Nhận tin đỗ đại học, vào ngay bệnh viện tâm thần

Sau khi biết mình đỗ đại học, những lo lắng và ám ảnh của chàng trai lên đến đỉnh điểm, khiến cậu phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Áp lực học hành đang khiến nhiều trẻ bị loạn thần. Một nghiên cứu cho thấy, hiện nhóm học sinh, sinh viên bệnh này chiếm 14 - 15%.

Phòng khám tâm thần BV Bạch Mai vừa tiếp nhận một nam thanh niên 18 tuổi, ở Hà Nội. Em cho biết mình thường xuyên mất ngủ, đau đầu, nhưng có lúc lại ngủ nhiều mê mệt nên cảm thấy mệt mỏi. Sau khi truy tìm căn nguyên, bác sĩ được biết điều em lo lắng nhất là vấn đề học hành.

Đỗ đại học vẫn stress

BS Trịnh Bích Huyền cho hay qua tiếp xúc với bệnh nhân, em này tâm sự vừa đỗ trường ĐH Kinh tế Quốc dân với 26 điểm, nhưng rất lo lắng về những ngày trước mắt. Tiếng là ở Hà Nội nhưng em thuộc “Hà Nội 2”, chắc chắn phải ở trọ. Chuyện cơm - áo - gạo - tiền và những ngày sắp tới nhập học ở môi trường mới làm em lo lắng. Chuyện lo lắng về học hành đã ám ảnh bệnh nhân này tới mức: từ trước khi thi đại học, ngoài áp lực phải thi đỗ, em còn thường xuyên lo về việc nộp hồ sơ nhưng nơi nhận hồ sơ có nhận được không? Người ta có bỏ sót tên mình không? Liệu số báo danh có nhầm lẫn không?... Những chuỗi ngày dài lo lắng và ám ảnh, đến cao điểm là sau khi biết đỗ đại học, em buộc phải vào viện khám và điều trị.

Nhận tin đỗ đại học, vào ngay bệnh viện tâm thần - 1

BS Huyền tư vấn cho bệnh nhân.

Theo BS Huyền, bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng thuốc một thời gian, nhưng chừng nào còn áp lực học hành, bệnh tình của bệnh nhân vẫn còn dai dẳng. Không chỉ ở chuyện “bước ngoặt” là thi đại học, có những em, thi lên cấp 3, thi vào trường chuyên, lớp chọn cũng bị căng thẳng, rối loạn lo âu.

Không nên tạo áp lực

BSCK2 Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần QG,  cho biết với bệnh tâm thần, ngoài nguyên nhân nội sinh từ cơ thể, còn có yếu tố môi trường (tác động tâm lý). Yếu tố môi trường nằm trong cả quá trình phát triển của trẻ, nằm trong cuộc sống gia đình. Nếu gia đình tạo áp lực con phải học giỏi sẽ khiến cháu bé cảm thấy không thể lùi và điều này sẽ tạo sức ép lớn. Nhiều cháu chỉ biết học, không va chạm với bên ngoài, cuộc sống thu gọn vào bên trong khiến các cháu bị đẩy vào 2 trạng thái: hời hợt về cảm xúc, hoặc thể hiện sự quyết đoán bằng những hành động “bùng nổ”.

Sự biến đổi tâm lý của trẻ đầu tiên là lo âu, sau đó là mất ngủ, và tiếp đó nếu không được phát hiện điều trị, trẻ có thể bị suy nhược nặng. Sự chờ đợi thấp thỏm, đến lúc biết điểm thi sẽ khiến bùng nổ nếu kết quả không tốt (trẻ dễ mất ngủ, buồn chán, lo âu, xấu hổ). Nếu ở thể nhẹ, biểu hiện chỉ thoáng qua. Nhưng trường hợp nặng (loạn thần), trẻ dễ mặc cảm dẫn đến có thể bỏ nhà ra đi, hoặc tự tử.

Để tránh trẻ bị loạn thần từ việc học hành, gia đình nên kịp thời động viên khuyên nhủ dù con thành công hay thất bại. Đặc biệt nếu bệnh thành tích trong nhà trường chấm dứt thì sức ép học hành cũng giảm, và sự loạn thần của trẻ do học hành cũng giảm theo.

“Học sinh - sinh viên phải đối mặt với áp lực học hành, môi trường sống thay đổi, không có sự hỗ trợ của người thân, vấn đề cơm áo gạo tiền, sốc về văn hóa… Tất cả những yếu tố đó khiến các em dễ bị trầm cảm, mất tự tin, bi quan, buồn chán, thậm chí có ý tưởng muốn chết”.

BS Trịnh Bích Huyền, Viện sức khỏe tâm thần QG.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Anh (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN