Má nổi cục, chảy mủ sau khi bơm chất làm đẹp

Bệnh viện Trưng Vương đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị biến chứng sau khi bơm chất làm đầy ở mặt.

Má nổi cục, chảy mủ sau khi bơm chất làm đẹp - 1

Vùng mũi bệnh nhân biến dạng sau khi bơm chất làm đầy không rõ nguồn gốc

Ngày 15/3, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy.

Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân 29 tuổi, nhập viện trong tình trạng vón cục ở hai má, nhiễm trùng chảy mủ. Bệnh nhân cho biết, trước đó 3-4 tháng, qua quảng cáo, bệnh nhân có đến một spa và được tiêm một loại chất lỏng vào 2 bên má. Điều đáng nói là tại spa này không có bác sĩ và bệnh nhân cũng không biết mình được tiêm chất gì.

Khoảng 1 tháng sau, gương mặt bệnh nhân bắt đầu biến dạng với nhiều hình khối vón cục, gồ ghề, trên mặt bắt đầu chảy mủ. Qua thủ thuật can thiệp, các bác sĩ bóc ra nhiều dị vật hình dạng khác nhau, vón cục gây nhiễm trùng.

BS Khanh cho biết, do không biết chất được bơm vào má bệnh nhân là gì nên việc điều trị khá khó khăn, nhưng các bác sĩ nghi ngờ đó là silicon lỏng. Mặc dù đã phải làm nhiều lần thủ thuật để bóc các khối vón cục nhưng bệnh nhân sẽ phải chịu dị dạng hai má vĩnh viễn.

Trường hợp thứ hai là một nữ bệnh nhân 41 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, đau nhức dữ dội vùng mắt sau khi tiêm chất làm đầy vào sống mũi. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử từ sống mũi lên chân mày và xu hướng hoại tử lan rộng. Sau hai tuần điều trị tích cực bằng kháng sinh, tình trạng hoại tử đã chấm dứt nhưng bệnh nhân phải chịu tổn thương về thẩm mỹ trên vùng mặt.

Từ thực tế trên, BS Quốc Khanh khuyến cáo, chất làm đầy có tác dụng trong thẩm mỹ (nhằm làm đầy hai bên má, nâng mũi, xóa nếp nhăn tĩnh…) và rất ít có biến chứng. Tuy nhiên, chị em khi đi làm thẩm mỹ cần phải chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng cơ sở làm đẹp đó có được cấp phép hay không, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hay không, chất được tiêm vào cơ thể là chất gì, có xuất xứ từ đâu, tác dụng như thế nào.

Đồng thời, nên đến các phòng khám, bệnh viện có khoa thẩm mỹ, hoặc bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện bởi các spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da. Những cơ sở này không có bác sĩ, không được phép phẫu thuật, thủ thuật, laser...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet)
Phẫu thuật thẩm mỹ: Con dao hai lưỡi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN