Kiệt quệ vì mắc bệnh viêm gan C

Sự kiện: Bệnh gan

Khi biết cả hai vợ chồng bị nhiễm viêm gan C, chị M (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không tin vào sự thật. Chị hoang mang không biết kiếm đâu ra vài trăm triệu đồng để chữa bệnh.

Hoang mang với chi phí điều trị khủng

Chị M đi kiểm tra sức khoẻ thì phát hiện mình bị viêm gan C. Bản thân chị cũng không hay biết đã mang mầm bệnh từ bao giờ. Dù không tin vào sự thật nhưng chị vẫn đủ bình tĩnh để khuyên chồng đi kiểm tra. Thật không may cả hai vợ chồng cùng mắc bệnh.

Chị M cùng chồng tuần nào cũng đến viện tiêm thuốc điều trị viêm gan C đều đặn. Trên khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, vừa tiêm được 30 phút, chị tiếp tục lấy ra một vốc thuốc, vừa uống vừa giải thích: “Đây là thuốc hỗ trợ đấy. Mỗi lần mình tiêm xong là người mệt mỏi, nếu không uống thuốc hỗ trợ, không làm gì nổi”.

Cho đến giờ, chị M vẫn chưa hết bàng hoàng khi bác sĩ kết luận hai vợ chồng cùng mắc căn bệnh này. Chị M kể: “Biết cả hai vợ chồng cùng mắc bệnh, tôi không tin nổi vào tai mình rồi oà lên khóc. Bác sĩ nói cần thiết phải điều trị  nhưng lúc đó tôi không biết lấy đâu ra tiền nữa.”

Chị M cho biết, số tiền thuốc tiêm cho một người lên tới 160 triệu đồng/ năm. Đó là chưa tính đến chi phí cho nhiều lần xét nghiệm và chi phí mua thuốc hỗ trợ đi kèm. “Tổng chi phí điều trị cho 1 người/ 1 năm không thể dưới 160 triệu đồng. Nhà tôi cả hai vợ chồng cùng mắc bệnh thì làm sao lo được số tiền ấy. Chỉ nghĩ đến đó tôi đã muốn bỏ cuộc”. Chị M chia sẻ.

Kiệt quệ vì mắc bệnh viêm gan C - 1

Hàng tuần chị M đều phải đến viện tiêm thuốc điều trị viêm gan C

Thời gian đầu điều trị, chị M sụt 14kg, mỗi lần đi tiêm về là chị sốt, mệt mỏi, bản thân cũng không thể làm được bất cứ việc gì: “Cả hai vợ chồng tiêm xong lúc nào cũng mệt mỏi. Cuộc sống bị xáo trộn hoàn toàn. Chồng tôi nghỉ làm vì không đủ sức còn tôi cũng chỉ làm được việc nhẹ nhàng, giờ hai vợ chồng lại phải nương tựa vào mẹ già”.

Tiền là rào cản lớn nhất

Trường hợp chị T ở Thái Nguyên, vô tình đi thử máu, nhận được kết quả xét nghiệm Anti-HCV dương tính và men gan tăng. Chị nghe nói muốn điều trị khỏi bệnh phải làm nhiều xét nghiệm mà chi phí điều trị quá lớn. "Đó là số tiền không tưởng, nên tôi đành bỏ cuộc". Chị T chia sẻ.

Cũng giống như chị T, anh Đ ở Quảng Ninh đã phải bỏ dở quá trình điều trị vì không đáp ứng đủ chi phí. Anh Đ cho biết: “Ban đầu biết có bệnh, tôi cũng quyết tâm điều trị. Gia đình đã bán đi một mảnh đất ở quê được gần 70 triệu. Nhưng không chỉ có tiền thuốc, nào là tiền đi lại, ăn uống, thuê nhà trọ… Nghĩ đến đó đã thấy nản nên tôi quyết định bỏ dở. Thôi thì sống chết có số.”

Kiệt quệ vì mắc bệnh viêm gan C - 2

Theo BS Ngọc, chi phí điều trị  là rào cản lớn nhất đối với bệnh nhân viêm gan C

Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai mỗi năm có khoảng 300- 500 trường hợp đến khám và phát hiện bệnh. Tuy vậy, số người tham gia điều trị lại rất thấp. Khoảng 20% bỏ điều trị vì chi phí. Mỗi đợt điều trị bệnh chi phí từ 100- 200 triệu và thời gian điều trị ít nhất là 6 tháng đến 1 năm. Một số trường hợp còn kéo dài 1,5 năm. Tỷ lệ điều trị thành công khoảng 60%. Tuy nhiên, để điều trị bệnh thành công còn phụ thuộc vào thuốc điều trị, liều dùng, typ virus và bệnh nhân có đáp ứng nhanh hay không.

PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc, Trưởng phòng Viêm gan, Virut, Bệnh viện Bạch Mai, rào cản lớn nhất hiện nay với các bệnh nhân viêm gan C là chi phí điều trị quá cao so với mức thu nhập bình quân của người Việt. Cụ thể, nếu bệnh nhân điều trị bằng thuốc uống thì mỗi tháng phải tiêu tốn từ 1-2 triệu tháng. Nếu bệnh nhân tiêm 3 mũi một tuần sẽ phải tiêu tốn khoảng 5 triệu/tháng còn đối những bệnh nhân tiêm 1 mũi một tuần sẽ phải tiêu tốn từ 8-12 triệu/tháng. Thêm vào đó, thời gian điều trị kéo dài từ 6-18 tháng nên người bệnh mau nản và bỏ cuộc.

Lý giải về con đường lây truyền bệnh, BS Ngọc cho rằng, có đến 80% bệnh viêm gan C lây qua đường máu, 10% lây bệnh qua đường tình dục,  10% lây từ mẹ sang con. Do vậy, những người mắc viêm gan C nếu không điều trị sẽ để lại hậu quả như lây nhiễm trong cộng đồng hoặc bản thân sẽ bị xơ gan, ung thư gan, tử vong.

BS Ngọc khẳng định, nhiều người biết bị bệnh nhưng vẫn bỏ trị vì chi phí quá cao, vượt xa khả năng nên buộc phải ôm bệnh quay về nhà. BS Ngọc cũng hy vọng Nhà nước sẽ có chính sách Bảo hiểm y tế để cùng chi trả phần nào kinh phí điều trị viêm gan C cho những người mắc.

Để phòng và điều trị viêm gan C hiệu quả BS Ngọc khuyến cáo không dùng bơm kim tiêm, không tiêm chích ma túy. Nên đi khám và điều trị ở những bệnh viện chuyên khoa. Nếu đã mắc cần đến bệnh viện khám và điều trị. Nếu có chỉ định điều trị thì bệnh nhân cố gắng thực hiện theo phác đồ bác sĩ đưa ra.

Theo số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới, số bệnh nhân nhiễm viêm gan C trên thế giới khoảng 170 triệu người. Cứ 100 người bị bệnh gan cấp tính thì 20 người trong số họ bị viêm gan C. Người ta ước tính trung bình, có hàng trăm nghìn người mắc mới mỗi năm và có hàng chục nghìn người chết vì căn bệnh này.

Theo đó, cả nước hiện có khoảng 9 triệu người bị nhiễm virus viêm gan B hoặc C và ung thư gan là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nam giới. Đáng lo ngại, gánh nặng bệnh tật do bệnh viêm gan B và C gây ra không hề nhỏ nhưng nhận thức của người dân về căn bệnh này và các yếu tố nguy cơ còn rất thấp. Người mắc bệnh nếu không được điều trị và không kiểm soát, viêm gan B và C có thể dẫn đến ung thư gan hoặc xơ gan. Đặc biệt, người tiêm chích ma túy có tỷ lệ nhiễm viêm gan C rất cao, lên tới xấp xỉ 99%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Bệnh gan Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN