Thận trọng với miếng dán chống say xe

Bên cạnh hiệu quả mà miếng dán say xe mang lại, vẫn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Nhiều tác dụng phụ

Vốn bị say xe nặng nên khi lên thành phố thăm con, cô N.T.H (Đắc Lắc) đã cẩn thận dán luôn hai miếng dán chống nôn ói trước khi lên đường. Tuy nhiên, khi vừa tới nơi, cô cảm thấy hoa mắt, nhức đầu, tay chân bủn rủn không còn một chút sức lực nào nữa. Sau khi vào viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết cô bị tác dụng phụ khi sử dụng miếng dán quá liều.

Qua tìm hiểu, thành phần chính trong miếng dán chống nôn là dược chất Scopolamin, có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe. Khác với các loại cao dán thông thường chỉ có tác dụng ngay tại chỗ dán, miếng dán chống say tàu xe là loại có tác dụng toàn thân hay còn gọi là băng dán xuyên da (có tác dụng không khác gì thuốc uống). Sau khi dán lên da khô phía sau tai, các thành phần thuốc trong miếng dán sẽ thấm dần xuyên qua da vào máu và phát huy tác dụng.

So với các loại thuốc uống hay tiêm, miếng dán này khá tiện lợi vì duy trì được sự cung cấp liên tục thuốc trong thời gian dài, khi cần có thể ngưng sử dụng bằng cách gỡ miếng dán ra khỏi da.

Thận trọng với miếng dán chống say xe - 1

Cần sử dụng đúng cách miếng dán say tàu xe nếu không muốn gây ra nhiều tác dụng phụ (ảnh minh họa).

Mặc dù tiện lợi, nhưng dược chất Scopolamin cũng có nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều, tác động đến hệ thần kinh như làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, rối loạn điều tiết mắt (làm mờ mắt, hoa mắt), ảo giác…. Do vậy, không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.

Cần sử dụng đúng cách

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, nếu được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thì hầu như miếng dán chống nôn không gây ra các tác dụng phụ như đã kể trên. Nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2, 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng.

BV Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận một ca cấp cứu khi một bé gái 7 tuổi theo mẹ từ Đồng Tháp lên TP.HCM thăm bà con. Theo lời bà mẹ, mặc dù con mình hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng do sợ con say xe, trước khi lên đường khoảng 30 phút, bà đã dán 2 miếng dán chống ói ở phía sau tai của con. Trong suốt chuyến đi, bé ngủ li bì, nhưng khi lên đến TP, bé kêu nhức đầu, có biểu hiện rối loạn hành vi, nôn mửa, hoa mắt…Sau khi vào viện, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm và theo dõi viêm màng não nhưng kết quả hoàn toàn bình thường. Sau khi nắm rõ tình hình, các bác sĩ cho rằng bé gặp phải phản ứng phụ do dùng miếng dán chống nôn. Sau một ngày nghỉ ngơi, bé trở lại trạng thái hoàn toàn bình thường.

PGS. TS. DS Nguyễn Hữu Đức cho biết, miếng dán chống nôn nên được sử dụng 4 tiếng trước khi lên xe là tốt nhất, bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng miếng dán loại này, đặc biệt là với phụ nữ có thai, trẻ em dưới 8 tuổi và những người dị ứng với thành phần của miếng dán. Với trẻ em từ 8 đến 15 tuổi, mỗi lần chỉ được dùng nữa miếng dán. Đặc biệt, khi đang sử dụng mà cảm thấy có những triệu chứng bất thường như đã kể trên thì phải ngưng sử dụng và gỡ miếng dán ra ngay lập tức. Sau khi gỡ miếng dán nên rửa tay thật kỹ để thuốc còn sót lại không dính vào thức ăn, nước uống, vô tình được đưa vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN