Uống giải khát giá rẻ, mất... khỏe

Hè đến, nhu cầu giải khát tăng cao cũng là lúc các hàng quán giải khát ở vỉa hè thi nhau mọc lên. Trong vô vàn loại nước giải khát (NGK) được bày bán, có nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng, hết hạn sử dụng... và đa phần là do người bán tự tay chế biến nên có giá rẻ.

Dù mới đầu hè, song nhu cầu về mặt hàng NGK tăng mạnh. Trong đó, các loại NGK đóng chai như cam ép, các loại nước hoa quả, thảo mộc... là những mặt hàng được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất. Giá các loại sản phẩm vẫn giữ mức ổn định, như nước ép chất xơ trái cây 20.000 đồng/chai 500ml, 7.000 đồng/chai 170ml; nước bông cúc Misty 3.900 - 4.900 đồng/chai; nước nha đam Dona 4.500 đồng/chai 240ml; nước mía lau 6.900 đồng/chai 350ml). Tuy nhiên, với những loại NGK tự chế có mặt tại các quán giải khát vỉa hè với màu sắc sặc sỡ lại được các chủ hàng chào bán với giá rẻ và không hết lời quảng bá là “thơm, ngon, bổ, rẻ” thì chưa ai dám đảm bảo là hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chỉ cần từ 7.000 - 15.000 đồng là có thể “hạ nhiệt” nhanh cơn khát.

Các quán nước mía, giải khát thường tập trung nhiều nhất ở khu vực công viên, trường học, bến xe như đường Kim Mã, Giải Phóng, Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu, Đại Cồ Việt... Điểm chung dễ nhận thấy ở các quán này là nguyên liệu, dụng cụ dùng “sản xuất” đều không sạch. Mía bào vỏ dựng vào gốc cây hoặc cắt khúc để vào xô nhưng không được che đậy; cốc “vô tư” nằm hứng bụi; máy ép hoen rỉ, ruồi nhặng bâu bám vô tư. Qua quan sát, hầu hết chủ quán dùng tay không để thực hiện mọi thao tác hốt rác, nhận trả tiền, vốc đá rồi... ép nước mía. Nhìn những ly nước vàng ánh của cam, xanh của rau má, sâm dứa, đỏ au của nước dâu... quả thực trong cơn nóng khát, khó ai có thể cưỡng lại được. Hỏi giá bịch nước sâm dứa, chị bán hàng nói chỉ có 4.000 đồng, và còn nói thêm: “Chị mới lên giá thêm 1.000 đồng chứ hôm trước chỉ 3.000 đồng thôi.

Uống giải khát giá rẻ, mất... khỏe - 1

Nước giải khát bày bán ở vỉa hè như thế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe (Ảnh minh họa).

Bán rẻ người ta mới mua nhiều chứ”. Tuy nhiên, đại đa số những loại NGK như thế này chỉ được màu sắc là như thật còn hương vị thì dường như... cho dù uống hết ly nước vẫn chưa nhận biết được. Biết vậy nhưng nhiều người vẫn phớt lờ: “Khát thì uống, chết ngay đâu mà lo!”. Theo tìm hiểu của phóng viên, đại đa số các loại NGK kiểu này là những loại nước được người bán tự pha chế. Nguyên liệu và công thức chủ yếu là: đường hóa học + nước + chất tạo màu. Những nguyên liệu này có thể mua ở các điểm bán phụ gia thực phẩm ở chợ và hầu hết là không nguồn gốc. Không những thế, chỉ cần bỏ ra một số vốn độ vài chục ngàn là có thể chế biến được vài thùng để bán. Có thể nói, mức độ lời lãi của họ cũng phải gấp cả chục lần, vì thế họ không mấy quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD) khi sử dụng những sản phẩm như thế.

Còn NTD nhiều khi lại vô tâm với chính bản thân mà không biết rằng mình đang đứng trước những ẩn họa khôn lường. Theo khuyến cáo từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế): Nếu lạm dụng phẩm màu hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là phẩm màu tổng hợp) thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc cấp tính, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư cho con người. Bên cạnh đó, việc sử dụng đường hóa học trong chế biến chè, nước hoa quả cũng có khả năng gây hại cao, vì đường hóa học thường ngọt hơn đường kính và không có giá trị dinh dưỡng.

Cẩn trọng với nước giải khát tự chế

Có thể nói, NGK với cách pha chế mất vệ sinh là những nguy cơ dẫn đến các bệnh mùa hè như ngộ độc, tiêu chảy với những biến chứng rất khó lường. Trong khi các cơ quan, ban, ngành đang nỗ lực để bài trừ những chất độc hại, những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng để bảo vệ NTD, hơn ai hết NTD phải biết tự mình bảo vệ chính mình.

Theo PGS.TS. Nguyễn Công Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thực phẩm, Ðại học Bách khoa Hà Nội, nước trái cây có hai loại: một loại được pha chế từ hương liệu trái cây, nước đường, axít, chất thơm... Với sản phẩm này, mùi vị không khác trái cây thật nhưng thực chất toàn là hương liệu trái cây. Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, các loại nước ép trái cây không thể thay thế rau quả tự nhiên. Nhất là với nước ép đóng hộp phải trải qua quá trình chưng cất từ hoa quả tươi, một số chất dinh dưỡng sẽ mất đi, điển hình là vitamin và chất xơ. Hơn nữa, loại nước này còn chứa một lượng nhỏ chất bảo quản, hương liệu... vì vậy không thể tốt bằng nước ép nguyên chất tươi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Vân (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN