Trẻ biến dạng xương vì... mút tay

Nhiều bà mẹ coi việc mút ngón tay của trẻ con chỉ là thói quen gây mất vệ sinh mà không biết rằng hành động này có thể gây biến dạng răng, hàm và xương ngón tay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 90% số trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay và dần dần hình thành thói quen này ngay cả khi bé không đói thậm chí đã thôi bú sữa.

Mắc lắm bệnh

Cầm sổ y bạ có kết luận của bác sĩ ghi rõ bé Bảo bị tay chân miệng (TCM), chị Hoàng Thanh Lan, ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng vì từ khi có dịch TCM, chị đã cẩn thận cho con nghỉ học, tránh giao tiếp với các trẻ trong khu nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Bệnh viện Bạch Mai, dù chăm sóc con cẩn thận, phòng tránh các nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh cho con nhưng chị Lan đã “bỏ lọt” một trong những thủ phạm chính có thể gây bệnh đó là hành động mút tay của bé Bảo.

Không chỉ có thể mắc TCM, bác sĩ Ngọc Hà khuyến cáo, việc ngậm mút tay chưa rửa sạch sẽ là nguyên nhân khiến cho trẻ bị các bệnh lây truyền qua đường miệng như các bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, lỵ… Ngoài ra, việc trẻ ngậm ngón tay quá sâu khiến trẻ dễ bị nôn trớ, nhất là sau khi ăn uống.

Trẻ biến dạng xương vì... mút tay - 1

Trẻ mút tay có thể bị biến dạng xương hàm. Ảnh minh họa: L.Bình.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi, trong giai đoạn sơ sinh, mút tay là một trong những biểu hiện của việc bé đói và có nhu cầu được bú sữa. Điều này làm bé thấy dễ chịu và có cảm giác bình yên. Khi lớn hơn thói quen mút tay của trẻ sẽ được sử dụng trong mọi tình huống như: mệt mỏi, sợ hãi, buồn chán, buồn ngủ, hay lo lắng, căng thẳng… Thậm chí nhiều trẻ phải mút tay để đi vào giấc ngủ và mỗi khi trở mình lúc nửa đêm.

Giúp trẻ bỏ tật mút tay

Thông thường, các trẻ chỉ ngậm mút ngón tay một cách nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn nên không gây tổn thương đáng kể. Thế nhưng ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm. Da ngón tay bị nứt đi nứt lại, lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da sẽ gây viêm da mủ.

Trẻ biến dạng xương vì... mút tay - 2

Mút tay lâu ngày còn gây biến dạng xương ngón tay. (Ảnh minh họa)

Mút tay nhiều, lâu ngày, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường. Thậm chí biến dạng răng và hàm; miệng trẻ trở nên hô (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong); lệch khớp cắn; rối loạn phát âm. Sau này cần phải đến nha khoa để điều trị. Về tâm lý, mút ngón tay thường được xem là biểu hiện của xấu hổ, thiếu tự tin và dễ là cái cớ khiến bạn bè trêu ghẹo, gây mặc cảm cho trẻ khi đến trường.

Với những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nếu trẻ thỉnh thoảng mới mút tay, bố mẹ chỉ cần làm cho trẻ phân tâm, lôi cuốn sự chú ý vào những trò chơi khác, giúp trẻ dễ chịu vào những thời điểm sắp mút tay. Cha mẹ cũng nên chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ những lúc không mút tay, hành động này cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết. Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp như băng kín hay mang găng che tay trẻ nhằm tạo “chướng ngại vật” làm trẻ gặp khó khăn khi mút tay.

Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh. Sau những cách làm trên, nếu trẻ vẫn không thể từ bỏ việc mút tay, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các khoa nhi chuyên về tâm lý trẻ em để được các bác sĩ hướng dẫn và điều trị cho trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phổ Ninh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN