời có chất lượng không cao (chỉ có mỗi tay vợt Thái Lan trong tốp 100 thế giới), Việt Nam về chót là điều khó “nuốt”.

Nhưng kết quả này không khiến ai bất ngờ bởi trước khi giải diễn ra, bóng bàn Việt Nam vẫn đang trên đà đi xuống. Ở tuyển nam, hai tay vợt nhiều kinh nghiệm nhưng không còn phong độ đỉnh cao là Trần Tuấn Quỳnh và Đinh Quang Linh trở thành cặp chủ lực. Về các tay vợt nữ, cả Việt Linh và Mỹ Trang về thi đấu cho tuyển TPHCM nên tuyển nữ gần như không còn sức mạnh.

Vấn đề là không phải đến khi giải Cây vợt vàng kết thúc mới thấy sự suy yếu của bóng bàn Việt Nam, điều này đã được cảnh báo nhiều năm trước khi hiện tượng “quân anh, quân tôi” xuất hiện và sự đầu tư cho bóng bàn không còn được như trước.

Sự cố 2 vận động viên Tô Đức Hoàng và Lê Tiến Đạt đánh nhau ở giải vô địch Đông Nam Á cũng như kết quả trắng tay ở giải này đã đưa bóng bàn Việt Nam đến một bước ngoặt, đó là việc bộ môn bóng bàn được Tổng cục TDTT tính chuyện thuê huấn luyện viên ngoại cho đội tuyển. Không phải Việt Nam thiếu huấn luyện viên nhưng sự cố hai vận động viên choảng nhau đã khiến cho yêu cầu có một huấn luyện viên… công tâm càng sớm càng tốt.

Bóng bàn Việt Nam: Nhớ thời vàng son - 1

Tuấn Quỳnh vẫn là tay vợt chủ lực của bóng bàn Việt Nam

Cứ tưởng vụ việc vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước được cử đi tập huấn ở Mỹ chuẩn bị Olympic không thành công, nổ ra lùm xùm cũng từ chuyện “gà” của ai đã là lời cảnh báo cho thể thao nước nhà nói chung. Vậy mà ở bộ môn bóng bàn, sự cố tương tự lặp lại khiến 2 vận động viên được xem là tiềm năng nhất bị xóa tên khỏi đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên trưởng cũng bị cho thôi nhiệm vụ.

Tình trạng thiếu đoàn kết, có vấn đề trong triệu tập vận động viên lên đội tuyển đã âm ỉ từ lâu chỉ chờ có dịp bùng phát. Lỗi này không ở vận động viên mà xuất phát từ bệnh thành tích của ngành, địa phương, từ đó dẫn đến hiện tượng bè phái, không tập trung chuyên môn dẫn đến thành tích ngày càng đi xuống.

Chứng kiến số lượng khán giả lèo tèo trong ngày khai mạc giải bóng bàn Cây vợt vàng năm nay (chủ yếu là… người nhà vận động viên và ban huấn luyện), ai cũng tiếc một thời bóng bàn được xem là một trong những môn thể thao thu hút khán giả nhiều nhất, chỉ sau bóng đá, bóng chuyền.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cũng tại giải Cây vợt vàng, khán giả ngất ngây trước những pha đôi công đẹp mắt của các tay vợt đẳng cấp, là niềm tự hào của người hâm mộ như Trần Tuấn Anh, Mai Văn Minh, rồi Trần Tuấn Anh B… Sự nổi bật của bóng bàn lúc đó được minh chứng bằng Cúp bóng bàn thế giới 1992 đã được tổ chức tại TPHCM. Vậy mà, sau một thời gian, lẽ ra trên nền tảng này, bóng bàn phải phát triển hơn thì chúng ta lại phải chứng kiến một bộ mặt thiếu sinh khí.

Có thể, trong giai đoạn khó khăn chung về kinh tế, việc đầu tư kinh phí cũng không còn được như trước nhưng nếu chất lượng chuyên môn cao, người hâm mộ nhiều thì việc huy động nguồn lực xã hội sẽ không khó như bây giờ. Một thời gian buông lơi công tác đào tạo, tổ chức hệ thống giải đấu chưa phù hợp, cùng với bệnh thành tích địa phương đã ngày càng tác động tiêu cực đến cả bóng bàn phong trào lẫn đỉnh cao.

Việc đề xuất thuê huấn luyện viên ngoại cho bóng bàn Việt Nam là một hướng đi tốt nhưng điều đó chưa đủ, bởi không khắc phục được những yếu kém và tiêu cực hiện nay thì một hay nhiều thầy ngoại cũng phải chào thua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Minh (SGGP Online)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN