Kỳ dị "chiêu" tăng cường sức khỏe của "đồ tể"

"Đồ tể" thực chất là người chuyên giết mổ lợn. Họ nuốt nội tạng sống, uống máu lợn còn bốc hơi là chuyện thường.

Đó là những câu chuyện có thật, đã xảy ra, được chính một số "đồ tể" chuyên nghiệp kể lại với thái độ rất hân hoan rằng: "Hàng ngày có "đồ tươi sống" để dùng nên sức khỏe mới dẻo dai như thế".

Thoạt nghe, ai cũng thấy bất ngờ đến hoảng hốt trước cái bí quyết có vẻ rợn người, đầy hoang dã ấy. Những câu chuyện trong bài viết này chỉ là chuyện cá biệt.

Kỳ dị "chiêu" tăng cường sức khỏe của "đồ tể" - 1

Đồ tể trong lò giết mổ. (Ảnh minh họa)

Cũng cần cảnh báo chuyện uống tiết lợn, ăn mật lợn sống như các nhân vật trong bài viết, với người khác rất có thể sẽ mắc một số bệnh về nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc...

Bí ẩn và "oai" như nghề... “đồ tể”?!

Ông Thục (quê ở Bắc Ninh), một "đồ tể" chuyên nghiệp từ thời còn cái gọi là hợp tác xã mua bán. Năm nay, ông Thục đã hơn 80 tuổi, vẫn rất khoẻ mạnh và khá minh mẫn. Quả thật, ông ta khác người vô cùng.

Thời bao cấp, ông Thục biết nhà ai trong thôn có giỗ, có việc hiếu, việc hỉ; nhà ai nuôi mấy con lợn. Vì, hộ dân nuôi lợn thành phẩm thì phải bán cho hợp tác xã, hợp tác xã tổ chức giết mổ và bán thịt lợn cho dân.

Nhà có giỗ, có cưới, hỏi, định làm bao nhiêu mâm cỗ, tính ra bao nhiêu kg thịt lợn, đều phải đến báo với ông Thục trước đó 1 tuần để ông có kế hoạch mổ lợn của gia đình nào đó. Nếu không báo sớm, chẳng may ông Thục sổ mũi hắt hơi thì nhà đó khổ, không có thịt làm cỗ.

Thời bao cấp, đi mua thịt lợn ngoài chợ về làm cỗ rất đắt. Nhiều gia đình nông dân không có khả năng tài chính, mà giết lợn chui, bị chính quyền, hợp tác xã phát hiện, bắt phạt nên có thể nhà đang có việc... hỉ thành việc hiếu ngay...

Ông Thục tính nhẩm rất giỏi và ông cũng thường quát, mắng người mua thịt như thể cha mẹ quát, mắng con hư vậy. Ngày đó, gia đình nào muốn ăn thịt lợn phải xếp hàng từ sáng sớm mới mua được. Ông Thục tay băm tay chặt và liến thoắng: "Đến lượt ai đây? Mấy lạng? 5 đồng! Mông hay vai? mỡ thăn hết rồi, mỡ bụng lấy không...?".

Nhiều người cao tuổi lại khen: ông Thục chọc tiết lợn chính xác lắm, hãm tiết để đánh tiết canh cũng rất có nghề. Nhiều gia đình có lợn, báo bán cho hợp tác xã, gọi ông Thục đến thịt, cứ chọc tiết xong, thấy ông Thục có tiết lợn ở trên mặt, khi thì ở môi, lúc lại ở bên mép... thắc mắc: "Ông ấy chọc tiết lợn nhanh, không thấy tiết bắn tung toé, bắn vào quần áo mà sao lại bắn lên mặt, lên miệng như thế nhỉ?".

Kỳ dị "chiêu" tăng cường sức khỏe của "đồ tể" - 2

Nhiều đồ tể uống tiết lợn ngay tại lò mổ. (Ảnh minh họa)

Chẳng ai giải thích được điều này và ông Thục cũng không nói. Người phụ giúp mổ lợn cùng ông Thục lại càng im lặng, dù biết lý do. Đó quả là... bí ẩn, điều này không dễ gì được ông Thục tiết lộ.

Nuốt mật lợn tươi tăng sức đề kháng?

Một “đồ tể” khác có tiếng ở vùng Kinh Bắc, tên Nguyễn Hùng kể: "Tôi làm nghề mổ lợn cho vợ đi bán đã được gần 30 năm. Trung bình một ngày, tôi giết, mổ từ 2 đến 3 con lợn. Mỗi con khoảng 65 đến 75 kg thịt móc. Nếu tính lợn hơi (tức lợn trước khi giết, mổ thì nó khoảng 90 đến trên 100 kg). Vợ tôi chỉ chịu trách nhiệm bán lẻ một con, còn lại, vợ chồng tôi mổ rồi giao buôn.

Năm năm đầu tiên của nghề mổ lợn, hôm nào cũng có người nhắc, phanh lợn ra, nhớ móc mật để lại, bán cho tôi nhé, đừng vứt đi. Tôi tự hỏi, mật lợn đắng như thế, toàn vứt đi, sao có người dặn mua? Mua để làm gì? Dù đắng nhưng thấy bán được, tôi dặn vợ để lại, gom vào. Cứ vài hôm, người ta lại đến nhà tôi và đi đến các "đồ tể" khác, gom mật lợn mang đi.

Có hôm, họ đến tận nơi tôi đang mổ lợn, chờ tôi mổ con thứ 2, thấy tôi phanh bụng lợn ra, người đàn ông đó móc mật lợn, cho vào miệng nuốt nhanh, không cần phải chiêu nước. Tôi bất ngờ bởi cái kiểu ăn tươi, nuốt sống như động vật hoang dã ấy. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi cả tháng trời.

Vợ tôi tưởng chồng bị làm sao, tự nhiên cứ thất thần, sợ tôi trở thành người ngớ ngẩn,... Sau đó, tôi lại "nghiện" mật lợn tươi và còn hoang dã hơn cái ông bạn đi gom mật lợn trước đó".

"Đồ tể" Hùng không cao lớn, lực lưỡng như ông Thục nhưng 20 năm trở lại đây anh Hùng không ốm bao giờ. Hùng thường dậy từ 1h sáng, đèo vợ đi giết, mổ lợn. Giao buôn xong, số còn lại, vợ đem đi bán, Hùng làm lòng lợn. Cứ làm liên tục như thế, đến 6h sáng, anh Hùng mới được về nghỉ.

Hôm nào không có người đặt mua cả cỗ lòng thì anh Hùng phải làm lòng chín, đem ra chợ cho vợ bán, đến khoảng 8h mới xong và được nghỉ. Ngày nào cũng vậy, mưa, gió, rét, đông hay hè... hai vợ chồng anh Hùng vẫn cứ thực hiện cái lịch trình như đã định.

Dù mổ 2, 3 con lợn /ngày nhưng "đồ tể" Hùng chỉ nuốt một cái mật. "Đồ tể" Hùng phân bua: "Bạn không biết thì không thèm, cái túi mật được dứt ra từ bụng con lợn còn đang bốc hơi, nhìn đã thấy chín rồi. Cho vào miệng, nó trôi vào họng, chỉ cần một động tác nhẹ, dướn cổ họng thôi là nó trôi vào ổ bụng rồi. Cảm giác lúc đó rất khó tả".

Tôi hỏi: "Nuốt mật lợn tươi, vì anh thích thế (tức có cảm giác khó tả) hay vì lý do nào khác? ". "Đồ tể" Hùng nói: "Thấy người ta gom mật lợn. Tôi tìm hiểu, họ gom mật lợn về để ngâm rượu, uống chữa bệnh, tốt cho sức khoẻ. Thực hư thế nào, tôi không hay nhưng tôi chứng kiến một số người uống rượu mật lợn khoẻ ra, da dẻ hồng hào, người cứ phây phây... Tôi thích, thế là học họ".

Uống tiết lợn khi đang bốc hơi

Hợp tác xã ngừng hoạt động, nghề "đồ tể" chuyên nghiệp của ông Thục chấm dứt. Tư nhân giết mổ, bán thịt lợn bung ra. Người ta vẫn thấy, ông Thục đến những gia đình có lợn bán cho "đồ tể" nơi khác đến giết mổ. Ông Thục đến làm gì? Người ta thắc mắc nhưng không tò mò, không tiện hỏi. Một người bán lợn cho "đồ tể" kể: "Ông Thục xin một bát tiết ngay khi "đồ tể" vẫn còn để dao trong cuống họng của lợn. Bát tiết vẫn nóng, bốc hơi nghi ngút, nhất là vào mùa đông. ông Thục uống ngay tại đó".

Tin ông Thục uống tiết lợn tươi đồn đi trong thôn rất nhanh. Ông Thục giải thích, uống thế rất tốt cho sức khoẻ. Trước kia, khi còn là "đồ tể", ngày nào ông cũng uống. Nhiều người thấy cũng không có gì ngạc nhiên, bởi dân gian cũng có thói quen ăn tiết canh lợn. Nhiều người coi đó là món ăn khoái khẩu. Dĩ nhiên, từ ngày có dịch nhiễm khuẩn liên cầu lợn, món tiết canh cũng khiến người ta e dè hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyệt Hằng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN