Vì sao Việt Nam khống chế hoàn toàn dịch sởi năm 2015?

Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015.

Chỉ còn 1 tuần nữa, Bộ Y tế tổng kết “Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng”.

Trước thềm buổi lễ tổng kết, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

Thưa ông, sau gần 1 năm triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella miễn phí cho trẻ từ 1-14 tuổi, xin ông đánh giá về kết quả đạt được của chiến dịch này?

Vì sao Việt Nam khống chế hoàn toàn dịch sởi năm 2015? - 1

PGS.TS.Trần Đắc Phu

Theo báo cáo, trên toàn quốc đã có gần 20 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi-rubella trong chiến dịch, đạt tỷ lệ 98,2%. Trong đó, trên quy mô tỉnh, 100% số tỉnh đều đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi-rubella trên 95%.

Trong quá trình tiêm chủng, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế không ghi nhận sự cố nghiêm trọng dẫn đến tử vong trong toàn bộ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi-rubella.

Mặc dù, Bộ Y tế cũng ghi nhận 15.866 trường hợp phản ứng nhẹ thông thường được báo cáo (sốt, đau tại chỗ tiêm, nhức đầu…) nhưng chỉ chiếm 0,08%, thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất.

Số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng được ghi nhận là 8 trường hợp và đã được Hội đồng chuyên môn điều tra, đánh giá nguyên nhân. Trong đó có 3 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc-xin gồm 1 trường hợp sốt cao co giật, 2 trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin. Cả 3 trường hợp trên đều được xử trí kịp thời và hồi phục.

Một số địa phương ghi nhận hiện tượng phản ứng tâm lý dây truyền ở nhóm trẻ học sinh tại Lào Cai, Thanh Hóa,...  Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay lập tức thành lập Hội đồng khoa học để giải quyết kịp thời, giải thích, theo dõi sức khỏe các cháu. Ngoài ra, trong đợt triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella, chất lượng vắc-xin tại các điểm tiêm chủng được bảo đảm. Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát cho thấy tại các bàn tiêm chủng vắc-xin được bảo quản lạnh đúng quy định.

Vậy, tác động của chiến dịch tiêm vắc-xin sởi–rubella đến người dân như thế nào, thưa ông?

Chiến dịch đã góp phần rất lớn trong việc khống chế hoàn toàn dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015. Trong 7 tháng đầu năm 2015, chỉ ghi nhận 80 trường hợp mắc sởi rải rác trên 37 tỉnh, thành phố. Hiện nay trên phạm vi toàn quốc không ghi nhận các ổ dịch sởi.

Chiến dịch cũng tạo được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội đối với công tác tiêm chủng phòng bệnh.

Ngoài ra, chiến dịch tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân đối với việc sử dụng vắc-xin phòng bệnh, kể cả người dân từ vùng sâu, vùng xa qua đó nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng bệnh nói chung và vắc-xin sởi-rubella nói riêng.

Xin ông đưa ra so sánh tỷ lệ trẻ em trong tuổi tiêm chủng được tiêm chủng ở Việt Nam với một số nước trên thế giới?

Theo WHO, bệnh sởi là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, mỗi một giờ trôi qua trên toàn cầu có khoảng 16 trẻ tử vong do sởi.

Trong năm 2014, dịch bệnh sởi đã được ghi nhận tại 174/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu tại các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Phi. Tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng sởi, trong giai đoạn 2000 – 2013. Nhờ có vắc-xin tiêm phòng sởi nên đã cứu sống được 15,6 triệu trẻ em trên toàn thế giới không bị tử vong do bệnh sởi.

Vì sao Việt Nam khống chế hoàn toàn dịch sởi năm 2015? - 2

Tiêm-vắc xin cho trẻ

Tại Việt Nam, trước khi triển khai tiêm 1 liều vắc-xin sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp. Vắc-xin sởi được bắt đầu đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 10 năm 1985. Các năm sau đó, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống từ 112,8/100.000 dân năm 1986 xuống còn 29,8/100.000 dân năm 2010, sau chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc cuối năm 2010 tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm trong các năm 2010 - 2012.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014 dịch sởi bùng phát và xảy ra tại 63/63 tỉnh, thành phố, riêng trong năm 2014 ghi nhận 33.802 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5.809 trường hợp mắc sởi xác định. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm vắc-xin chưa đủ mũi.

Những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi đạt thấp trong những năm trước đây và những vùng có biến động dân cư cao. Sau khi thực hiện tiêm chiến dịch tiêm vét cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi và tiêm chống dịch cho trẻ từ 2-10 tuổi ở các tỉnh, thành phố có nguy cơ mắc sởi cao, về cơ bản dịch sởi đã được khống chế, chỉ còn các trường hợp mắc bệnh rải rác.

Nếu người dân vẫn thiếu niềm tin vào chương trình tiêm chủng mở rộng, ngành y tế có thể khẳng định điều gì để người dân yên tâm đưa trẻ đi tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thưa ông?

Các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng các vắc-xin dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc-xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỉ lệ tiêm chủng cao.

Ngoài ra, không có vắc-xin nào là an toàn 100%, kể cả vắc-xin dịch vụ hay mở rộng. Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm  trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tiêm chủng mở rộng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN