Đà Nẵng: NH có thể mất hơn 1.100 tỷ đồng

Trong 1.816 tỉ đồng nợ xấu của các ngân hàng ở Đà Nẵng tính đến tháng 6/2013 có tới 1.155 tỉ đồng có khả năng mất vốn.

Đó là thông tin đưa ra tại hội nghị xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Đà Nẵng tổ chức sáng 16/8.

Nợ có khả năng mất vốn

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP Đà Nẵng, đến cuối tháng 6/2013, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn là 51.636 tỉ đồng, tăng rất chậm, chỉ đạt 1,77% so với cuối năm 2012.

Trong khi đó, nợ xấu của các NHTM là 1.816 tỉ đồng, chiếm 3,52% trên tổng dư nợ.

Đà Nẵng: NH có thể mất hơn 1.100 tỷ đồng - 1
Hội nghị bàn biện pháp xử lý nợ xấu của các NHTM trên địa bàn Đà Nẵng liên quan đến công tác thi hành án tổ chức sáng 16/8 (Ảnh: HC)

Đáng chú ý, trong 1.816 tỉ đồng nợ xấu có đến 1.155 tỉ đồng là nợ có khả năng mất vốn. Tuy giảm dần qua các tháng, từ 1.364 tỉ đồng ở tháng 12/2013 xuống còn 1.155 tỉ đồng ở tháng 6/2013 nhưng tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn luôn luôn cao trong suốt thời gian đó, chiếm tỉ trọng từ 64% - 68% trong tổng nợ xấu.

"Đây là các khoản nợ quá kỳ hạn quy định, đã chuyển qua các cơ quan thi hành pháp luật, đã có bản án, có tài sản đảm bảo nằm sẵn đó, có đầy đủ các yếu tố pháp lý để xử lý. Vấn đề hiện nay là xử lý chậm quá. Nếu đẩy nhanh việc xử lý thì tỉ lệ nợ có khả năng mất vốn sẽ giảm xuống!" - ông Võ Minh nói.

Vì sao việc thi hành án chậm trễ?

Theo báo cáo 705/ĐAN-NCTH&KSNB (ngày 15/8) của Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng: "Đối với các khoản nợ xấu mà khách hàng không có thiện chí trả nợ hoặc không còn khả năng trả nợ, Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các NHTM thực hiện việc khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của tòa án thì công tác thu hồi nợ xấu vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án".

Tính đến cuối tháng 6/2013, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng có 233 hồ sơ xử lý nợ xấu với dư nợ khởi kiện 373,584 tỉ đồng, giá trị tài sản đảm bảo 722,204 tỉ đồng đã có quyết định của toà án nhưng vẫn còn tồn đọng do liên quan đến công tác thi hành án ở trong và ngoài TP. Trong đó, loại tài sản đảm bảo bằng máy móc, thiết bị 26 hồ sơ, bằng bất động sản 152 hồ sơ và bằng các tài sản khác 55 hồ sơ.

Theo ông Võ Minh, có 3 lý do chính khiến việc thi hành án chậm trễ. Thứ nhất là các khoản vay liên quan đến nhiều tổ chức tín dụng; tài sản chưa được xác minh; tài sản đang bị tranh chấp, đang phát mãi; tài sản đảm bảo ở các tổ chức tín dụng khác chưa được xử lý. Thứ hai là khách hàng tẩu tán tài sản thế chấp nên thi hành án chưa kê biên được, khách hàng thuộc hộ nghèo, đau ốm, khách hàng bỏ trốn, đi khỏi nơi cư trú...

Đà Nẵng: NH có thể mất hơn 1.100 tỷ đồng - 2
Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng lý giải những nguyên nhân khiến công tác thi hành án thu hồi nợ xấu cho các NHTM trên địa bàn bị chậm trễ (Ảnh: HC)

Thứ ba là liên quan đến đơn vị thi hánh án. Ngân hàng đã có văn bản yêu cầu giải quyết hồ sơ nhưng đơn vị thi hành án vẫn chưa tiến hành. Do thời gian kéo dài làm cho tài sản bị giảm giá trị, lãi phát sinh tăng dẫn đến tài sản phát mãi có khả năng không thu hồi đủ nợ. Bên cạnh đó có một số hồ sơ chưa xác minh được điều kiện thi hành án…

Không còn bí mật?

Kể cả ông Võ Minh cũng nêu tại hội nghị: "Có những trường hợp NH cho doanh nghiệp sử dụng tài sản đảm bảo để thế chấp chồng chéo, lung tung. Chỉ một tài sản thế chấp thôi nhưng có đến 3 - 4 khoản vay. Đặc biệt tài sản bất động sản có rất nhiều sự biến tướng. Vừa rồi chúng tôi có gửi cho các NH thông báo của Viện kiểm sát phát hiện một số trường hợp liên quan đến vấn đề này. Cái này tôi cũng công khai vì không còn bí mật, bí miếc gì nữa hết!".

Ông Võ Minh cũng cho hay, mới đây, ông Trần Thanh Vân (nguyên Viện trưởng Viện KSND TP, hiện là Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Đà Nẵng - PV) đã gửi thư yêu cầu Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng báo cáo tình hình xử lý những sai phạm đối với việc cho vay của các NHTM trên địa bàn.

Thông tin này cùng với phát biểu của Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh như vừa nêu trên cho thấy những sai phạm của các NHTM trên địa bàn Đà Nẵng trong việc thẩm định, cho vay dẫn đến nợ xấu, thậm chí nợ có khả năng mất vốn là rất đáng quan tâm.

Vấn đề là vì sao trong suốt thời gian qua hầu như chưa có trường hợp sai phạm nào được đưa ra xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công bố công khai cho dư luận được rõ?

Câu trả lời xin được dành cho các cơ quan có thẩm quyền ở Đà Nẵng!

Trao đổi với PV Infonet bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hữu Linh, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng cho rằng, báo cáo của Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng chỉ mới thống kê các khoản nợ xấu của các NHTM trên địa bàn mà chưa làm rõ được bản chất vấn đề: Vì sao dẫn đến những khoản nợ xấu, thậm chí là nợ có khả năng mất vốn đó?

Theo ông Nguyễn Hữu Linh, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của các NHTM ở Đà Nẵng là do quá trình thẩm tra, định giá tài sản thế chấp để cho vay của các NH. Có những tài sản trị giá chỉ 500 triệu đồng nhưng khi thẩm tra, định giá thì NH lại nâng khống lên 1 - 1,5 tỉ, từ đó cho vay đến 700 - 800 triệu.

Đến khi khách hàng không có khả năng trả nợ, NH tiến hành phát mãi tài sản thế chấp thì giá trị thực của tài sản đó không bằng số tiền mà NH đã cho vay. Từ đó mà phát sinh ra nợ xấu, thậm chí có khả năng mất vốn. Và cũng từ đó mà khiến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn, trở ngại!

Nhưng trong trường hợp nâng khống giá trị tài sản thế chấp để cho vay, dẫn đến nợ xấu, thậm chí nợ có khả năng mất vốn là đã vi phạm điều 179 Bộ luật Hình sự, cho vay không đúng quy định của tổ chức tín dụng. Cần thiết phải xem xét xử lý một số trường hợp cụ thể sẽ rõ vấn đề ra liền!" - ông Nguyễn Hữu Linh nói.

Vì sao lãnh đạo Đà Nẵng vắng mặt tại hội nghị?

Theo ông Võ Minh, mục đích của hội nghị tổ chức sáng 16/8 là bàn các biện pháp xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án, liên quan đến công tác toà án và các ngành nội chính để xử lý khoản nợ này càng nhanh càng tốt nhằm giúp hệ thống NHTM hoạt động lành mạnh hơn và giúp các doanh nghiệp ổn định lại sản xuất và tiếp tục quan hệ với NH.

Chi nhánh NHNN TP Đà Nẵng có mời lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chủ trì hội nghị nhưng lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng việc này (xử lý nợ xấu của các NH liên quan đến công tác thi hành án - PV) các cơ quan thi hành pháp luật, các cơ quan thi hành án xử lý theo quy định nhà nước. Bản thân lãnh đạo TP không có chỉ đạo cụ thể gì được đối với các cơ quan thi hành án. Vì vậy lãnh đạo TP Đà Nẵng không đến tham dự hội nghị!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Châu (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN