Chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất

Bản báo cáo về Tình hình kinh tế Việt Nam quý I/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa cập nhật cho hay, lạm phát quý I/2013 tăng 2,39% so với đầu năm và tăng 6,91% so với cùng kỳ - là mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Tổng cầu nền kinh tế vẫn… thấp

Theo UBGSTCQG, mức tăng thấp của lạm phát quý I/2013 phản ánh tổng cầu của nền kinh tế và sức mua hiện vẫn rất thấp, bất chấp yếu tố thời vụ Tết Nguyên đán nằm trong quý này.

Nguyên nhân chính tác động đến lạm phát từ nay cho đến cuối năm 2013 như tổng cầu nền kinh tế hiện vẫn rất thấp nên áp lực lạm phát cầu kéo sẽ không lớn; yếu tố tiền tệ sẽ có những tác động nhất định với độ trễ nhưng không đáng lo ngại; yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động và đặc biệt là giá gạo vẫn trong xu hướng giảm; áp lực lạm phát do yếu tố chi phí đẩy đang có những dấu hiệu gia tăng kể từ cuối năm 2012. Do đó, những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm.

Bên cạnh đó, thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các doanh nghiệp. Lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, các lãi suất chủ chốt cũng giảm (lãi suất tái cấp vốn giảm còn 8%, lãi suất tái chiết khấu còn 6%) và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%. Ngoài ra, còn phải kể tới tỷ giá tiếp tục ổn định nhờ cán cân thương mại  tiếp tục thặng dư và đầu tư ngắn hạn tiếp tục được cải thiện.

Chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất - 1

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đặc biệt, sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế, củng cố lòng tin của thị trường. Theo đó, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục xu thế ổn định, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số CPI quý I/2012 tăng thấp nhất kể từ năm 2009; tăng trưởng quý I cao hơn so với cùng kỳ, ngành xây dựng phục hồi nhẹ (tăng 4.79%) từ mức tăng trưởng âm của cùng kỳ năm ngoái cùng với sự cải thiện của thị trường bất động sản. Hoạt động sản xuất bước đầu có dấu hiệu chuyển biến. Cán cân thương mại thặng dư; Tỷ giá ổn định, dữ trữ ngoại hối được cải thiện rõ rệt; Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm. Vốn FDI vào Việt Nam tăng 11,5%...

Chính sách tỷ giá linh hoạt

Đó là kiến nghị của UBGSTCQG trên cơ sở dự báo giả định xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm và tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt khoảng 5,3%. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không quên cảnh báo, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Tính đến ngày 21/3/2013, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với 31/12/2012. Số lượng doanh nghiệp giải thể phá sản vẫn cao, tín dụng ngân hàng hầu như không tăng, cầu tiêu dùng còn yếu, giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt 15,4% dự toán năm. Bản báo cáo cũng nêu rõ, động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý I/2013 là xuất khẩu, song trong năm 2013 giá hàng hóa thế giới lại được dự báo sẽ không tăng thậm chí giảm.

Chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất - 2

(Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia)

Trong bối cảnh đó, trái phiếu chính phủ lại vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các tổ chức tín dụng khi lợi suất ở mức hấp dẫn và rủi ro giảm. Trên thị trường sơ cấp, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động lớn và tỷ lệ đấu thầu thành công cao. Vấn đề nợ xấu một khi chưa được khắc phục cơ bản, sẽ vẫn là một trong những trở ngại lớn cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12% vẫn đối mặt với thách thức lớn!

Cùng với lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp, chưa có điều chỉnh về chính sách giá, và theo thống kê số liệu 10 năm trở lại đây, bình quân lạm phát quý 1 bằng khoảng 40% cả năm, lạm phát cả năm nhiều khả năng ở mức 6 - 7%. Tình hình trên tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%.

Căn cứ vào tình hình trên, UBGSTCQG kiến nghị từ nay đến cuối năm 2013, cần tiếp tục và tăng cường tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 cao hơn năm 2012. Cụ thể, tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa Công ty mua bán nợ Quốc gia (VAMC) đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản; thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt, hài hòa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Khánh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN