Sống giữa thủ đô vẫn bị giun bò khắp người
Những con ấu trùng thải ra từ phân động vật rất dễ bám vào các loại thực phẩm như rau sống hay chui vào cơ thể người qua việc tiếp xúc trực tiếp qua da.
Mấy ngay nay, anh Trương Thanh Hải trú tại Triều Khúc, Hà Nội thấy tay anh xuất hiện các đường gân lạ nổi lên ở cổ tay. Anh Hải để ý mỗi ngày đường gân ấy lại chạy một địa điểm. Anh Hải hoảng hốt khi hình lạ có thể thay đổi chiều đi và hình dáng lúc thẳng lúc cong. Đường gân lạ khiến anh Hải thấy ngứa ngáy khó chịu.
Anh Hải đi khám ở một phòng khám tư, bác sĩ không biết chứng bệnh gì, chỉ biết khuyên anh nên đến bệnh viện lớn khám. Anh vào khoa da liễu bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ kết luận anh Hải bị chứng bệnh giun xoắn, một loại ấu trùng chui vào da qua vết thương hở.
Cách đây không lâu trận mưa lớn khiến gia đình chị Hạnh (Tân Mai, Hà Nội) bị ngập. Khi nước ngập rút đi chị Hạnh và cả nhà ngứa ngáy vì chứng nấm da. Điều khó chịu nhất là trên da chị nổi lên những đường loằn ngoằn.
Hình ảnh giun bò dưới da bụng của bệnh nhân.
Hoảng vì ấu trùng chu du trên da
Quá hoảng sợ chị đến bệnh viện khám thì được bác sĩ cho biết chị bị ấu trùng di chuyển tấn công. Xét về tiền sử bệnh, chỉ có thể là do trận mưa lớn khiến nhà chị bị ngập, ấu trùng đã tiếp xúc với da và tự chui vào da để ký sinh.
Chị Bùi Thị Thảo nhân viên vệ sinh của công ty quản lý cây xanh Hà Nội cho biết công việc của chị thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa và nhặt cỏ cho cây xanh ở khu vực quận Cầu Giấy. Mấy tháng trước, chị Thảo cũng bị hiện tượng ấu trùng chui vào da qua tay khi chị tiếp xúc với đất.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, bệnh nhiễm ấu trùng di chuyển này rất hiếm gặp. Theo hồ sơ ông ghi chép tại Hà Nội, trong những năm trở lại đây, ông gặp nhiều hơn ở các bệnh nhân bị ấu trùng di chuyển dưới da. Ông đã gặp cả bệnh nhân bị ấu trùng tấn công lên môi khiến môi sưng vù với những vết gờ thay đổi hình thù liên tục.
Giun bò dưới da tay gây ngứa và viêm nhiễm khi người bệnh gãi nhiều.
Ấu trùng này chủ yếu sinh sống trong chó và mèo. Khi chất thải của chó mèo ra ngoài môi trường thì ấu trùng vẫn không bị chết mà lan tỏa trong đất. Nếu gặp người có da tay, da chân bị thương, chúng sẽ tự chui vào. Vùng dễ bị nhiễm ấu trùng là bàn chân, bàn tay, vùng da dưới chân hoặc mông nếu có tiếp xúc trực tiếp với vùng đất ẩm.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là nổi mẩn, gây ngứa dưới da. Bệnh nhân không nên gãi có thể gây nhiễm trùng, hóa mủ là cơ hội cho các bệnh khác xâm nhập. Ấu trùng di chuyển đến đâu thì gây ngứa đến đó. Nếu người bệnh chú ý lâu sẽ để ý rõ sự di chuyển chậm chạp của chúng, đôi khi chúng còn ngóc đầu lên như một con sán. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng không thể sinh sản được nên không tạo ra ổ bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thành cho rằng bệnh rất dễ gây lo sợ nhưng dễ chữa. Nếu khi phát hiện bị nhiễm ấu trùng di chuyển người bệnh chỉ cần uống thuốc giun là ấu trùng sẽ chết. Nhiều trường hợp ấu trùng sẽ tự bị cơ thể tiêu diệt và biến mất.
Nếu bệnh nhân phát hiện ra mình mắc phải ấu trùng này không nên hoang mang khi ấu trùng chui dưới da vì ấu trùng này rất lành tính.
Viêm não vì ấu trùng chui vào não
Trước đó, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị viêm não do ấu trùng giun từ món nem chua. Theo người nhà bệnh nhân sau nhiều ngày sốt và buồn nôn, đau đầu, bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ. Bệnh viện tỉnh nghi ngờ bị viêm não nên đưa bệnh nhân ra tuyến trung ương.
Sau khi làm các xét nghiệm bác sĩ cho biết chị Thoa bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà của bệnh nhi khẳng định trước khi bị ốm, bệnh nhân có ăn nem chua với rau sống. Bác sĩ nghi ngờ ấu trùng có trong các thức ăn chưa được nấu chín.
Ngày nay, thói quen ăn rau sống với các thực phẩm chưa nấu chín như nem chua, chạo, tiết canh là nguy cơ tiếp sức cho các ấu trùng tấn công vào cơ thể.
Giun đũa chó sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Trứng theo phân ra ngoài, người nuốt phải trứng do vuốt ve hay ôm chó, mèo hoặc chó, mèo phóng uế bừa bãi làm phát tán trứng trong môi trường. Khi vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường máu chu du đến khắp nơi như não, mắt, gan, phổi… và gây ra các triệu chứng bệnh ở các cơ quan này.
Để tránh mắc phải căn bệnh gây hoảng sợ này, bác sĩ khuyến cáo nên thường xuyên tẩy sán cho chó và mèo nuôi trong nhà. Khi đó ấu trùng đã chết từ trong bụng của chúng nên khi ra môi trường không còn sợ ảnh hưởng, sinh sản.
Khi tiếp xúc với đất, nước bẩn cần đeo găng tay, nên đi ủng bảo vệ khi ra đồng. Đối với trẻ nhỏ không nên cho chúng ngồi trực tiếp dưới đất, đi chân đất… có thể nhiễm ấu trùng.