Muỗi hổ châu Á “tái xuất”
Các nghiên cứu gần đây cho biết về sự xuất hiện của một loài muỗi có tên Aedes Albopictus. Tuy không nguy hiểm như loài muỗi gây bệnh sốt xuất huyết nhưng giới chuyên môn cảnh báo chúng có thể truyền bệnh cho người.
Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết trên địa bàn TP đang xuất hiện loài muỗi Aedes Albopictus (AA) - còn gọi là muỗi hổ châu Á. AA được cho là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) rất nguy hiểm và có khả năng truyền bệnh qua trứng.
Rất hung hăng
Hiện TP Đà Nẵng đang là một trong những địa phương có số người mắc SXH tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, các kết quả giám sát nghiên cứu về côn trùng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy muỗi AA cũng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và có xu hướng lan rộng, dần thay thế Aedes aegypti - loại muỗi gây bệnh SXH Dengue hiện nay.
Các chuyên gia dịch tễ cho biết AA hoặc muỗi rừng ban ngày cũng giống như các loài muỗi Aedes khác. Chúng đẻ trứng rời từng chiếc trên những diện tích ẩm ướt, ngay trên thành hoặc gần sát với mặt nước, trong những dụng cụ chứa nước tạm thời và đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng, trong vườn tại các hốc cây... AA đốt cũng gây ngứa và đau.
Ảnh lớn: Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM. Ảnh nhỏ: Muỗi hổ châu Á .Ảnh: NGUYỄN THẠNH - INTERNET
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mặc dù gọi là muỗi hổ nhưng nó là một loại muỗi nhỏ, có sọc trắng chạy dài từ đầu dọc theo lưng và ra tận phía sau chân, thân có khoang trắng. Đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài muỗi hổ là rất hung hăng, thường đốt người giữa ban ngày và đặc biệt là vào lúc rạng đông hoặc khi trời về chiều, lúc chập tối.
Cũng theo ông Hiển, khoảng 10 năm trước, muỗi AA chiếm ưu thế và chủ yếu gây bệnh SXH Dengue ở Việt Nam nhưng sau đó giảm đi. Gần đây, các kết quả giám sát nghiên cứu về côn trùng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc, muỗi hổ châu Á đang dần thay thế muỗi Aedes aegypti.
Xuất hiện nhiều nơi
Trước những tin đồn về loài muỗi này đốt có thể gây tử vong cho người, ông Nguyễn Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết AA không phải là chủng muỗi gây bệnh mới. “Thực tế, loài muỗi này có từ rất lâu và “quê hương” của chúng ở các nước châu Á. Tuy nhiên, có một thời gian khá dài, người ta ít ghi nhận sự hiện diện của loài muỗi này trong các vụ dịch SXH mà thay vào đó là muỗi Aedes aegypti. Chính vì thế, khi loại muỗi này “tái xuất” với mật độ dày hơn, nhiều người cho rằng đó là loài muỗi mới. Muỗi hổ đang chiếm ưu thế ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng người ta cũng ghi nhận chúng hiện diện ở nhiều địa phương khác, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM”- ông Nam nói.
Theo ông Nam, loại muỗi này tuy không nguy hiểm như những lời đồn thổi thời gian qua nhưng nó vẫn có thể gây bệnh cho người. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nơi nào có muỗi AA thì tỉ lệ mắc SXH thấp hơn nơi muỗi Aedes aegypti sinh sống hoặc kết hợp cả 2 loài trên. Hơn nữa, muỗi AA có đặc điểm sống ngoài trời chứ không giống như muỗi vằn sống trong nhà, tiếp cận với người thường xuyên hơn, cho nên vai trò truyền bệnh của nó ít hơn muỗi Aedes aegypti.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển, ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, muỗi truyền bệnh SXH Dengue chủ yếu là Aedes aegypti. Tuy nhiên, do phân bố, mật độ của muỗi hổ ở miền Bắc cao và khả năng thích nghi của loài muỗi này rất tốt nên nguy cơ truyền bệnh cho người rất lớn. Đáng lưu ý là muỗi hổ hút cả máu người và máu động vật chó, mèo, gà... Do đó, đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp chúng có cơ hội tiếp xúc với nhiều loài vật chủ, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cũng như truyền bệnh gia tăng.
Các chuyên gia dịch tễ cũng lưu ý hiện SXH đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch. Do đó, sự xuất hiện trở lại của loài muỗi hổ châu Á cũng có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ truyền bệnh cho người. Để phòng bệnh, người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống tương tự loài muỗi Aedes aegypti. Đó là tiêu hủy các dụng cụ chứa nước không có ích. Đặc biệt, loài muỗi này sống chủ yếu ở ngoài nhà, trú đậu trong bụi cây nên phải thường xuyên phát quang những bụi rậm để chúng không còn “đất” sinh nở.