Nỗi buồn “thuyên tắc ối”

Thêm một vụ 2 mẹ con sản phụ tử vong ở tỉnh Quảng Ngãi hôm 9-6, đưa số ca tử vong tương tự tại tỉnh này lên 3 trường hợp cùng với 7 trường hợp khác trên cả nước chỉ trong vòng hơn 1 tháng. “Thuyên tắc ối” được cho là nguyên nhân của những ca tử vong dồn dập nói trên.

Thuyên tắc ối trở thành “dịch” rồi chăng? Mang chuyện này trao đổi với một số bác sĩ ở TPHCM, ai cũng dè dặt, không biết thực hư thế nào. Bình luận về nguyên nhân tử vong, một bác sĩ nổi tiếng không muốn nêu tên lưu ý: “Để xác định có phải do thuyên tắc ối hay không phải có bằng chứng khách quan, rõ ràng, thuyết phục. Muốn vậy cần có một cơ quan gồm các chuyên gia y tế với đủ phương tiện khám nghiệm, kiểm chứng và phải hoạt động độc lập. Làm được điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và thầy thuốc”.

Theo vị bác sĩ này, trong các yêu cầu đặt ra hiện nay, việc chỉnh sửa hệ thống, tăng cường kỷ luật trong các đơn vị, cơ sở y tế là đòi hỏi hàng đầu. Ông nhận xét y-bác sĩ  bây giờ lo cho bản thân mình nhiều quá, làm việc công thì qua quýt, chỉ trông hết giờ là vội vã về phòng mạch tư hay chạy lo việc riêng. “Đầu óc họ phân tán vậy thì làm sao tránh được sai sót chuyên môn lúc hữu sự!”- ông nói.

Nỗi buồn “thuyên tắc ối” - 1

Người nhà sản phụ Lê Thị Hương khóc ngất tại BV Đa khoa Quảng Ngãi. (Ảnh minh họa)

Ý kiến của vị bác sĩ gợi ra một câu hỏi lớn. Tại sao giới chức y tế chỉ giải thích - và giải thích rất hay - các tai biến sản khoa gây chết người mà không nhắc đến nguyên nhân chậm trễ, thậm chí thiếu trách nhiệm của bác sĩ và nhân viên y tế vốn là yếu tố tác động không nhỏ? Ít nhất thì trường hợp 2 mẹ con sản phụ tử vong hôm 9-6 tại Bệnh viện huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã đủ chứng minh, bởi đó là ca sinh không có bác sĩ trực. Phải chăng những cơn đau vật vã kéo dài trước sự thờ ơ của nhân viên y tế đã khiến cho điều bình thường trở nên bất thường?

Tưởng cũng nên nhắc lại định nghĩa thuyên tắc ối trong y văn: Đây là một loại cấp cứu sản khoa hiếm gặp do dịch nước ối, những tế bào thai nhi, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn máu của người mẹ gây ra một phản ứng dị ứng dẫn đến suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính ở người mẹ. Tần suất xuất hiện thuyên tắc ối rất thấp (thay đổi từ 1/8.000 đến 1/80.000) nhưng tử vong lại rất cao (80%).

Thuyên tắc ối xảy ra hiếm đến nỗi có rất nhiều bác sĩ không hề gặp sự cố này trong đời hành nghề và nguyên nhân chính xác của nó cũng chưa được xác định rõ. Đây cũng là bệnh không thể dự báo, khó dự phòng và chỉ có thể điều trị hỗ trợ... Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ chỉ trong một thời gian rất ngắn lại có đến 10 trường hợp tai biến, khiến dư luận xã hội - cả trong và ngoài ngành y - nghi ngờ. Vì vậy, sẽ không thừa nếu đặt vấn đề con người - cả năng lực, trang thiết bị và trách nhiệm - như một yếu tố tác động làm cho tình hình tốt lên hoặc xấu đi.

Tại các trung tâm sản khoa ở nước ngoài hiện đều áp dụng công nghệ thông tin để làm 3 việc: giám sát bà mẹ và thai nhi, giám sát phòng sinh (để theo dõi trách nhiệm của nhân viên y tế) và tư vấn từ xa. Riêng thiết bị giám sát bà mẹ và thai nhi được gắn trên bụng bà mẹ và nối với một màn hình. Thiết bị này có chức năng theo dõi nhịp tim bà mẹ, nhịp tim thai nhi, cơn gò tử cung và ghi nhận các dữ liệu khác như một “hộp đen” vậy. Nó sẽ là chứng nhân quan trọng đối với cơ quan điều tra khi cần thiết.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, nếu cố gắng đầu tư theo hướng đó, hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện và cơn sốt “thuyên tắc ối” sẽ hạ nhiệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Tuấn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN