Hà Nội còn 144.000 thửa đất chưa được cấp sổ

Đó là số liệu vừa được công bố tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và sở, ngành quý II/2016.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu từ nay tới tháng 6-2017 (tròn một năm), TP sẽ tập trung giải quyết, hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng. Trong đó, cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp giấy.

Tính đến cuối tháng 6-2016, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Trong đó, 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và kê khai đăng ký đã được cấp giấy chứng nhận, đạt 89,9% thửa đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư; đạt 89% căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở; đạt 57% thửa đất do các tổ chức sử dụng; 358 thửa đất do các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng; cấp được 54.000 giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa. 

Riêng năm 2016, hoàn thành việc cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận đối với diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa.

Hiện Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, tồn đọng hiện là rào cản trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở hiện nay. Đó là tình trạng hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, vướng mắc, trong đó gần 16.000 trường hợp lấn, chiếm đất, hàng chục ngàn trường hợp cấp trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định, vi phạm quy hoạch hiện nay.

Về nội dung này, tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở ngành, địa phương phải xác định việc giải quyết các thửa đất tồn đọng là thủ tục hành chính quan trọng, làm cơ sở để thống nhất quản lý đất đai, nhà ở và tài sản gắn với đất ở theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế và là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về đất đai, nhà ở.

Hà Nội còn 144.000 thửa đất chưa được cấp sổ - 1

Hà Nội còn 144.000 thửa đất chưa được cấp sổ

Vì vậy, cần tập trung tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về các chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Chính quyền các cấp rà soát, thống kê, phân loại các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết gắn với chỉ tiêu số giấy chứng nhận phải hoàn thành theo từng tháng, giao cụ thể cho từng địa bàn, từng đơn vị.

"Kết quả công tác cấp giấy chứng nhận trên địa bàn sẽ là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền" - bà Hằng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Phú (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN