10 môn thể thao phổ biến trên thế giới

Thế giới thể thao lâu nay vẫn có nhiều cách phân định sự “phổ biến” của một trò chơi. Có thể là môn thể thao được xem nhiều nhất, được chơi nhiều nhất, được bàn tán nhiều nhất. Hoặc dựa trên con số khán giả hâm mộ, số VĐV chánh thức ghi danh, số người chơi môn đó trên thế giới. Thậm chí số vận động trường, những giải tranh tài, và lượng hàng hóa vật phẩm lưu niệm thể thao được tiêu thụ.

Sự phổ biến của các trò chơi thể thao còn có thể khác biệt lớn tuỳ theo vùng. Thí dụ: môn bắn cung (archery) rất được ưa chuộng ở châu Đại Dương nhưng khá khiêm tốn những phần còn lại của thế giới. Hoặc như môn bóng chuyền (volleyball) có tổ chức khá quy củ. Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới FIVB tập hợp ít nhất 220 thành viên. Song có thể nói môn này chỉ gây chú ý nhiều tại các kỳ tranh tài Thế vận hội.

Khúc côn cầu trên băng (Ice hockey)

Còn được mệnh danh là trò chơi tốc độ cao nhất “The fastest game on earth”. Các đấu thủ khúc côn cầu thường trượt băng rất nhanh 20-30 mile/giờ (khoảng 30-45 km/giờ).

Đây là trò chơi va chạm bạo liệt, dễ chấn thương, nên các đấu thủ phải mặc đồ dầy kín mít vì an toàn (không phải để chống… hơi lạnh tỏa ra từ sân băng). Chiếc “đĩa đệm” (hockey puck) khi quất mạnh có thể bay nhanh đến 100 mile/giờ, nên các thủ thành phải mang áo giáp bảo vệ với vật liệu tương tự như áo giáp chống đạn dành cho cảnh sát.

Khúc côn cầu trên băng phổ biến nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Những đội khúc côn cầu quốc gia mạnh nhất xưa nay là: Canada, Czech Cộng Hòa, Phần Lan, Nga, Slovakia, Thuỵ Điển, và Hoa Kỳ.

Bóng chạy (Rugby)

Đây là trò chơi pha trộn giữa môn đá bóng (soccer) và bóng bầu dục (football). Cầu thủ vừa có thể đá bóng, ném bóng, ôm bóng chạy, cùng lúc đón vật nhau. Trò rugby nổi tiếng nhất ở châu Đại Dương và Nam Phi, có trên 5 triệu thành viên ghi danh.

Điểm độc đáo riêng của môn “bóng chạy” là những cầu thủ tiền đạo phía trước thường to khỏe, cao lớn, nhưng lại chịu trách nhiệm… cản phá không cho đối phương lên bóng. Ngược lại, các cầu thủ hậu vệ phía sau thì nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, thường lợi dụng các khe hở để băng lên… ghi bàn.

Xưa nay, đội rugby New Zealand rất mạnh, khét tiếng với biệt danh “All Blacks”. Trò chơi này ngày càng lên uy tín, sẽ được đưa vào chương trình tranh tài Olympic Rio 2016 (Brazil), với phiên bản chơi trong sân nhỏ gọi là “Rugby Seven”.

10 môn thể thao phổ biến trên thế giới - 1

Một trận banh Rugby.

Quyền Anh (Boxing)

Một trong những trò chơi lâu đời nhất. Chỉ cần 2 đối thủ và những nắm đấm cực nhanh và mạnh là thành một cuộc tỉ thí ra trò. Tính chất hơn thua cá nhân, bạo lực, thậm chí nguy hiểm tánh mạng, lại thường thu hút nhiều người hâm mộ.

Xưa nay, có không ít các trận so găng diễn ra trong các vận động trường khổng lồ, thu hút hơn trăm ngàn người xem. Riêng môn boxing tài tử trên võ đài Olympic, với các võ sĩ đội nón che đầu, bộ luật lệ thay đổi, đã giảm thiểu nhiều phần ác hiểm.

Trong lịch sử trò chơi này, võ sĩ người Mỹ Muhammad Ali được xếp vào hàng quái kiệt. Khảo sát có đến 97% người Mỹ trên 12 tuổi biết về ông. Vì phải liên tục nhận đòn, võ sĩ đấm bốc sau khi giải nghệ có đến 87% não bộ ít nhiều thương tổn. Muhammad Ali cũng là một nạn nhân của trò chơi bạo lực này.

Quần vợt (Tennis)

Bạn có thể chưa biết rằng xa xưa, trước khi sử dụng vợt, người ta từng đánh tennis bằng… lòng bàn tay. Trái bóng nỉ trước đây thường màu trắng, nhưng từ sau 1972 được nhuộm màu vàng, cho dễ nhìn hơn trên màn ảnh TV màu vừa tung ra thị trường.

Một võ khí quan trọng của quần vợt là cú giao bóng (serve). Bên nam giới, đấu thủ Ivo Karlovic người Croatia hiện giữ kỷ lục giao bóng mạnh nhất. Ở Davis Cup năm 2011, một cú giao bóng của anh đo được 56 mph (251 km/giờ). Người có cú serve mãnh liệt nhất bên nữ là tay vợt Venus Williams người Mỹ. Cô từng giao bóng mạnh đến 205 km/giờ.

Làng bóng nỉ nhà nghề cũng dẫn đầu thể thao thế giới về khoản đãi ngộ bình đẳng. Bắt đầu từ 2007, các tay vợt đơn nam/nữ thắng giải quần vợt thế giới Wimbledon đều được nhận tấm check ngang giá trị, khoảng 1.120.000 USD.

Bóng bàn (Table tennis)

Bóng bàn, hay ping-pong, là một trong những trò thể thao phổ biến nhất thế giới vì dễ chơi, nhẹ nhàng, vừa vận động cơ thể, lại mang tính giải trí cao. Ước tính có trên 10 triệu tay vợt ghi danh tranh tài cao thấp mỗi năm trên khắp thế giới.

Bóng bàn được đưa vào chương trình Thế vận hội từ Olympic Seoul 1988. Những nước rất cừ khôi trong môn này là Hàn Quốc, Trung Quốc, và Thuỵ Điển. Nhiều nơi ở châu Á và châu Âu, các tay vợt hàng đầu là ngôi sao lớn, được mời gọi tài trợ, quảng cáo hậu hĩnh…

Vì sự phổ biến của môn bóng bàn ở Hoa lục, mới xảy ra sự kiện năm 1971 mệnh danh là “Ping Pong Diplomacy” (tạm dịch: ngoại giao thông qua chơi bóng bàn). Thời đó, trước khi các cuộc hội đàm thượng đỉnh diễn ra, để tỏ sự thân thiện, hai phía Hoa Kỳ-Trung cộng tổ chức nhiều màn tỉ thí bóng bàn thân hữu.

Bóng bầu dục (Football)

Đây là một trò chơi số 1 ở Mỹ. Cũng có các giải tranh tài nhà nghề bên Canada, và toan tính bành trướng sang châu Âu từ mấy năm qua. Cuộc tranh tài nhà nghề đầu tiên manh nha ở Mỹ đầu thập niên 1920. Vài cầu thủ tạo ra Hiệp hội bóng bầu dục nhà nghề “American Professional Football Association” có lệ phí thành viên 100 USD.

Sau nhiều thăng trầm, thay họ đổi tên, ngày nay giải đấu mang tên NFL với 32 đội banh nhà nghề, giải đấu thu lợi nhất thế giới. Theo Forbes, giá trị trung bình mỗi đội bóng bầu dục NFL là 950 triệu USD, trong đó Dallas Cowboys được định giá là đội thể thao đắt giá nhất 2,1 tỉ USD. Trận bóng chung kết “Super Bowl” là một sự kiện thể thao lớn hằng năm. Super Bowl 2012 vừa qua, đài TV bán quảng cáo 4 triệu USD cho mỗi 30 giây xuất hiện trên màn hình.

Cầu lông (Badminton)

Cũng như môn ping-pong, cầu lông rất được ưa chuộng ở Đông Á. Có khoảng 250 triệu đấu thủ ghi danh tranh tài. Cầu lông được đưa vào chương trình Olympic từ 1992. Hai nước có nhiều tay chơi vũ cầu cừ khôi nhất là Trung Quốc và Indonesia. Các tay vợt của họ đoạt phần thắng khoảng 70% mọi cuộc tranh tài trên thế giới.

Trái cầu của môn cầu lông xem mỏng mảnh nhưng khá độc đáo, có thể bay vào hàng nhanh nhất trong các trò thể thao đánh vợt: đạt đến 300 km/giờ. Trái cầu tốt làm từ lông ngỗng.

Bóng rổ (Basketball)

Nhiều ước lượng cho rằng môn bóng rổ được đón xem nhiều vào hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ thua môn đá bóng. Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ Quốc nổi tiếng khắp thế giới, tương tự như giải đá bóng nhà nghề Anh Quốc “Premier League”. Buổi ban đầu, người ta cũng dùng trái bóng soccer để chơi bóng rổ. Đến năm 1929, trái bóng rổ như hiện nay mới được ra mắt.

Cricket

Một phiên bản của baseball (bóng chày). Đây là trò chơi rất nổi tiếng ở Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh v.v…) Cricket rất có thể là trò chơi phổ biến thứ nhì, dù hoàn toàn xa lạ ở phần còn lại  của thế giới. Lý do vì những nơi nó được ưa chuộng, chỉ khoảng 10-15 quốc gia, nhưng lại có dân số rất đông (trên 1 tỉ người).

10 môn thể thao phổ biến trên thế giới - 2

Nữ khán giả ái mộ môn Cricket bên Ấn Độ.

Bóng đá (Soccer)

Sau hết, nhưng lại mạnh nhất, là môn bóng đá. Tương tự banh bầu dục không có đối thủ ở Mỹ, môn bóng đá lâu nay được mệnh danh là môn “thể thao vua” trên thế giới. Bóng đá có nhiều người chơi lẫn người hâm mộ nhất, được đón xem nhiều nhất, cầu thủ lãnh lương cao nhất.

Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup là sự kiện thể thao lớn nhất hoàn vũ. Có lẽ những dữ kiện này đã thuyết phục được người Mỹ tái đầu tư vào bóng đá dạo đầu thập niên 1990. Từ một đội bóng sinh viên tài tử, đội bóng Mỹ Quốc ngày nay thuộc nhóm 20-30 đội banh hùng mạnh nhất thế giới. Giải bóng đá nội địa MLS ngày càng mạnh, thu hút nhiều ngôi sao lớn, như tiền vệ người Anh – David Beckham, một trong những cầu thủ lãnh lương cao nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐINH NAM TRUNG tổng hợp (thethaohcm.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN