Vụ "cơm bẩn": Đá trách nhiệm sang Bộ Y tế
Theo thông tin mới nhất mà PV nhận được thì “cuộc chiến” giữa các phụ huynh và lãnh đạo trường Maple Bear vẫn chưa có hồi kết. Phụ huynh vẫn tiếp tục theo dõi và điều tra một số nghi vấn từ phía nhà trường.
Ngày 27/5 vừa rồi, một phụ huynh cho biết: “Nguồn tin từ phía một số cô giáo tiết lộ, người chia cơm cho các con vẫn là từ Cơm Việt. Các con chỉ được cung cấp bữa trưa còn bữa sáng và bữa chiều do các cô tự đi mua nhưng luôn luôn bị thiếu, các con ăn rất muộn, và mỗi bữa chỉ được 1 cái bánh nhỏ Thu Hương và vài miếng hoa quả, chính các cô còn nói các con phải ăn 3 miếng như thế mới đủ no. Các cô hiện nay phải ăn đồ cũ của các con (cơm cháo lẫn lộn).”
Ông Thomas Chan - Tổng giám đốc của công ty City Smart và cô Hải - hiệu trưởng trường Maple Bear trả lời báo chí.
Trả lời phóng viên ngày 6/6, cô Nguyễn Thị Thu Hải, hiệu trưởng trường mầm non Maple Bear thừa nhận trong thời gian tìm nhà cung cấp mới thì người chia cơm cho các con vẫn là người của Cơm Việt. Cô Hải lý giải rằng, do thời gian quá gấp nên nhà trường chưa tìm ngay được người mới. Chính vì vậy, từ ngày 21/5 đến ngày 31/5 nhà trường vẫn phải nhờ người bên Cơm Việt phụ giúp. Tuy nhiên, cơm thì do khách sạn Hà Nội cung cấp.
Cô Hải cũng cho biết, từ ngày 1/6, nhà trường đã ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp thức ăn cho học sinh của trường với công ty Aden Services Vietnam Co. Ltd, một công ty đa quốc gia chuyên cung cấp dịch vụ thực phẩm khá uy tín.
Nơi rửa chén bát cho các cháu không đảm bảo vệ sinh
Trước thông tin "các cô hiện nay phải ăn đồ cũ của các con (cơm cháo lẫn lộn).”, ông Thomas Chan cho hay: “Chúng tôi luôn có thực đơn khác nhau được công bố công khai cho học sinh và giáo viên. Trong giai đoạn này, do thay đổi nhà cung cấp nên chúng tôi đã có thông báo cho giáo viên là thực đơn cho học sinh và giáo viên sẽ gần giống nhau.”
Ngoài ra, phụ huynh còn phản ánh rằng, Maple Bear không hề có quy chuẩn gì trong việc giám sát nhà bếp Cơm Việt bằng văn bản, tất cả chỉ là do cảm quan. Cô Tú mỗi lần đi giám sát về là báo cáo với cô Hải, nguyên văn lời cô Tú “bếp như bếp gia đình, vệ sinh đảm bảo”.
Trước phản ánh đó, ông Thomas Chan nói: “Sau khi giám sát cơ sở chế biến thực phẩm đó, cô Tú đã mang về cho chúng tôi xem những hình ảnh khá ổn.
Dựa vào những hình ảnh đó cùng các giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà công ty Cơm Việt cung cấp, chúng tôi yên tâm rằng đây là cơ sở có thể cung cấp các loại thực phẩm tốt cho chúng tôi.
Bài học mà những nhà đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam như chúng tôi rút ra được sau sự cố trên chính là một số cơ sở chế biến không thật sự tốt, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như trong các giấy tờ họ được cấp.
Chúng tôi mong muốn trong tương lai Bộ y tế và các ban ngành có liên quan sẽ tăng cường những biện pháp giám sát hơn nữa để những cơ sở như Cơm Việt sẽ không còn có cơ hội vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Theo như lời ông Thomas Chan thì phải chăng Bộ Y tế là một "mắt xích" trong chuỗi nguyên nhân dẫn tới vụ bê bối thực phẩm này?