Hơn 90% dân số thế giới sống trong ô nhiễm

Sự kiện: Sống khỏe

Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây đã công bố một con số giật mình: hơn 90% dân số thế giới đang hàng ngày hít thở không khí bị ô nhiễm, bất chấp những nỗ lực kiềm chế của các cơ quan chức năng.

Hơn 90% dân số thế giới sống trong ô nhiễm - 1

 Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng báo động đỏ

Trong đó, 1/9 số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, ở Trung Quốc là hơn 1 triệu người và Mỹ khoảng 38.000 trường hợp.

Tình trạng này đã vượt quá mức báo động đỏ và chưa có dấu hiệu dừng lại, không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đột quỵ, bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, Sumita Khatri, Giám đốc Trung tâm Suyễn tại Cleveland Clinic ở Ohio (Mỹ) cho biết.

Chỉ trong tuần này, mức cảnh báo ô nhiễm không khí đã được đưa ra ở Sydney, Úc khi các nhà khoa học đo được lượng khí ozon vượt rất nhiều mức cho phép. Một báo cáo trước đó cũng cho thấy, ô nhiễm không khí ở London đã quá ngưỡng báo động, mức nguy cơ cao ở Paris, các quốc gia khác như Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với cảnh khói bụi mù mịt dẫn đến việc chính phủ phải hạn chế số lượng xe lưu thông ngoài đường hay đóng cửa nhiều nhà máy.

Hơn 90% dân số thế giới sống trong ô nhiễm - 2

 Bản đồ thể hiện chỉ số chất lượng không khí vừa được WHO công bố

Hôm thứ 3 vừa qua, WHO cũng công bố bản đồ thể hiện chỉ số chất lượng không khí PM2.5 cho thấy “điểm đen” ô nhiễm xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ số PM2.5 là mật độ số hạt PM2.5 có trong 1 mét khối không khí, mức tiêu chuẩn và an toàn là 10, tức là 10 hạt trong 1 mét khối không khí, chỉ số này càng lên cao thì mức độ ô nhiễm không khí càng nguy hiểm.

Trước tình hình này, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra.

Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin cơ quan chức trách đang cho triển khai việc lắp đặt hệ thống làm sạch không khí tại một số trường học và nhà trẻ trong thành phố. Công nghệ này có thể lọc và loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm cả trong nhà và ngoài trời với tỷ lệ 50%. Trước đó, Bộ lọc HEPA - một hệ thống sử dụng tia tử ngoại để tiêu diệt các tác nhân gây ô nhiễm, được cho là có thể lọc 70% những hạt siêu nhỏ 0.3 micron cũng được giới thiệu rộng rãi.

Tuy nhiên, “trước khi các hệ thống đó được chứng minh là thực sự hiệu quả thì việc mọi người cần làm vẫn là dành hầu hết thời gian trong nhà, đóng cửa sổ và bật điều hoà không khí ", Ông John Holloway - Giáo sư về dị ứng, hô hấp và di truyền học đến từ Trường Đại học Southampton cho biết.

“Hạn chế việc đi ra ngoài vào những ngày chất lượng không khí ở mức thấp, trừ khi bắt buộc. Nếu phải đi ra ngoài, thay vì các cung đường chính, việc lựa chọn tuyến đường bộ hoặc có nhiều cây xanh có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ ô nhiễm”, Khatri nói thêm.

Hơn 90% dân số thế giới sống trong ô nhiễm - 3

Sống gần các trục đường lớn làm tăng nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm

Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, cũng là một phương án tối ưu. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Khatri tin rằng "những chiếc khẩu trang được thiết kế để sử dụng trong công nghiệp là hiệu quả nhất”.  Đây là loại khẩu trang dùng một lần, được gọi là N-95 hoặc P-100, thường được các bác sĩ và nhà nghiên cứu sử dụng để tránh ô nhiễm từ vi khuẩn truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, Khatri cũng đưa ra lời khuyên người dân nên giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, nghỉ ngơi trong 1 căn phòng với càng ít cửa sổ và cửa ra vào càng tốt để giảm thiểu sự tiếp xúc với khói bụi bên ngoài; nền nhà hay thảm trải nên sử dụng máy hút bụi có một bộ lọc HEPA hoặc lau bằng khăn ẩm thay vì quét.

Ngoài giữ sạch nhà cửa, việc “làm sạch mình” cũng quan trọng không kém. Từ ngoài đường trở về, việc cần làm trước tiên là vào nhà tắm bởi tất cả các chất gây ô nhiễm sẽ bám và thẩm thấu qua da, xâm nhập vào cơ thể, gây ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. “Nghe thì có vẻ rất đúng nhưng thực tế không phải ai cũng thực hiện điều này”.

Rất nhiều biện pháp được đưa ra nhưng cuối cùng, cả Holloway và Khatri đều khẳng định đây chỉ là những phương án tạm thời trong khi chờ đợi thực thi chính sách lớn giúp giải quyết gốc rễ vấn đề. Theo 2 chuyên gia này, các quốc gia cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc mà họ đã ký cũng như đẩy mạnh việc sử dụng xe điện hoặc xe hybrid, hạn chế và tiến tới loại bỏ những phương tiện dùng nhiên liệu diesel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh - CNN ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN